(kontumtv.vn) – G7 lần đầu tiên nhóm họp, Tân Tổng thống Ukraine, Ai Cập nhậm chức, bầu cử Quốc hội ở Kosovo, đánh bom ở Iraq…
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Putin gặp mặt nhau tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân đồng minh đổ bộ lên thành phố Normandy, Pháp, ngày 6/6/2014 (Ảnh Wochit)

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Barack Obama đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bữa trưa của các nhà lãnh đạo thế giới trong lễ kỷ niệm D-Day tại Pháp ngày 6/6/2014. Đây là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Putin kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Thông tin từ Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc đối thoại không chính thức chỉ khoảng 10 đến 15 phút. Cuộc trò chuyện diễn ra trong một bữa ăn trưa do Tổng thống Pháp Francois Hollande mời. Hai vị Tổng thống này lúc đó đều đến Pháp dự Lễ kỷ niệm lần thứ 70 quân đội Đồng minh đưa quân đổ bộ lên những bãi biển ở thành phố Normandy, Pháp.

Hội nghị G7 nhóm họp lần đầu tiên tại Brussels, Bỉ, ngày 4/6/2014 (Ảnh AP)

Ngày 4/6, các nước công nghiệp hàng đầu thế giới gặp nhau tại Brussels (Bỉ) thay vì Sochi (Nga) như dự kiến ban đầu. Lần đầu tiên sau 17 năm, Nga không có mặt Hội nghị thượng đỉnh này sau khi bị các nước trong nhóm tẩy chay để trả đũa cho việc Nga sáp nhập Crimea cũng như bị coi là tác nhân gây ra tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine.

Các nhà lãnh đạo G7 tập trung vào việc triển khai các chính sách cụ thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó 2 ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm. Bên cạnh đó, Hội nghị G7 cũng bàn đến các vấn đề thời sự nóng đang được quan tâm như khủng hoảng Ukrainecăng thẳng trên Biển Đông, vấn đề Triều Tiên…

Tuyên bố chung kết thúc Hội nghị nêu rõ G7 sẽ đưa ra các chiến lược tăng trưởng tổng thể và đầy tham vọng tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới G20 diễn ra ở thành phố Brisbane, Australia.

>> Xem thêm: Hội nghị thượng đỉnh G7 và “câu chuyện nóng” về Ukraine, Biển Đông

Tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vẫy tay chào dân chúng tại Lễ Nhậm chức Tổng thống tại Kiev, ngày 7/6/2014 (Ảnh EFE)

Ông Petro Poroshenko đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ukraine ngày 7/6/2014, vạch ra kế hoạch mang lại hòa bình cho vùng phía Đông đang tan hoang vì xung đột của nước này.

Người dân khắp Ukraine, từ những người biểu tình ở quảng trường Độc lập tại thủ đô Kiev đến những người biểu tình đòi liên bang hóa ở miền Đông đềubày tỏ hy vọng ông Poroshenko sẽ tìm được một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay.

>> Xem thêm: Tân Tổng thống Ukraine và những khó khăn được báo trước

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi phát biểu tại Tòa án Hiến pháp tối cao ở Cairo, Ai Cập, ngày 8/6/2014 (Ảnh AP)

Ai Cập đã triển khai lực lượng an ninh tại các địa điểm quan trọng trên khắp thủ đô Cairo để bảo đảm an ninh cho buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Abdel Fattah El-Sisi diễn ra hôm nay (8/6).

Tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử El-Sisi có 15 nhà lãnh đạo quốc tế, trong đó có Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Iran Hassan Rowhani. Lễ tuyên thệ nhậm chức được truyền hình trực tiếp trên truyền hình quốc gia Ai Cập.

Ông En Si-si giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua tại Ai Cập với gần 97% số phiếu ủng hộ, đánh bại đối thủ duy nhất là ông Hamdin Sabah, thủ lĩnh phái trung tả.

>> Xem thêm: Bầu cử Ai Cập: Cử tri cần sự ổn định hơn tự do dân chủ

Thủ tướng Kosovo Hashim Thaci tại một điểm bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội sớm tại thủ đô Pristina, ngày 8/6/2014 (Ảnh Reuters)

Ngày 8/6, Kosovo bắt đầu cuộc bầu cử Quốc hội sớm, vốn được coi là bước thử quan trọng cho tham vọng gia nhập Liên minh châu Âu của Thủ tướng Kosovo Hashim Thaci. Hơn 1,7 triệu cử tri Kosovo đã đăng ký tham gia bỏ phiếu. Các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa lúc 17h ngày 8/6 (giờ địa phương) và kết quả sơ bộ sẽ được công bố vào tuần tới.

Một vụ đánh bom xe tối thứ Bảy (7/6) đã giết chết 52 người tại một trường đại học ở Iraq (Ảnh Wochit)

Quan chức Iraq hôm 7/6 cho biết, các tay súng phiến quân Hồi giáo vừa tấn công 1 trường đại học ở tỉnh Anbar phía Tây thủ đô Baghdad và bắt giữ hàng chục sinh viên làm con tin. Vụ việc xảy ra chỉ 1 ngày sau hàng loạt vụ đánh bom và đụng độ hôm qua ở tỉnh Nineveh, miền Bắc Iraq, làm ít nhất 50 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.

Iraq đang trải qua giai đoạn bạo lực tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, các vụ bạo lực trong năm ngoái đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.800 người, trong đó có khoảng 7.800 dân thường và dân phòng.

Tổng thống Syria Bashar Assad đã tái đắc cử với 88,7% số phiếu bầu (Ảnh Wochit)

Theo thông báo của Chủ tịch Quốc hội Syria Mohammad Lahham, ông Assad đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống nước này hôm 3/6 vừa qua với 88,7% số phiếu ủng hộ và tiếp tục cầm quyền thêm một nhiệm kỳ 7 năm.

Chiến thắng của ông Assad đã được dự đoán từ trước cuộc bầu cử này. Kết quả này đã cho thấy ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ đối với vận mệnh dân tộc của đông đảo người dân Syria, bất chấp những lo ngại cho rằng, cuộc bỏ phiếu khó có thể thu hẹp những bất đồng vốn đang chia rẽ quốc gia này.

>> Xem thêm: Bầu cử Tổng thống Syria: Ông Assad không có đối thủ

Đại Tá ‘Todd’ Winthai Suwaree (trái), Phó phát ngôn viên quân đội Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia Thái Lan phát biểu với giới truyền thông, tại tòa nhà Chính phủ Thái Lan ở Bangkok ngày 06/6/2014
(Ảnh EFE)

Ngày 6/6, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha cho biết, nước này sẽ có một Thủ tướng và một chính phủ để điều hành đất nước. Như vậy là sau 2 tuần đảo chính, quân đội Thái Lan đã ấn định thời hạn cụ thể để thiết lập cơ quan hành pháp cao nhất tại nước này.

Sau khi tiến hành đảo chính ngày 22/5 vừa qua, Tư lệnh lục quân Prayuth đã thành lập Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia, cơ quan cao nhất của lực lượng làm đảo chính với 4 phó Chủ tịch gồm Tư lệnh quân đội, Tư lệnh hải quân, Tư lệnh không quân và Cảnh sát trưởng Quốc gia.

Bích Đào/VOV.VN 
Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *