(kontumtv.vn) – Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng vừa phát hành đoạn video trong đó tuyên bố hành quyết nhà báo Kenji Goto, con tin thứ 2 của Nhật Bản.

Một người dân Nhật Bảncầm bức ảnh của nhà báo Kenji Goto trong một cuộc tuần hành phía trước dinh Thủ tướng tại Tokyo (Ảnh AP)

1. Nhóm Nhà nước Hồi giáo hôm 31/1 đã tung ra video quay cảnh con tin thứ hai người Nhật là Kenji Goto bị chặt đầu. Trong video quay cảnh Goto và một người đàn ông đeo mặt nạ đứng bên cạnh cầm con dao đã đổ lỗi cho chính phủ Nhật Bản đã hành quyết Goto.

Cách đây một tuần, IS cũng tung ra đoạn video về việc hành quyết con tin thứ nhất. Ngày  24/1, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã cho  tung ra một đoạn video. Trong đoạn video đó, nhà báo tự do Kenji Goto xuất hiện và mặc một bộ áo liền quần màu cam, trên tay cầm một bức ảnh. Nhà báo Goto nói, người trong bức ảnh là con tin người Nhật Yukawa đã bị IS hành quyết.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đứng giữa các phóng viên, phát biểu về đoạn video cho thấy con tin Nhật Bản thứ 2 bị hành quyết
(Ảnh EFE)
2. Ngay sau khi IS phát hành đoạn video về việc hành quyết nhà báo Kenji Goto, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sáng 1/2 đã triệu tập họp nội các khẩn cấp. Thủ tướng Abe yêu cầu tiếp tục thu thập thông tin liên quan tới đoạn băng này. Thủ tướng Abe cũng gửi lời chia buồn tới gia đình Kenji, coi đây là sự việc “đáng tiếc”, đồng thời khẳng định đây là “hành động phi nhân đạo. Nhật Bản sẽ không bao giờ tha thứ cho những hành động khủng bố”.

Cùng ngày, cộng đồng quốc tế đều bày tỏ phẫn nộ, lên án sự tàn bạo của IS hành quyết các con tin. Gia đình nhà báo Kenji Goto khi hay tin dữ thì vô cùng đau đớn, suy sụp. Trong đoạn video không nói gì đến viên phi công người Jordan, nên chưa rõ tính mạng của người này hiện nay ra sao.

Binh lính Indonesia và nhân viên cứu hộ đưa quan tài của một nạn nhân vụ tai nạn máy bay AirAsia QZ8501 vào khoang chở hàng của một chiếc máy bay Trigana tại căn cứ không quân Iskandar  (Ảnh Reuters)
3. Lực lượng cứu hộ Indonesia ngày 1/2  tiếp tục tìm kiếm 86 hành khách còn lại trên chuyến bay mang số hiệu QZ8501 gặp nạn vào ngày 28/12 tại biển Java.
Trước đó, ngày 30/1, lực lượng cứu hộ và những ngư dân Indonesia đã  tìm thêm được 6 thi thể nạn nhân. Những thi thể này được tìm thấy tại khu vực hải phận phía Nam và Tây của tỉnh Sulawesi, cách địa điểm máy bay gặp nạn tại biển Java khoảng 1.000 km. Tính đến thời điểm đó, có 76 thi thể đã được tìm thấy.Cơ quan cứu hộ và tìm kiếm quốc gia Indonesia ngày 1/2 cũng tiếp tục  trục vớt phần thân máy bay sau nhiều lần thất bại.

Tổng thống Mỹ Barack Obama được Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đón tiếp ngày 25/1/2015 (Ảnh AP)
4. Tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân hôm Chủ nhật 25/1 tới New Delhi thăm chính thức Ấn Độ 2 ngày. Đây là một chuyến thăm chưa từng có tiền lệ, khi một Tổng thống Mỹ đến thăm nước này 2 lần khi còn đường chức, nhằm củng cố chính sách “xác định quan hệ đối tác của thế kỷ 21”.
Tổng thống Mỹ đã dự Lễ kỷ niệm ngày Cộng hòa Ấn Độ. Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ công bố những kế hoạch tạo ra hàng tỷ USD trong hợp tác hạt nhân thương mại và quan hệ quốc phòng song phương. Những bước đi này sẽ thiết lập một mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài Mỹ – Ấn.
Tại cuộc họp báo ngày 25/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết: “Đây là bước quan trọng cho thấy chúng tôi có thể làm việc cùng nhau để nâng cao mối quan hệhai nước”.
Đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov đến tham dự cuộc đàm phán hòa bình tại Minsk, Belarus, ngày 31/1/2015  (Ảnh EFE)
5. Ngày 31/1/2015 cuộc đàm phán giữa chính phủ Ukraine và lực lượng đối lập miền Đông diễn ra tại thủ đô Minsk, Belarus, mà không đạt được thỏa thuận nào. Đại diện các bên không ngừng cáo buộc lẫn nhau đã làm cuộc đàm phán sụp đổ trong bối cảnh xung đột ác liệt vẫn đang tiếp diễn tại miền Đông Ukraine.

Cuộc họp đã đổ vỡ và thất bại khi 2 đại diện của Donetst và Lugansk đã từ chối thảo luận về một kế hoạch ngừng bắn ngay lập tức và rút các vũ khí hạng nặng.

Trước đó, các đại diện của Donetsk và Lugansk tuyên bố nếu đàm phán thất bại, họ sẽ giữ quyền tấn công cho đến khi “không còn bóng quân chính phủ Ukraine trên hai vùng đất này”. Kết quả cuộc đàm phán đã dập tắt những hy vọng về một lệnh ngừng bắn mới có thể sớm được triển khai sau 9 tháng xung đột căng thẳng tại miền Đông Ukraine, cướp đi sinh mạng của hơn 5 nghìn người. Diễn biến xung đột mới khiến thỏa thuận hòa bình Minsk được các bên ký kết tháng 9 năm ngoái hoàn toàn sụp đổ.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và các thành viên chính phủ vẫy chào giới truyền thông sau lễ tuyên thệ nhậm chức của Tân Thủ tướng ở Athens, ngày 27/1/2015  (Ảnh AP)

 6. Ông Alexis Tsipras trở thành  vị Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong 150 năm qua tại Hy Lạp. Phát biểu tại lễ nhậm chức ngày 26/1 ở thủ đô Athens trước sự chứng kiến của Tổng thống Karolos Papoulias, ông Tsipras cam kết sẽ nỗ lực hết sức vì lợi ích của người dân và đất nước Hy Lạp. Ông Tsipras cũng là     Thủ tướng đầu tiêntrong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc của Liên minh châu Âu.

Hy Lạp là nơi khởi đầu của cuộc nợ công châu Âu và vẫn được xem như là mắt xích yếu trong eurozone, khiến EU và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cùng Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phải tốn rất nhiều nỗ lực để cứu khỏi đổ vỡ.

Dù hiện nay khả năng Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng Euro là rất thấp, song không phải là không thể diễn ra, nhất là do những sức ép chính trị trong chính nước Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu và cũng là nước đi đầu trong việc thúc đẩy các chính sách thắt lưng buộc bụng./.

Bích Đào/VOV.VNTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *