(kontumtv.vn)  -Nếu hộp đen máy bay hết pin trước khi được tìm thấy, có thể phải mất nhiều năm nữa mới tìm thấy MH370
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel (ảnh phải) và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm 06/04/2014 (Ảnh AFP)

Trong cuộc họp báo sáng 6/4/2014 tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã phát biểu, cảnh báo Trung Quốc về việc hành động đơn phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản và các nước châu Á khác.

“Anh không thể đi quanh rồi định lại biên giới, vi phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các quốc gia bằng vũ lực, cưỡng ép và hăm dọa, cho dù đó là ở các đảo nhỏ trong Thái Bình Dương,” ông Hagel nói và tái khẳng định liên minh quân sự của Washington với Tokyo và công bố việc triển khai thêm tới Nhật Bản hai tàu chiến được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo sau khi Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Mỹ kết thúc tại Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đã đề cập tới việc Trung Quốc thiết lập Khu nhận diện phòng không tại Biển Hoa Đông và tuyên bố sẽ thiết lập khu vực này tại Biển Đông và cho rằng Trung Quốc cần tôn trọng Luật pháp quốc tế và tự do không phận. Ông Hagel cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng là ‘’tránh những đe dọa và hành động mang tính quân sự”.

Lính hải quân Philippines tuyên thệ trung thành với Tổ quốc tại doanh trại ở tỉnh Palawan, phía tây nam Philippines ngày 31/3/2014 (Ảnh Reuters)

Hãng tin AP chiều 30/3 cho biết, Philippines đã nộp lên Tòa án quốc tế bằng chứng chống lại yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
The AP, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trong cuộc họp báo ngày 30/3 cho biết tài liệu được gửi qua thư điện tử lên Tòa án tại La Hay, Hà Lan bao gồm gần 4.000 trang phân tích cùng với rất nhiều tài liệu làm chứng cứ cho vụ việc nói trên.

Các quan chức Philippines đã đưa vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ra Tòa án quốc tế vào tháng 1/2013, sau khi các tàu của Trung Quốc giành quyền kiểm soát một bãi cạn còn đang tranh chấp ngoài khơi phía Tây Bắc Philippines.

Tấm biển “Hãy cầu nguyện cho MH370 ” tại một Thánh Lễ cầu nguyện cho hành khách của chuyến bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines, tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 06/4/2014 (Ảnh EFE)

Chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay MH370 bị mất tích của Malaysia đã bước vào giai đoạn “gay go nhất”. Lực lượng tìm kiếm của các nước gồm 13 máy bay và 11 tàu với công nghệ định vị tiên tiến đang chạy đua với thời gian tìm hộp đen khi mà pin của những hộp đen theo ước tính chỉ có thể duy trì tối đa đến ngày 8/4, một tháng sau khi máy bay bị mất tích.

Hơn 4 tuần đã trôi qua kể từ khi máy bay MH370 bị mất tích, các đội cứu hộ quốc tế đang tập trung nỗ lực xác định vị trí chiếc hộp đen của máy bay trước khi nó hết pin. Nếu hộp đen máy bay hết pin trước khi được tìm thấy, có thể phải mất nhiều năm nữa mới có thể tìm được máy bay MH370.

Ngày 6/4, lực lượng tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của Malaysiaphát hiện thêm tín hiệu âm thanh thứ 3 riêng lẻ phát ra từ đáy biển Ấn Độ Dương, nghi là phát ra từ hộp đen của máy bay mất tích.
Phát hiện này càng làm gia tăng hy vọng tìm thấy hộp đen của chiếc máy bay mất tích trước khi hộp đen dừng hoạt động.

Trước đó, tàu Hải Tuần 01 của Trung Quốc tham gia tìm kiếm cũng bắt được2 tín hiệu xung điện tử tại một khu vực nhỏ của vùng tìm kiếm rộng lớn ngoài khơi bờ biển phía Tây Australia, một lần vào ngày 5/4 và một lần vào ngày 6/4.

Bộ trưởng Nội vụ mới của Ukraine Arsen Avakov, Tổng Công tố Oleh Makhnitsky và Giám đốc Cơ quan Tình báo Ukraine ( SBU ) Valentyn Nalyvaichenko tại cuộc họp báo ở Kiev ngày 03/4/ 2014 về việc bắn vào người biểu tình (Ảnh Reuters)


AP
 cho biết, Chính phủ Ukraine ngày 3/4 đã buộc tội Tổng thống bị phế truấtViktor Yanukovych đã ra lệnh cho lính bắn tỉa nã đạn vào người biểu tình và nhận sự hỗ trợ của các mật vụ Nga để chống lại người dân Ukraine.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ mới của Ukraine Arsen Avakov cũng buộc tội người tiền nhiệm của mình đã thuê những băng nhóm giết người và bắt cóc để khủng bố và đàn áp những người biểu tình trong suốt thời gian diễn ra các cuộc biểu tình tại Kiev kéo dài nhiều tháng trước.

Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Ukraine Valentyn Nalyvaichenko cũng cáo buộc Tổng thống bị phế truất Yanukovych đã trực tiếp ra lệnh cho những lính bắn tỉa tàn sát người biểu tình.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 3/4, Giám đốc điều hành tập đoàn khí đốt hàng đầu của Nga Gazprom, Aleksey Miller tuyên bố, Ukraine sẽ không tiếp tục nhận được ưu đãi về giá khi mua khí đốt từ Nga theo Hiệp định Kharkov. Theo đó, Ukraine sẽ phải trả 485 USD/1.000 m3 khí đốt bắt đầu từ tháng 4/2014.

Ngày 5/4, phản ứng về việc Nga bãi bỏ các điều khoản ưu đãi về giá khí đốt cho Ukraine, quyền Thủ tướng Ukraine Arseni Yaseniuk khẳng định, phía Ukraine không chấp nhận việc tăng giá này và gọi đây là “sức ép chính trị” từ phía Nga.

Hàng chục nghìn người ủng hộ chính phủ của bà Yingluck đông đảo ở vùng ngoại ô của thủ đô Thái Lan, ngày 5/4/2014 (Ảnh EFE)

Ngày 5/4, trong một cuộc biểu tình ở ngoại ô Bangkok, lãnh đạo phe Áo Đỏ đã cảnh báo rằng, bất kỳ một động thái nào nhằm lật đổ Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra đều có thể gây ra một cuộc nội chiếntrên đất nước này.

Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD hay còn gọi là những người Áo Đỏ) tổ chức đại biểu tình với mục tiêu kêu gọi 500.000 người tham gia nhằm thể hiện sự ủng hộ chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Đây được coi là cuộc biểu tình lớn nhất trong vòng 4 năm qua của UDD tính từ cuộc biểu tình năm 2010 với sự tham gia của hàng trăm ngàn người tại trung tâm thủ đô Bangkok, bị quân đội đàn áp làm hơn 90 người chết và khoảng 2.000 người bị thương.

Ban bầu cử Afghanistan đếm phiếu dưới ánh sáng của một chiếc đèn lồng tại một trạm bỏ phiếu ở Jalalabad, phía đông thủ đô Kabul, Afghanistan, ngày 5/4/2014 (Ảnh AP)

Sáng 5/4, cử tri Afghanistan bắt đầu đi bỏ phiếu bầu Tổng thống. Cuộc bầu cử này có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của Afghanistan, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực một cách dân chủ kể từ khi Taliban bị lật đổ.

Theo Ủy ban bầu cử, trong cuộc bầu cử tổng thống lần này, có khoảng 12 triệu cử tri hợp lệ. 8 ứng cử viên tham gia tranh cử, trong đó có 3 ứng cử viên nặng ký gồm cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah, cựu Ngoại trưởng Zalmay Rassou và cựu Bộ trưởng Tài chính Ashraf Ghani. Theo Hiến pháp Afghanistan, đương kim Tổng thống Hamid Karzai không được phép tham gia tái tranh cử.

Đây cuộc bầu cử lịch sử đánh dấu sự chuyển tiếp quyền lực đầu tiên giữa 2 Tổng thống dân cử tại Afghanistan. Để giành chiến thắng các ứng cử viên phải có được số phiếu quá bán. Quan chức của Ủy ban bầu cử độc lập Afghanistan cho biết, ít nhất đến cuối tháng 4 mới có được kết quả kiểm phiếu./.

Bích Đào/VOV online 
Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *