(kontumtv.vn) – Thủ tướng Đức và Tổng thống Mỹ đã không thể thu hẹp những khác biệt cả về lập trường chính trị và quan điểm cá nhân sau cuộc gặp ngày 17/3.

1. Sau 4 ngày bị trì hoãn vì lý do thời tiết, cuối cùng cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Donald Trump cũng diễn ra tại Nhà Trắng ngày 17/3.

the gioi 7 ngay ba merkel  va ong trump khong the thu hep bat dong  hinh 1
Ông Trump lắng nghe bà Merkel trong cuộc họp báo chung sau hội đàm ngày 17/3 tại Nhà Trắng. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, đúng như những gì giới quan sát lo ngại trước đó, bà Merkel và ông Trump khó thu hẹp những khác biệt cả về lập trường chính trị và quan điểm cá nhân. Ông Trump còn bị cho là đã phớt lờ cái bắt tay với bà Merkel trong Phòng Bầu Dục của Nhà Trắng.

Cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ – Đức bao trùm bầu không khí căng thẳng và bất đồng từ vấn đề tự do thương mại đến nhập cư.

Ông Trump tiếp tục khẳng định Mỹ là nước chịu thiệt thòi nhất trong các thỏa thuận thương mại ký hàng thập kỷ qua và nhấn mạnh quyết tâm đàm phán các văn kiện “không dẫn tới việc đóng cửa các nhà máy trên đất Mỹ”. Trong khi đó, bà Merkel vẫn luôn đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang có xu hướng gia tăng trên thế giới và tại châu Âu.

Về nhập cư, ông Mỹ Donald Trump, người từng miêu tả quyết định của bà Merkel mở cửa cho hàng trăm nghìn người xin tị nạn giai đoạn 2015-2016 là một thảm họa, coi đây là một đặc ân chứ không phải là một quyền lợi. Trong khi đó, Thủ tướng Đức lại công khai chỉ trích sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Mỹ.

Vấn đề có thể coi là duy nhất mà 2 nhà lãnh đạo Mỹ – Đức tìm được tiếng nói chung là khẳng định tầm quan trọng và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đặc biệt là về mặt tài chính, chi tiêu quốc phòng công bằng giữa các nước thành viên.

2. Ngày 15/3, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ “xem xét lại” thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về hạn chế dòng người di cư nước ngoài kéo tới đây.

Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước EU đang lún sâu vào “vòng xoáy” chỉ trích lẫn nhau sau khi Đức, Hà Lan, Đan Mạch không chấp nhận cho các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước này để vận động người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Tổng thống Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp dự kiến diễn ra vào ngày 16/4 tới.

Để đáp trả, Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa Đại sứ quán Hà Lan tại thủ đô Ankara và Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại Istanbul.

Trong khi đó, các lãnh đạo Liên minh châu Âu ( EU) đã lên tiếng chỉ trích gay gắt những phát biểu mới đây của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ khi so sánh Đức, Hà Lan với phát xít, đồng thời nhấn mạnh những phát ngôn đó đang đẩy Thổ Nhĩ Kỳ rời xa khỏi mục tiêu gia nhập EU.

3. Sau Đức và Hà Lan, đến lượt Bulgaria để xảy ra căng thẳng ngoại giao với Thổ Nhĩ Kỳ khi cáo buộc Ankara can thiệp vào cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới ở nước này. Bộ Ngoại giao Bulgaria có các báo cáo cho thấy một bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ vận động công dân Bulgaria sống tại nước này bầu cho đảng DOST tại Bulgaria.

Ngày 16/3, Bulgaria đã triệu hồi Đại sứ của mình tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ về nước để tham vấn liên quan đến căng thẳng giữa 2 nước.

Đáp lại động thái trên, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng nước này không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ nước nào, đồng thời cáo buộc Bulgaria tước đoạt quyền bỏ phiếu của công dân Bulgaria gốc Thổ Nhĩ Kỳ khi giới hạn địa điểm bỏ phiếu tại nước này xuống còn 35.

4. Kết quả bầu cử Quốc hội tại Hà Lan ngày 15/3 mang tin vui cho cả châu Âu khi đảng Nhân dân vì tự do và dân chủ (VVD) của đương kim Thủ tướng Mark Rutte giành thắng lợi với 33 ghế trong tổng số 150 ghế tại cơ quan lập pháp.

Chiến thắng này phần nào giúp châu Âu thở phào nhẽ nhõm vì chặn được đứng được sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và tâm lý chống lại chính giới cầm quyền hiện nay.

Tuy nhiên, châu Âu chưa thể hoàn toàn an tâm vì đảng Vì tự do (PVV) cánh hữu của ông Geert Wilders cũng giành được tới 20 ghế. Các đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDA) và Dân chủ 66 cùng giành được 19 ghế; Cánh tả Xanh và Xã hội cùng giành được 14 ghế. Trong đó, đảng PVV giành thêm được 5 ghế so với Quốc hội nhiệm kỳ trước còn Đảng Cánh tả Xanh bứt phá ngoạn mục với việc giành thêm 10 ghế so với năm 2012.

Quá trình thương lượng thành lập liên minh do đảng VVD dẫn đầu vì thế được dự đoán sẽ không dễ dàng còn châu Âu sẽ phải tiếp tục lo lắng về 2 cuộc bầu cử lớn nữa trong năm nay ở Pháp và Đức.

5. Ngày 15/3, một thẩm phán liên bang ở Hawaii đã ra phán quyết ngăn cản việc thực hiện sắc lệnh cấm đi lại mới của Tổng thống Trump chỉ vài giờ trước khi văn bản này có hiệu lực.

Chính quyền tổng thống Trump đã mất hơn một tháng để viết lại sắc lệnh cấm đi lại sau khi nhiều tòa án liên bang ngăn cản việc thực hiện văn bản này.

Chỉ sau đó 2 ngày, chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 17/3 đệ trình các giấy tờ pháp lý với hy vọng sẽ cứu vãn sắc lệnh cấm nhập cư mới bị cho là vi hiến.

Nếu Bộ Tư pháp kháng cáo phán quyết của tòa án ở Hawaii, vụ việc cũng sẽ được giải quyết tại Tòa Phúc thẩm tại San Francisco, nơi đã bác sắc lệnh cấm đi lại trước đó của Tổng thống Donald Trump.

6. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thăm 3 nước Đông Bắc Á từ ngày 15/3 trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang vì vụ thử tên lửa mới nhất của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ngày 6/3, trong đó có 3 quả tên lửa rơi xuống Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Tại trạm dừng chân đầu tiên là Tokyo, ông Tillerson đã kêu gọi hướng tiếp cận mới trong vấn đề Triều Tiên. Ông không nêu cụ thể các bước mà chính quyền mới tại Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump dự định tiến hành song cho biết một phần trong chuyến thăm châu Á đầu tiên của ông trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ là trao đổi quan điểm với các nước về hướng tiếp cận mới này.

Tại Hàn Quốc, ông Tillerson nêu rõ hơn rằng Mỹ đang tìm kiếm một loạt biện pháp mới về ngoại giao, an ninh và kinh tế cho vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên song khẳng định, mọi sự lựa chọn, trong đó có cả hành động quân sự vẫn được Mỹ xem xét. Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí đẩy nhanh triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), động thái vấp phải sự phản đối và các biện pháp trả đũa kinh tế từ Trung Quốc.

Chính vì thế, tại trạm dừng chân cuối cùng ở Bắc Kinh, ông Tillerson một mặt chỉ trích Trung Quốc, mặt khác sẽ phải nhấn mạnh vai trò quan trọng của Trung Quốc trong việc gia tăng sức ép với Triều Tiên.

7. Ngày 16/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch ngân sách liên bang đầu tiên của ông, trong đó cắt giảm đáng kể chi tiêu của nhiều chương trình liên bang. Theo đó, ngân sách cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Bảo vệ Môi trường sẽ bị cắt giảm tương đương 28% và 31% trong khi chi tiêu cho Bộ Quốc phòng tăng thêm 54 tỷ USD (10%), nâng tổng ngân sách dành cho quân đội Mỹ lên con số kỷ lục là gần 640 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng chi tiêu quốc phòng mới chỉ là một phần trong việc bảo vệ an ninh quốc gia.

Bản sự thảo thảo ngân sách này được cho sẽ là chủ đề nóng trong các cuộc tranh luận sắp tới tại Quốc hội Mỹ.

Ông Howard Rubel, một chuyên gia phân tích quốc phòng, làm việc cho Ngân hàng Đầu tư Jefferies chia sẻ với hãng tin CNBC rằng, nhiều khả năng đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng của ông Trump sẽ “chết yểu”. Theo chuyên gia này, đề xuất của ông Trump “thiếu những chi tiết cần thiết” để có thể thuyết phục được các nghị sĩ Mỹ chấp thuận thông qua”./.

 

Diệu Hương/VOV.VN
Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *