(kontumtv.vn) – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cùng người đồng cấp Philippines Gazmin đã cùng có mặt trên tàu sân bay USS John C. Stennis đi thị sát Biển Đông.

1. Vấn đề Biển Đông

Việc hiện diện trên tàu sân bay USS John C. Stennis cùng quan chức đồng minh Philippines cho thấy Mỹ luôn thực thi đầy đủ cam kết của mình đối với các đồng minh nhằm đối phó với việc Trung Quốc ngày càng có những động thái làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo phi pháp các bãi đá thành đảo nhân tạo và xây dựng trái phép nhiều đường băng phục vụ mục đích quân sự tại đây.

the gioi 7 ngay: my thi sat bien dong, trung quoc van luan dieu cu  hinh 0
Tàu sân bay USS John C.Stennis đang ở Biển Đông – Ảnh: Reuters

Theo AP, đây đã là lần thứ 2 trong 5 tháng qua, ông Carter lên một chiếc tàu sân bay của Mỹ để thị sát Biển Đông nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ về tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực đến Trung Quốc.

Bộ trưởng Carter và người đồng cấp Philippines Gazmin đã chứng kiến cảnh các máy bay chiến đấu thuộc Hải quân Mỹ cất cánh từ tàu sân bay ra Biển Đông, cách đảo Luzon của Philippines khoảng 70 hải lý về phía Tây.

Sau đó, tại một nhà chứa máy bay trên tàu USS John C. Stennis, ông Carter tuyên bố, thông điệp của ông khi lên tàu USS John C. Stennis là “Mỹ vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Trước đó,  ngày 12/4, các hãng tin Nhật Bản thông tin hai tàu mang số hiệu ARIAKE và SETOGIRI của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản đã cập cảng Cam Ranh, Khánh Hòa, Việt Nam.

Theo các hãng tin, việc tàu Nhật Bản cập cảng Cam Ranh thể hiện mục đích của Nhật Bản là mong muốn kiềm chế hành vi quân sự hóa của Trung Quốc đang càng gia tăng tại Biển Đông.

Liên quan tới việc này, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani trong buổi họp báo sáng 12/4 đã nhấn mạnh rằng, Nhật Bản mong muốn phát triển hợp tác quốc phòng với Việt Nam; đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ cũng như nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước nằm trong khu vực Biển Đông vì hòa bình và ổn định của khu vực.

Ông cũng cho biết thêm rằng việc bảo vệ an ninh biển và tự do hàng hải là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản.

Cùng ngày 12/4, Trung Quốc đã bày tỏ sự tức giận của mình vào hôm 12/4 sau khi ngoại trưởng Nhóm các nước phát triển G7 tuyên bố họ cực lực phản đối các khiêu khích ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo: “Chúng tôi hối thúc các quốc gia thành viên G7 tôn trong cam kết của mình không nghiêng về bên nào trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ”.

Thông cáo nói rằng G7 nên tập trung vào hợp tác và quản trị nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế suy yếu, thay vì kích động các tranh chấp.

Lời lẽ “quen thuộc” của Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Chúng tôi hối thúc các nước G7 tôn trọng đầy đủ nỗ lực của các nước trong khu vực, ngừng đưa ra các nhận xét thiếu trách nhiệm và thực hiện các hành động vô trách nhiệm, và thực sự đóng vai trò xây dựng vì hòa bình và ổn định khu vực”.

2. Động đất liên tiếp ở Nhật Bản

Vào lúc 21h26′ tối ngày 14/4 tại thị trấn Mashaki, tỉnh Kumamoto xảy ra một trận động đất mạnh với cường độ 6,5 độ richter, được đánh giá ở cấp độ 7 – cấp độ cao nhất trong thang cường độ địa chấn Nhật Bản, làm 9 người chết và gần 900 người khác bị thương, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân tại tỉnh Kumamoto.

the gioi 7 ngay: my thi sat bien dong, trung quoc van luan dieu cu  hinh 3
Một tòa nhà đổ nghiêng sau trận động đất tại Nhật Bản. Ảnh AP

Sáng 15/4, tỉnh Kumamoto, Nhật Bản tiếp tục phải hứng chịu thêm một trận động đất khiến toàn bộ khu vực tây nam Nhật Bản bị rung chuyển mạnh, một tòa nhà bị hư hỏng hoàn toàn và cư dân khu vực này trở nên hoảng loạn sau khi phải hứng chịu liên tiếp những dư chấn của trận động đất.

Đến thời điểm này, đã có 23 người thiệt mạng trong trận động đất thứ 2 nâng tổng số người thiệt mạng ở cả 2 trận động đất lên ít nhất 29 người. Ngoài ra, còn hàng nghìn người bị thương và hàng chục nghìn người mất nhà cửa.

Theo CNN, các nhân viên cứu hộ ngày 16/4 vẫn tiếp tục chạy đua với thời gian để hy vọng cứu thêm được những người còn bị kẹt trong đống đổ nát của các tòa nhà do động đất gây ra. Hai trận động đất trên đã gây thiệt hại nghiêm trọng tại Nhật Bản. Nhiều xe ô tô bị lật nhào, các tuyến đường bị chia cắt và gây lở đất. Khu vực đảo Kyushu đã phải hứng chịu thêm tới 165 đợt dư chấn, trong đó có nhiều đợt mạnh tới 5,3 độ richter.

Cơ quan Phòng cháy và Quản lý Thảm họa Nhật Bản cho biết, cho đến nay đã có 7.262 người mất nhà cửa tìm đến 375 trung tâm hỗ trợ tại tỉnh Kumamoto. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, ít nhất vẫn còn tới 23 người bị kẹt trong các tòa nhà. Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã điều 20.000 binh sĩ tham gia hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm những người này.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết, tâm chấn trận động đất mới nhất (7,3 độ richter) diễn ra tại khu vực Tây-Tây Nam tỉnh Kumamoto và cách trận động đất trước đó khoảng 13km về phía Nam-Đông Nam.

3. Châu Âu tiếp tục truy lùng khủng bố

Ngày 12/4, cảnh sát Bỉ đã bắt giữ thêm hai nghi phạm có liên quan đến vụ khủng bố tại Brussels.

Theo các công tố viên liên bang Bỉ, hai đối tượng trên bị cáo buộc đã chứa chấp những tên khủng bố gây ra vụ tấn công Brussels vào ngày 22/3 vừa qua. Hai đối tượng bị bắt giữ đều không khai nhận sau khi bị bắt.

Theo luật pháp Bỉ, nghi phạm cần phải xuất hiện trước một quan tòa xét xử trong vòng 24 giờ. Dự kiến, hai người này sẽ bị cáo buộc hoạt động trong một nhóm khủng bố và có ý định giết người, khủng bố trong vai trò thủ phạm, đồng phạm hoặc tòng phạm.

the gioi 7 ngay: my thi sat bien dong, trung quoc van luan dieu cu  hinh 6
Cảnh sát Bỉ tiến hành cuộc vây bắt mới quy mô lớn tại Brussels. (Ảnh: AFP)

Trước đó vào ngày 8/4, cảnh sát Bỉ đã bắt giữ thêm bốn nghi phạm liên quan đến các cuộc tấn công khủng bố tại Paris và Bỉ bắt giữ  thêm hai nghi phạm liên quan đến khủng bố Brussels.

Nhà chức trách Tây Ban Nha ngày 13/4 cũng cho biết, cảnh sát nước này vừa bắt giữ một người đàn ông quốc tịch Pháp bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho vụ tấn công một siêu thị ở ngoại ô Paris (Pháp) hồi tháng 1/2015.

Theo Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, nghi phạm tên là Antoine Denive (27 tuổi) đến từ vùng Sante Catherine đã bị bắt tại thị trấn Rincon de la Victoria ở Malaga phía Nam Tây Ban Nha trong một chiến dịch truy quét khủng bố phối hợp với cảnh sát Pháp.

Tại phiên thảo luận mở về chống khủng bố  diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc ngày 14/4,Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi ngăn chặn các nhóm khủng bố sử dụng mạng internet và phương tiện truyền thông để truyền bá tư tưởng cực đoan và tuyển mộ các chiến binh trẻ.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết, hơn 30.000 người trên toàn thế giới đã tham gia Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria. Ông Ban cảnh báo, IS đang truyền bá tư tưởng cực đoan và tuyển mộ những thanh niên bất mãn với xã hội, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em gái bằng nhiều chiến lược khác nhau, trong đó có việc sử dụng internet và mạng xã hội.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các chính phủ, các tổ chức tư nhân và tổ chức xã hội tìm ra các giải pháp toàn cầu và khu vực để ngăn chặn các hoạt động này.

4. Thủ tướng Ukraine từ chức

Ngày 10/4, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk bất ngờ thông báo từ chức đồng thời cho biết sẽ đệ trình lên Quốc hội quyết định từ chức này. Theo kế hoạch, Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) sẽ xem xét đơn từ chức này và tiến hành bỏ phiếu bầu chọn một thủ tướng mới.

Chủ tịch Quốc hội Ukraine Volodymyr Groysman vừa được chỉ định thay thế ông Yatsenyuk làm Thủ tướng trong Chính phủ mới của nước này.

Chính phủ mới sẽ thay thế Nội các cũ của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk từ chức cuối tuần qua. Theo một số nghị sĩ Ukraine, liên minh cầm quyền đã ủng hộ ông Groysman vào vị trí Thủ tướng sau nhiều ngày thảo luận. Thủ tướng mới và Nội chính thức được công bố trong ngày 14/4.

Ông Groysman – 38 tuổi là Thủ tướng trẻ nhất của Ukraine, được cho là một nhân vật thân tín với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ông Groysman giành được sự tin tưởng của người dân trong suốt 8 năm làm Thị trưởng một thành phố phía Tây Ukraine.

Việc lựa chọn Thủ tướng và thành lập Chính phủ mới có thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua tại Ukraine, buộc ông Yatsenyuk từ chức. Các khoản giải ngân mới hỗ trợ cho Ukraine thời gian qua cũng bị dừng lại, cho đến khi quốc gia này có thể thành lập Chính phủ mới và thực hiện các cam kết cải cách đã đưa ra.

Tuy nhiên nhiều chuyên gia phân tích cũng cảnh báo, việc Thủ tướng Yatsenyuk từ chức có thể tạo sức ép lớn đối với Tổng thống Poroshenko. Ông Poroshenko sẽ là người chịu trách nhiệm chính cho các hoạt động cải cách của Ukraine, trong bối cảnh các đảng đối lập không ngừng thúc đẩy kêu gọi bầu cử sớm.

5. Nga bán S-300 cho Iran

Quan chức Bộ Ngoại giao Iran hôm 11/4 xác nhận, nước này đã nhận được lô hàng đầu tiên của Nga theo hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 sau nhiều năm gián đoạn.

Hãng thông tấn Iran Mehr trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Jaberi Ansari cho biết, mặc dù có sự thay đổi về thời gian bàn giao, nhưng hợp đồng giữa Iran và Nga đang trong quá trình được thực hiện. Lô hàng trang thiết bị đầu tiên đã đến Iran và các lô hàng tiếp theo sẽ tiếp tục được thực hiện.

the gioi 7 ngay: my thi sat bien dong, trung quoc van luan dieu cu  hinh 11

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga. Ảnh Sputnik.

Hợp đồng trị giá 800 triệu USD giữa Nga và Iran được ký kết vào năm 2007 với việc Nga giao 5 hệ thống S-300 cho Iran. Tuy nhiên, hợp đồng bị hoãn vào năm 2010 do nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cấm bán vũ khí cho Iran liên quan đếnchương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Cùng với việc tiếp nhận hệ thống phòng không hiện đại từ Nga, Iran gần đây cũng tuyên bố tăng cường sức mạnh tên lửa, bất chấp các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm kiềm chế năng lực phòng thủ của quốc gia này.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhiều lần khẳng định, S-300 là hệ thống tên lửa hoàn toàn mang tính phòng thủ và không gây nguy hại an ninh của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Tuy nhiên thỏa thuận này được thực hiện có thể khiến Mỹ, NATO và cả Israel lo ngại.

Ngay sau khi Nga tuyên bố nối lại hợp đồng với Iran, các quan chức Mỹ đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ lo ngại về việc hệ thống tên lửa đất đối không này có thể bị sử dụng vào các mục đích khác, hay lọt vào tay những người có hành động ủng hộ khủng bố trong khu vực.

 hóa lời đe dọa tấn công Iran của Israel và khiến quan hệ Iran-Thổ Nhĩ Kỳ-Saudi Arabia thêm căng thẳng.

Việc Nga bán S-300 cho Iran cũng đã đã vô hiệu hóa lời đe dọa tấn công Iran của Israel và khiến quan hệ Iran-Thổ Nhĩ Kỳ-Saudi Arabia thêm căng thẳng. Nhận định trên được nhà phân tích chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Gunes đưa ra trong cuộc phỏng vấn ngày 15/4. Ông Gunes nhấn mạnh, hệ thống S-300 sẽ giúp tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ của Iran.

“Israel và Saudi Arabia đã không dưới một lần tuyên bố về khả năng phóng tên lửa tầm trung tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Tuy nhiên, lời đe dọa đó giờ đã trở nên lỗi thời vì Iran đã sở hữu S-300”, ông Gunes nói.

6. Bầu cử Quốc hội Syria

Ủy ban bầu cử tối cao Syria ngày 13/4 thông báo, tiến trình bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội tại nước này đã kết thúc đúng theo kế hoạch. Đến 19h cùng ngày, toàn bộ các điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ đã đóng cửa. Tiến trình bỏ phiếu đã kết thúc và công tác kiểm phiếu đã chính thức bắt đầu.

the gioi 7 ngay: my thi sat bien dong, trung quoc van luan dieu cu  hinh 13
Tổng thống Syria al-Assad đi bỏ phiếu. (ảnh: AP).

Trước đó, sáng 13/4, Tổng thống Syria Assad và phu nhân, đã đi bỏ phiếu tại một trung tâm bầu cử bên trong Phủ Tổng thống ở Thủ đô Damascus. Phát biểu với báo giới sau khi thực hiện quyền công dân, Tổng thống Syria cho rằng, đi bỏ phiếu cũng là một cách để những người dân Syria tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Tổng thống Syria Assad khẳng định: “Những năm qua người dân Syria luôn ý thức cao về sự cần thiết của việc phải tham gia vào các tiến trình hoàn thiện các thể chế hiến pháp, bất kể đó cuộc bầu cử Tổng thống hay bầu cử Quốc hội.

Như chúng ta đang chứng kiến, bất chấp sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, đông đảo các tầng lớp nhân dân và đảng phái chính trị vẫn đổ về các điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền công dân, điều chưa từng diễn ra trong nhiều thập niên qua.

Mục đích của hành động này chính là để bảo vệ Hiến pháp, tương tự như cách mà những chiến sỹ của chúng ta đã hy sinh cuộc đời mình để bảo vệ đất nước”.

7. Triều Tiên phóng tên lửa

Quân đội Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo vào ngày 15/4 nhân dịp sinh nhật người sáng lập nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Nhật Thành.

Trước đó đã có nhiều tin tức về việc Triều Tiên chuẩn bị cuộc thử nghiệm đầu tiên đối với tên lửa Musudan tầm trung và cơ động. Tên lửa này được cho là có khả năng đánh trúng căn cứ Mỹ ở đảo Guam.

the gioi 7 ngay: my thi sat bien dong, trung quoc van luan dieu cu  hinh 15
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh KCNA

Các tham mưu trưởng Hàn Quốc ra thông cáo nói: “Miền Bắc (tức Triều Tiên – ND) có vẻ như đã nỗ lực thực hiện một vụ thử tên lửa gần bờ biển phía đông vào sáng sớm ngày 15/4, nhưng vụ thử có dấu hiệu đã thất bại”.

Thông cáo của quân đội Hàn Quốc không nêu rõ loại tên lửa nhưng hãng tin Yonhap của nước này trích dẫn một quan chức quân sự không nêu tên cho biết đó là một quả tên lửa Musudan.

Ngay sau khi có thông tin này, truyền thông Trung Quốc, giới chức Mỹ và Nhật Bản đã lên tiếng bày tỏ quan ngại khi cho rằng, động thái này của Triều Tiên có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực./.

 

Phương Chi/VOV.VNTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *