(kontumtv.vn) – Nga ngày 23/8 tuyên bố rằng đã hoàn thành việc chuyển hàng cứu trợ đến Lugansk, Ukraine.

Kênh truyền hình RT của Nga cùng ngày dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, hàng viện trợ nhân đạo cho người dân miền Đông Ukraine đã được phía Nga chuyển giao như kế hoạch và đoàn xe tải của Nga đang trên đường trở về nước, với thùng rỗng.

Đoàn xe cứu trợ của Nga đang tiến vào lãnh thổ Ukraine. (Ảnh: AFP)

Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết, nước này đã “nhận được rất nhiều lời cảm ơn từ người dân thành phố Lugansk về hoạt động nhân đạo trên.”

Tuyên bố của Nga đưa ra nhằm trả lời cho cáo buộc của Ukraine trước đó, nói rằng, các xe của Nga đã quay trở về nước song lại chở theo các trang thiết bị sản xuất từ một nhà máy quân sự của Ukraine.

Đoàn xe chở hàng cứu trợ của Nga gồm khoảng 280 chiếc, đã rời thủ đô Moscow của Nga từ ngày 12/8. Tuy nhiên, nhiều ngày sau đó, đoàn xe đã bị ách lại tại khu vực biên giới giữa Nga và Ukraine để chờ đợi kết quả đàm phán giữa chính quyền hai nước với sự môi giới quốc tế về thủ tục tiếp nhận đoàn xe này.

Trước sự cấp bách của tình hình nhân đạo tại Ukraine, ngày 22/8 vừa qua, Nga quyết định đơn phương đưa hàng viện trợ tới miền Đông Ukraine, chấp nhận sự lên án của Ukraine.

 Ngày 23/8, Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt vào Nga nếu Nga không từ bỏ kế hoạch đưa các đoàn xe nhân đạo tiến vào Ukraine.

NBC News dẫn lời Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, ông Ben Rhodes nói với các phóng viên ở Washington ngày 22/8 rằng đoàn xe nhân đạo của Nga là bất hợp pháp bởi đoàn xe này chưa được sự đồng ý của Kiev.

 Trong khi đó, trả lời phỏng vấn RT, bà Amos  người đứng đầu cơ quan nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết Liên Hợp Quốc nhận thức rõ ràng về tình hình tại miền Đông Ukraine và nhấn mạnh tầm quan trọng cần phải tránh việc chính trị hóa vấn đề viện trợ nhân đạo tại đây như đã xảy ra với đoàn xe cứu trợ của Nga.

“Chúng tôi rất lo ngại rằng tình hình tại Ukraine có thể trở nên xấu hơn bởi giao tranh vẫn chưa chấm dứt. Tại miền Đông nước này, chúng tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều người đang cần sự cứu trợ”, bà Amos chia sẻ.

Đoàn xe cứu trợ của Nga đang tiến vào lãnh thổ Ukraine. (Ảnh: AFP)

Cả thế giới rúng động khi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày 19/8 phát một đoạn băng trong đó các chiến binh của nhóm đã chặt đầu nhà báo Mỹ James Foley.

Theo CBSNews, đoạn video của nhóm IS mang tên Một thông điệp gửi tới nước Mỹ đã xuất hiện trên vài trang mạng xã hội và Youtube đã xóa đoạn video này ngay sau khi đoạn video này xuất hiện trên Youtube.

 Trong đoạn video nói trên, một chiến binh IS đã dùng dao để chặt đầu một người đàn ông mà nhóm này tuyên bố là ông James Foley, 40 tuổi và là một nhà báo tự do làm việc cho công ty truyền thông GlobalPost có trụ sở tại Boston. Theo nhóm IS, ông Foley bị bắt cóc tại khu vực Đông Bắc Syria vào ngày lễ Tạ ơn 22/11/2012.

Tổng thống Barack Obama ngày 21/8 tuyên bố rằng, chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) sẽ không dừng lại sau khi nhóm này hành quyết một nhà báo Mỹ. Ông Obama cũng cho rằng, hành động này của phiến quân là bằng chứng cho thấy chúng đứng trên mọi tôn giáo.

“Mỹ sẽ tiếp tục làm những gì cần thiết để bảo vệ người dân của mình. Chúng tôi sẽ thận trọng nhưng chúng tôi sẽ không ngừng lại. Khi người ta làm hại người Mỹ ở bất cứ nơi nào, chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để công lý được thực hiện”, ông Obama nói.

Phát biểu tại buổi họp báo từ bang Massachusetts, Tổng thống Obama cực lực lên án vụ giết hại nhà báo James Foley. Ông Obama mô tả IS như một khối u đang đe dọa toàn bộ khu vực và nhấn mạnh: “Toàn thế giới kinh hoàng trước vụ giết hại tàn bạo nhà báo James Foley của nhóm khủng bố IS. Vụ giết hại nhà báo là một hành động động bạo lực gây sốc đối với những người có lương tâm trên toàn thế giới”.

Tân Thủ tướng lâm thời Thái Lan Prayuth Chan-ocha

Thái Lan có Thủ tướng lâm thời sau khi Đại tướng Prayuth, người đứng đầu Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia và là Tư lệnh Lục quân Thái Lan được Quốc hội nước này nhất chọn ông làm Thủ tướng.

Theo báo chí Thái Lan ngày 22/8, dư luận chính giới và xã hội Thái Lan bày tỏ hy vọng tân Thủ tướng Prayuth sẽ tiếp tục phát huy được vai trò nhà lãnh đạo quyết đoán với sự hỗ trợ đắc lực của Ủy ban bảo vệ trật tự quốc gia và các cơ chế chính trị liên quan để giải quyết hiệu quả những khó khăn về đời sống của nhân dân và tạo cơ sở thuận lợi cho kinh tế Thái Lan tiếp tục phát triển.

Dư luận cũng mong muốn tân Thủ tướng Prayuth thúc đẩy lộ trình cải cách theo đúng tiến độ trong vòng 1 năm tới và đảm bảo Thái Lan sẽ có một chế độ dân chủ hoàn thiện, phát triển bền vững hơn; đồng thời khôi phục và tăng cường sự đoàn kết, hòa giải dân tộc. Nếu đáp ứng được những kỳ vọng nêu trên, tân Thủ tướng Prayuth sẽ có vị trí xứng đáng trong lịch sử của Thái Lan và người dân nước này có thể sẽ đánh giá toàn diện, thực tế hơn về sự nghiệp chính trị của ông.

Trong lĩnh vực kinh tế, tân Thủ tướng Prayuth và Chính phủ lâm thời sẽ phải khẩn trương giải quyết một số vấn đề quan trọng, cấp bách như: Khắc phục tình trạng giá cả nông sản đang sụt giảm, đảm bảo cho nông dân Thái Lan có thu nhập và điều kiện sản xuất ổn định. Chính phủ phải thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường sức mua của người tiêu dùng; khôi phục lòng tin của giới kinh doanh để tạo thuận lợi cho kinh tế phát triển.

Tân Thủ tướng  Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu (ảnh: Reuters)

Thổ Nhĩ Kỳ cũng có Thủ tướng mới. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 21/8 đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng mới thay thế ông Tayyip Erdogan. Ngoại trưởng Davutoglu cũng sẽ đồng thời giữ chức chủ tịch Đảng Công lý và Phát triển -đảng cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 21/8, ông Erdogan, người vừa đắc cử chức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Đảng Công lý và phát triển sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc bổ nhiệm Ngoại trưởng Davutoglu làm Thủ tướng vào ngày 27/8 tới. Ông Davutoglu sẽ nhậm chức 1 ngày sau đó.

Ông Davutoglu, 55 tuổi, là một trong những người sáng lập Đảng Công lý và phát triển. Ông đã giữ chức Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2009

Trước đó, ông Erdogan, người đang đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng trong nhiệm kỳ thứ 3, đã trở thành Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh chính trường Thổ Nhĩ Kỳ chứng kiến những cuộc cạnh tranh quyền lực căng thẳng.

Kiểm tra Ebola tại Sân bay quốc tế Abu Dhabi. (Ảnh: BBC)

Các nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi tiếp tục cảnh giác cao độ và triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch Ebola lây lan, khi mà số ca tử vong do virus chết người này liên tục tăng cao. Hiện nay dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng nhất ở Liberia. Một tín hiệu tích cực trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola là bệnh nhân người Mỹ ngày 21/8 đã xuất viện sau một thời gian được điều trị bằng thuốc Zmap.

Dịch bệnh Ebola đang hoành hành dữ dội tại Liberia và có nguy cơ lan rộng sang các quốc gia khác ở châu Phi.

Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, Chính phủ Nam Phi đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với những người không phải là công dân Nam Phi đến từ các nước có ổ dịch ở Tây Phi.

Cùng với các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, việc điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm virus Ebola đã cho kết quả khả quan bước đầu. Tại Mỹ, bác sĩ Kent Brantly, người bị nhiễm Ebola trong thời gian tới Liberia, đã được xuất viện ngày 21/8. Đây là bệnh nhân thứ hai ở Mỹ được điều trị khỏi Ebola sau khi một bệnh nhân trước đó là Nancy Writebol cũng đã được ra viện hôm 19/8.

Trên tinh thần hợp tác quốc tế, các nhà nghiên cứu của công ty dược phẩm Tekmira Pharmaceuticals của Canada cũng tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm thành công trên khỉ đối với vaccine chống virus Marburg độc hại. Do virus này có các đặc tính gần giống với virus Ebola nên có thể được sử dụng để đẩy lùi dịch Ebola nguy hiểm hiện nay.

Đại sứ Mỹ tại Israel Daniel Shapiro tham gia “Thử thách đổ nước đá” (Ảnh: NPR/Youtube)

Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành lệnh cấm các Đại sứ Mỹ và các quan chức cấp cao ở nước ngoài tham gia thử thách đổ nước đá lên đầu để quyên góp tiền và nâng cao nhận thức bệnh Lou Gehrig, hay còn gọi là bệnh xơ cứng teo cơ (ALS).

Trong bức thư gửi tất cả các cơ quan ngoại giao Mỹ, lệnh cấm quy định các quan chức không được sử dụng văn phòng công phục vụ lợi ích cá nhân “vì bất cứ nguyên nhân nào”.

Bức thư cho biết sức khỏe cộng đồng và vấn đề phòng chống bệnh tật là một trong những ưu tiên cao nhất của Bộ Ngoại giao và nhấn mạnh việc nước Mỹ đã tài trợ cho các chương trình chống HIV/AIDS, bệnh sốt rét, bệnh lao, bệnh đậu mùa, bệnh bại liệt và những nỗ lực gần đây trong việc chống lại virus Ebola.

Bức thư cũng gửi lời khen ngợi tới tổ chức ALS về sự thành công của “Thử thách đổ nước đá” khi đã quyên góp thành công hơn 40 triệu USD và thu hút nhiều người nổi tiếng tham gia, trong đó có cựu Tổng thống George W. Bush hay golf thủ Greg Norman.

Trước khi lệnh cấm được đưa ra, Đại sứ Mỹ tại Israel Daniel Shapiro đã tham gia hoạt động đổ nước đá và gửi lời mời tới Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power. Tuy nhiên, sau khi nhận lệnh cấm trên, bà Power và các Đại sứ khác sẽ không được phép thực hiện thử thách này./.

Bùi Hùng/VOV.VNTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *