(kontumtv.vn) – Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc phương Tây kích động một sự thay đổi chế độ ở Nga bằng các biện pháp trừng phạt.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (Ảnh RIA)

1. Ngày 22/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cáo buộc  phương Tây kích động một sự thay đổi chế độ ở Nga bằng các biện pháp trừng phạt.

Phát biểu tại cuộc họp với Hội đồng Chính sách quốc phòng và đối ngoại ở Moscow, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết: “Với ý định đằng sau việc sử dụng các biện pháp cưỡng chế, phương Tây đang thể hiện rõ rằng họ không muốn buộc Nga phải thay đổi chính sách mà muốn một sự thay đổi cả chế độ. Đây là điều không ai nghi ngờ”.

Bình luận của Ngoại trưởng Nga Lavrov là động thái mới nhất trong cuộc đấu khẩu với Mỹ và Liên minh châu Âu, trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây đang tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin trong cuộc phỏng vấn với hãng  Itar-Tass của Nga ngày 22/11 đã cho rằng, Nga sẽ không bị cô lập và không nên bị cô lập trên trường quốc tế. . Ông Putin cũng đã bác bỏ nguy cơ về “những hậu quả thảm khốc” đối với kinh tế Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây kèm theo việc giá dầu trên thế giởi giảm và việc đồng Ruble mất giá.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái), đại diện cấp cao EU Ngoại giao Catherine Ashton (C) và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tại cuộc đàm phán tại Vienna, Áo (Ảnh: EFE/EPA)

2. Ngày 18/11, vòng đàm phán cuối cùng giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Nga, Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc và Đức) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran đã diễn ra tại thủ đô Vienna của Áo.

Theo các nhà phân tích, trong vòng 7 ngày trước khi đến thời hạn chót (24/11), khả năng các bên đạt được một thỏa thuận toàn diện là vô cùng mong manh khi vẫn còn bất đồng về các vấn đề cốt lõi.

Thực tế diễn biến của các cuộc đàm phán đã cho thấy những bất đồng khó khỏa lấp giữa các bên. Bất chấp những nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy, những nhận định không mấy lạc quan sau các cuộc đối thoại cho thấy khả năng hạn chót 24/11 có thể được tiếp tục gia hạn lần 2.

Bất đồng chính giữa Iran và P5+1 hiện nay vẫn là  khả năng làm giàu urani của Iran  cũng như dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Các nhà ngoại giao cho rằng, một thỏa thuận khung vẫn có thể đạt được, nhưng cần nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng sau đó để nhất trí tất cả các chi tiết quan trọng cho thỏa thuận. Các bên tham gia đàm phán hiện cũng đều thể hiện thành ý tiếp tục các cuộc đối thoại kéo dài hơn một năm qua.

Giới quan sát cảnh báo, việc các bên tham gia đàm phán không chịu nhượng bộ sẽ đẩy các cuộc đối thoại vào một vòng luẩn quẩn không có điểm kết thúc, với ít triển vọng đạt được một thỏa thuận cuối cùng.

Anh Kassig khi đang giao hàng viện trợ nhân đạo cho người dân tại thung lũng Bekaa ở Lebanon năm 2013 (Ảnh AP)
3. Ngày 16/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xác nhận nhân viên cứu trợ của nước này,  anh Peter Kassig đã bị phiến quân IS hành quyết.
Vụ sát hại Kassig được công bố trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị tăng gấp đôi số quân nhân tại Iraq lên 3.100 người trong khuôn khổ chiến dịch quốc tế chống phiến quân IS.
Một số nhà phân tích cho rằng, điều này chứng tỏ phiến quân IS đang “cuồng sát” trước các chiến dịch tiến công mạnh mẽ của Mỹ và đồng minh.

Song cũng có những ý kiến trái chiều rằng, tổ chức IS đang trở nên nguy hiểm hơn trong khi Mỹ chưa thực sự có một kế hoạch lâu dài để triệt tiêu tận gốc tư tưởng man rợ của nhóm phiến quân này.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria ngày 17/11 cho biết, cơ quan này vừa đưa ra số liệu cho thấy đã có 1.429 người bị IS hành quyết kể từ tháng 6 vừa qua.

Sự cuồng sát của IS đã buộc Mỹ phải xem xét lại  chiến lược trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố này. Ngày 18/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh xem xét lại chính sách của Mỹ về vấn đề người Mỹ bị bắt cóc ở nước ngoài.

Nhằm chống lại những tội ác của IS, ngày 20/11, Tổng công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) Fatou Bensouda cho biết, bà đang xem xét cáo buộc tội ác chiến tranh  đối với các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: Reuters)

4. Chiều 21/11 (giờ Nhật Bản), Hạ viện Nhật Bản đã công bố giải tán. Đây là hành động đã được báo trước khi đêm ngày 18/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc họp báo đã công bố rằng sẽ giải tán Hạ viện vào ngày 21/11.

Mục đích của việc giải tán Hạ viện lần này nhằm tiến tới cuộc bầu cử Hạ viện dự định tổ chức vào ngày 14/12 tới. Điều này đồng nghĩa với việc các nghị sĩ nhiệm kỳ 4 năm từ thời điểm 16/12/2012 sẽ kết thúc công việc của mình, thay vào những nghị sĩ mới.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, quyết định giải tán Hạ viện vào thời điểm này là một nước cờ của Thủ tướng Abe   khi những chính sách ông đề ra kể từ khi lên nắm quyền, đặc biệt là chính sách nhằm phục hồi nền kinh tế của Nhật Bản, còn được biết với tên gọi Abenomics vẫn chưa thực sự mang lại nhiều hiệu quả và uy tín của chính quyền Abe có dấu hiệu sụt giảm.

Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng Abe giải tán Hạ viện được coi là “nút gỡ” cho những mâu thuẫn chưa được giải quyết trong chính quyền Abe. Tuy nhiên, có một số chuyên gia cho rằng cuộc bầu cử này khó có thể mang lại sức sống mới cho ông Abe.

Một buổi diễn tập quy mô lớn của các đơn vị quân đội Triều Tiên  (Ảnh: AFP/TTXVN)

5. Ngày 18/11, Ủy ban thứ 3 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 69 đã thông qua Nghị quyết do Liên minh châu Âu và Nhật Bản soạn thảo, khuyến cáo Hội đồng Bảo an truy tố Triều Tiên ra Tòa án Hình sự Quốc tế liên quan đến vấn đề nhân quyền.

Phản ứng trước việc thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ngày 20/11,  Triều Tiên đã cực lực lên tiếng phản đối. Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên nhấn mạnh, nghị quyết của Liên Hợp Quốc dựa trên những báo cáo được thu thập từ những phần tử chống phá nhà nước Triều Tiên.

Trung Quốc đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết này. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, Hội đồng Bảo an không phải là nơi để thảo luận về vấn đề nhân quyền và việc đưa vấn đề nhân quyền lên Tòa án Hình sự Quốc tế không có lợi đối với nghị quyết của Liên Hợp Quốc.

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng đe dọa sẽ tiến hành vụ bắn thử tên lửa mới, cũng như   tiến hành thử hạt nhân để phản đối chính sách thù địch của Mỹ nhằm vào Triều Tiên.

Hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA) ngày 23/11 dẫn tuyên bố của Ủy ban Nhà nước về Quốc phòng Triều Tiên nêu rõ: “Hoa Kỳ đã hành động thiếu suy nghĩ khi đưa ra nghị quyết về nhân quyền vô nguyên tắc chống Triều Tiên”.

Triều Tiên cũng kêu gọi Liên Hiệp Quốc “suy nghĩ lại” và đe dọa  các tác giả nghị quyết phải “cực kỳ hối hận”. 

Một nhân viên tìm kiếm cứu nạn Nhật Bản tìm kiếm những người bị kẹt trong các ngôi nhà bị sập (Ảnh AP)

6. Vào khoảng 22 giờ ngày 22/11 (theo giờ địa phương),  trận động đất mạnh với cường độ 6,8 richter  đã xảy ra tại tỉnh Nagano, cách thủ đô Tokyo khoảng 200km, thuộc khu vực miền Trung Nhật Bản.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết, trận động đất có tâm chấn nằm ở phía Bắc tỉnh Nagano đã gây ra rung lắc mạnh nhất tại làng Otari và Ogawa với chấn độ 6, theo thang chấn độ của Nhật Bản, tương đương 6,8 độ richter.

Thông tin mới nhất từ Cơ quan Quản lý Thảm họa Nhật Bản ngày 23/11 cho biết trong số 30 người bị thương có 2 người bị thương rất nặng.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, chiều 22/11 cũng đã xảy ra một  trận động  đất mạnh 6,3 độ richter  làm rung chuyển khu vực phía Tây tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Tính đến 16h giờ chiều 23/11, trận  động đất đã làm 4 người thiệt mạng, 54 người bị thương, hơn 25.000 căn nhà bị hư hỏng.

Trận động đất cũng gây ra một vụ dẫm đạp tại một trường tiểu học trong khu vực, làm 42 trẻ em bị thương.

Ngoài ra trận động đất 5,9 độ richter tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc còn trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 80.000 người dân địa phương.

Tuyết phủ trắng xóa khu vui chơi tại Buffalo (Ảnh AP)

7. Trong khi đó tại Mỹ, bão tuyết bất thường đã càn quét qua các bang miền Tây nước Mỹ  khiến ít nhất 20 người thiệt mạng. Một số nơi ở nước Mỹ, tuyết phủ đến hơn 1,5m.

Theo Cơ quan khí tượng Mỹ dự báo nhiệt độ sẽ ấm dần lên trong những ngày tới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều bang của Mỹ sẽ phải đối phó với một nguy cơ mới là lũ lụt do tuyết tan chảy.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 22/11 cảnh báo nếu nhiệt độ tăng lên nhanh sẽ xảy ra tình trạng ngập lụt và các tòa nhà bị sập.

Ông Cuomo đã ra lệnh chuyển nhiều thuyền, giày cao su, túi cát và các trang thiết bị khác tới những khu vực phía Tây của bang để đối phó với các trường hợp khẩn cấp xảy ra../.

Nguyễn Hùng/VOV.VNTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *