(kontumtv.vn) – Đại sứ Hàn Quốc nhấn mạnh, cuộc điều tra đang được tiến hành và sẽ thông báo cho phía Trung Quốc kết quả điều tra.

Theo thông báo của lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc, vụ việc xảy ra sáng 10/10, khi một tàu cá Trung Quốc trọng tải 80 tấn bị phát hiện hoạt động trái phép ở vùng biển phía Tây của Hàn Quốc.

Ngư dân Trung Quốc khai thác trái phép chống trả quyết liệt Cảnh sát biển Hàn Quốc (Ảnh: Yonhap News)

Các quan chức tuần duyên Hàn Quốc cho hay viên thuyền trưởng 45 tuổi tên là Song đã bị một nhân viên tuần duyên Hàn Quốc bắn khi đang ở trên tàu gần đảo Wangdeung ở hạt Buan, tỉnh Bắc Jeolla. Ông ta đã được đưa tới một bệnh viện ở thành phố cảng tây nam và đã qua đời ở đó ngày 10/10.

Ngay trong ngày 11/10, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kiến Siêu đã có cuộc gặp khẩn cấp với Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc Kwon Young-se, đề nghị Hàn Quốc lập tức điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc.

Đại sứ Hàn Quốc nhấn mạnh, cuộc điều tra đang được tiến hành và sẽ thông báo cho phía Trung Quốc kết quả điều tra.

Trực thăng Apache lần đầu tham gia không kích IS tại Iraq (Ảnh AFP)

Mỹ lần đầu tiên đưa trực thăng không kích IS tại Iraq. Điều này cho thấy tình hình chiến sự đang tại đây leo thang rất căng thẳng.

AFP dẫn lời Thiếu tá Curtis Kellogg, người phát ngôn bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, cho biết: “Các máy bay trực thăng này có thể đáp ứng được những yêu cầu chiến đấu của chính quyền Iraq”.

Tuy nhiên, cũng theo AFP, những máy bay trực thăng này- có trần bay và tốc độ bay thấp hơn nhiều so với máy bay chiến đấu và máy bay ném bom- sẽ là mục tiêu dễ dàng cho IS.

Các chiến dịch không kích kéo dài gần 3 tuần qua của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Iraq và Syria vẫn chưa mang lại kết quả. Nhóm nổi dậy vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động và đang tiến gần tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia được xem là cửa ngõ vào châu Âu. Chính vì vậy giới chuyên gia đã tính bài toán triển khai bộ binh chống IS đối với Mỹ.

Trong khi đó, chiến sự vẫn tiếp tục tại một số thành phố của Syria.

Khói bốc lên từ thành phố Kobani (Ảnh AP)

Ngày 7/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, thành phốKobani của Syria sắp rơi vào tay nhóm nổi dậy Nhà nước Hồi giáo.

Theo ông, các cuộc không kích do liên minh quốc tế tiến hành để hỗ trợ các chiến binh người Kurd chống Nhà nước Hồi giáo là không đủ để giữ được thành phố Kobani và biện pháp hiệu quả nhất lúc này là triển khai bộ binh.

Liên Hợp Quốc cũng đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình hình, đồng thời kêu gọi cộng đồng  quốc tế hành động ngay lập tức nhằm bảo vệ thành phố biên giới Kobani.

Biểu tình ở Hong Kong vẫn tiếp tục bởi những mâu thuẫn chưa được giải quyết (Ảnh: Reuters)

Biểu tình tại Hong Kong ‘nóng’ trở lại. Nhiều người biểu tình mang theo lều bạt để ngủ lại qua đêm, nhiều điểm cung cấp đồ ăn, nước uống cho người biểu tình được dựng lên.

Chỉ 1 ngày sau khi Chính quyền Hong Kong tuyên bố huỷ buổi đối thoại với đại diện sinh viên, từ tối (10/10), nhiều tuyến đường ở trung tâm Hong Kong lại tràn ngập người biểu tình, sau khi đại diện Liên đoàn sinh viên kêu gọi người dân tiếp tục xuống đường để gây áp lực lên chính quyền.

Trong một động thái liên quan, ngày 10/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ báo cáo của một cơ quan thuộc Hạ viện Mỹ liên quan tới tình hình Hong Kong. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng, báo cáo về tình hình Hong Kong của cơ quan hành chính Hạ viện Mỹ là phiến diện, sai sự thực.

Ông Hồng Lỗi cũng cảnh báo chính phủ và cá nhân nước ngoài không được can thiệp vào công việc nội bộ của Hong Kong: “Hong Kong là công việc nội bộ của Trung Quốc; bất cứ chính phủ, tổ chức hay cá nhân nước ngoài nào đều không có quyền can thiệp. Cơ quan của Mỹ cần thận trọng trong lời nói và hành động, không được ủng hộ hoạt động phi pháp chiếm đóng trung tâm, không được phát đi bất cứ tín hiệu sai lầm nào”.

Dịch Ebola sẽ tiến triển thành cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu. (Ảnh: KT)

Virus Ebola đặt thế giới trước thách thức chưa từng có. Ngày 10/10, trong cuộc họp không chính thức tại Trụ sở LHQ ở New York, các quan chức LHQ gọi cuộc khủng hoảng dịch Ebola là thách thức chưa từng có do virus vẫn lây lan vượt tầm kiểm soát của quốc tế, đồng thời kêu gọi quốc tế phối hợp tốt hơn để kiềm chế dịch.

Tại cuộc họp, phái viên đặc biệt của Tổng thư kí LHQ về chống dịch Ebola, ông David Nabarro cho biết, trong 35 năm làm việc trong ngành y tế cộng đồng, ông đã trải nghiệm qua rất nhiều đợt dịch với các loại bệnh khác nhau, nhưng Ebola là thách thức mà ông chưa từng gặp, bởi virus lây lan từ vùng hẻo lánh đến các thị trấn, thành phố, và ảnh hưởng không chỉ ở khu vực nhỏ mà hiện đã lây lan ra nhiều nơi trên thế giới.

Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 8.000 người được xác nhận nhiễm virus Ebola và hơn 4.000 người đã tử vong kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 3 năm nay.

Tình trạng ô nhiễm không khí ở một thành phố của Trung Quốc (Ảnh HAP)

Thiên tai tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới 1 số nước châu Á. Hàng loạt thành phố ở khu vực miền Bắc Trung Quốc đang gánh chịu đợt ô nhiễm không khí nặng nhất từ đầu năm đến nay.

Ngày 9/10, Cơ quan khí tượng trung ương Trung Quốc đã đưa ra mức cảnh báo Da cam–về mức độ ô nhiễm không khí đối với 3 tỉnh, thành phố lớn là Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc, đồng thời dự báo tình trạng này sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Trong khi đó, Nhật Bản đã sẵn sàng đối phó với siêu bão Vongfong. Đây được coi là siêu bão lớn nhất trong năm nay đổ bộ vào Nhật Bản và cơn bão này đang hướng lên phía Bắc quần đảo Okinawa gây mưa to và gió lớn.

Theo Reuters, cơn bão có sức mạnh tàn phá được dự báo là sánh ngang với bão Haiyan đổ bộ vào Philippines vào năm 2013.

Dù siêu bão Vongfon đã suy yếu khi di chuyển trên biển nhưng sức gió của nó vẫn đạt tới 259km/h.

Các nhà khoa học Eric Betzig, William Moerner và Stefan Hell  được trao giải Noben Hóa học (Ảnh: AP)

Giải thưởng Nobel đã được trao giải lần lượt cho những nhà khoa học và những nhà hoạt động vì hòa bình trên thế giới.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng Gia Thụy điển đã quyết định trao giai Nobel vật lý 2014 cho các giáo sư Isamu Akasaki, thuộc đại học Meijo, Giáo sư Hiroshi Amano, thuộc đại học Nagoya của Nhật Bản và giáo sư Shuju Nakamura, thuộc đại học California của Mỹ vì phát minh ra nguồn ánh sáng LED thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Giải Nobel Y học 2014 được trao cho nhà khoa học người Mỹ John O’Keefe, cùng hai nhà khoa học người Nauy là May-Britt Moser và Edvard I. Moser, vì đã khám phá ra những tế bào cấu thành hệ thống định vị  GPS trong não.

Giải Nobel Hóa học 2014 thuộc về ba nhà khoa học Đức, Mỹ với công trình chế tạo kính hiển vi huỳnh quang siêu phân giải.

Ở tuổi 17, Malala Yousafzai là người trẻ nhất nhận giải trong lịch sử của giải Nobel.

Malala Yousafzai, nữ sinh vừa vinh dự giành giải Nobel Hòa bình 2014, được ca ngợi trên toàn thế giới như một phụ nữ can đảm đã dám đứng lên chống lại Taliban để bảo vệ niềm tin của mình./.

Bùi Hùng/ VOV.VNTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *