(kontumtv.vn) – Trong số các hành khách thiệt mạng trong vụ máy bay Nga tơi tại Ai Cập có 63 người là đàn ông, 138 phụ nữ và 17 trẻ em từ 2-17 tuổi.
1. Kiểm soát không lưu Ai Cập ngày 31/10 cho biết họ mất liên lạc với chiếc máy bay chở khách Nga đang trong hành trình bay từ Sharm el-Sheikh tới Saint Petersburg.
Một thân nhân khóc nức nở khi nghe tin không còn ai trên máy bay sống sót. Ảnh AP |
Một nguồn tin từ Cơ quan Vận tải Hàng không Liên bang Nga (Rosaviatsia) nói với hãng tin RIA rằng chuyến bay Kogalymavia 9268 chở 217 hàng khách và 7 thành viên phi hành đoàn cất cánh từ Sharm El-Sheikh vào lúc 3h31 GMT và biến mất khỏi màn hình radar 23 phút sau đó.
Cơ trưởng máy bay A321 đã thông báo cho kiểm soát viên không lưu về các lỗi kỹ thuật sau khi cất cảnh và đề nghị đổi hướng bay – một nguồn tin tại sân bay Sharm el-Sheikh nói với hãng tin RIA như vậy.
Máy bay bay ở độ cao 9km khi cơ trưởng đề nghị được hạ cánh khẩn cấp ở sân bay gần nhất trong khu vực Cairo do trục trặc về liên lạc vô tuyến.
Các nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết, không có dấu hiệu cho thấy chiếc Airbus của Nga bị bắn hạ, dù khu vực Sinai là thành trì của phong trào phiến quân Hồi giáo có liên hệ với IS.
2. Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) ngày 29/10 ra phán quyết không chấp thuận tuyên bố của Trung Quốc rằng PCA không có quyền xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo Rappler, điều này cũng đồng nghĩa với việc PCA có quyền xét xử và đưa ra phán quyết cuối cùng liên quan đến vụ kiện nói trên vào năm 2016.
Một phiên xét xử của PCA. Ảnh PCA |
Trong thông cáo đưa ra ngày 29/10, PCA cho biết, “tòa nhận thấy cả Philippines và Trung Quốc đều là các bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và vì thế “phải có trách nhiệm giải quyết tranh chấp theo quy định của UNCLOS”.
“PCA cũng nhận thấy rằng, quyết định của Trung Quốc không tham gia vụ kiện sẽ không làm thay đổi quyền phán quyết của PCA và việc Philippines quyết định đơn phương tiến hành vụ kiện không hề vi phạm tiến trình giải quyết tranh chấp theo UNCLOS”, thông báo của PCA nêu rõ.
“Với những gì đang diễn ra, PCA kết luận rằng, tại thời điểm này, PCA có quyền ra phán quyết rằng PCA có quyền xét xử 7 vấn đề mà phía Philippines đệ trình”, vẫn theo PCA.
Đáp lại phán quyết của PCA, phía Trung Quốc ngày 30/10 khẳng định sẽ không chấp thuận bất kỳ phán quyết nào của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) về việc Philippines kiện nước này về Biển Đông.
“Chúng tôi sẽ không tham gia và không chấp nhận PCA”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố: “Phán quyết của tòa sẽ không ảnh hưởng gì đến quan điểm của phía Trung Quốc và cũng không ảnh hưởng đến quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông. Các quyền trên của chúng tôi sẽ không thể bị xâm phạm”.
3. Mỹ ngày 26/10 đã điều khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường USS Lassen vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc cải tạo trái phép ở Biển Đông.
Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tàu khu trục USS Lassen đã được điều đến gần bãi Subi và bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là những bãi đá chìm khi nước triều dâng cao trước khi bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo năm 2014.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường US Lassen của Mỹ. Ảnh AP |
Giới chức Mỹ cho biết, sự hiện diện của tàu Lassen trong khu vực trong vài giờ sẽ là khởi đầu cho một loạt hành động của Mỹ nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, giới chức Mỹ từng tuyên bố, tàu Lassen sẽ được một máy bay trinh sát P-8A hoặc P-3 hộ tống. Hai loại máy bay này đều từng tiến hành những vụ trinh sát trong khu vực.
Việc đưa tàu vào tuần tra được coi là thách thức mạnh nhất mà Mỹ thực hiện nhằm thể hiện quan điểm không chấp nhận phạm vi lãnh hải 12 hải lý đối với các đảo nhân tạo do Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông.
Việc tuần tra của Mỹ ngay lập tức vấp phải phản ứng giận dữ mạnh mẽ của phiá Trung Quốc. Phát biểu ngày 27/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận thông tin tàu USS Lassen tuần tra trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, giới chức Trung Quốc đã theo dõi sát sao hành động này của Mỹ và lớn tiếng cảnh báo tàu USS Lassen đã tiến vào vùng lãnh hải xung quanh các đảo này mà không được Chính phủ Trung Quốc cho phép.
“Trung Quốc sẽ phản ứng quyết liệt trước hành động khiêu khích có chủ đích của bất kỳ nước nào. Hành động của tàu chiến Mỹ đã đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, đe dọa sự an toàn của người và của trên các đảo và phá hủy hòa bình và ổn định trong khu vực”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Trung Quốc rất không hài lòng và cực lực phản đối hành động của phía Mỹ”.
Sau đó, phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cảnh báo, nếu Mỹ vẫn “tiếp tục tạo ra căng thẳng trong khu vực”, Trung Quốc có thể sẽ phải “tăng cường sức mạnh của các lực lượng tương ứng”.
“Trung Quốc hy vọng sẽ tìm ra giải pháp hòa bình để giải quyết mọi tranh chấp. Tuy nhiên, nếu phải phản ứng thì thời điểm, cách thức và mức độ phản ứng của phía Trung Quốc sẽ tương ứng với mong muốn và nhu cầu của Trung Quốc”, ông Lục Khảng nói thêm.
4. Ngày 26/10 một trận động đất mạnh ở miền Bắc Afghanistan đã làm rung chuyển các tòa nhà từ Kabul (Afghanistan) đến New Delhi (Ấn Độ), gây mất điện và gián đoạn thông tin liên lạc ở một số khu vực.
Theo thông tin ban đầu, đã có hơn 100 người thiệt mạng, chủ yếu ở Afghanistan và Pakistan và con số này nhanh chóng tăng lên 339 một vài ngày sau đó.
Cứu hộ đưa nạn nhân động đất ở Pakistan đến bệnh viện. Ảnh AP |
Số người bị thương cũng đã tăng ít nhất 2.000 người. Trong đó, Pakistan là quốc gia có số thương vong cao nhất. Báo cáo mới nhất của Chính phủ Pakistan vừa công bố cho thấy, có ít nhất 258 người đã thiệt mạng.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif ngày đã 27/10 đã triệu tập một cuộc họp khẩn về động đất nhằm đánh giá các hoạt động cứu hộ, cứu nạn.
Trong khi đó, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trong một bài phát biểu được truyền hình trực tiếp đã kêu gọi người dân phát huy tinh thần “lá lánh đùm lá rách” và hỗ trợ lực lượng chức năng trong hoạt động cứu hộ, cứu nạn. Ông cũng cho biết đến nay có khoảng 76 người thiệt mạng và 268 người bị thương trong trận động đất tại nước này.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, tâm chấn của trận động đất mạnh 7,5 độ richter nằm ở vùng núi Hindu Kush, tỉnh Badakhshan của Afghanistan, giáp biên giới Pakistan, Tajikistan và Trung Quốc.
Tâm chấn của trận động đất nằm ở độ sâu 73km và cách phía nam thủ phủ Fayzabad của tỉnh Badakhshan 213 km.
5. Ngày 30/10, Mỹ, Nga, Iran và 14 nước tham gia Hội nghị quốc tế mở rộng về Syria tại thủ đô Vienna, Áo đã kêu gọi về một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc tại Syria và nối lại cuộc đàm phán do Liên Hợp Quốc làm trung gian giữa chính quyền Syria và phe đối lập cũng như tiến hành các cuộc bầu cử mới.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị ở Vienna, các bên tham gia khẳng định “những bất đồng lớn vẫn tồn tại”, song nhất trí “cần phải đẩy nhanh các nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến” ở Syria.
Các bên tham gia Hội nghị về Syria. Ảnh: AP |
Theo tuyên bố chung, các nước tham gia đàm phán đề nghị Liên Hợp Quốc tập hợp đại diện của chính quyền Syria và phe đối lập nhằm khởi động “một tiến trình chính trị dẫn đến một chính quyền đáng tin cậy, đa đại diện, phi giáo phái, sau đó là một bản hiến pháp mới và các cuộc bầu cử”.
Dù không đạt được đột phá, Hội nghị về Syria đã tập hợp được các bên có quan điểm đối lập, bao gồm cả Iran – đồng minh gần gũi của ông Assad.
Trước đó, giới chức Mỹ ngày 27/10 cho biết, Iran sẽ lần đầu tiên được mời tham dự một vòng đàm phán quốc tế mới để tìm kiếm những giải pháp nhằm kết thúc cuộc nội chiến 4 năm tại Syria.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết là bản thân ông không rõ Iran có nhận lời mời “vào phút chót” này hay không.
Tuy nhiên, một quan chức giấu tên ở khu vực Trung Đông cho rằng, thực chất Iran đã nhận được lời mời của Nga và Mỹ từ trước đó và Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian sẽ tham gia cuộc đối thoại nói trên.
6. Tổng thống Obama ngày 30/10 (giờ Mỹ) công bố, ông đã ra lệnh cho hàng chục lính đặc nhiệm vào trong vùng lãnh thổ do người Kurd kiểm soát ở miền bắc Syria nhằm hỗ trợ các chiến binh địa phương đương đầu với IS.
Như vậy với động thái này, Mỹ đã lần đầu cho phép lục quân của họ triển khai ở Syria.
Các vùng kiểm soát của các phe phái trên chiến trường Syria. Đồ họa: New York Times. |
Mặc dù quy mô đợt triển khai binh sĩ này là nhỏ nhưng nó lại có ý nghĩa rất đáng kể trong bối cảnh Tổng thống Mỹ cho tới nay vẫn từ chối gửi lục quân sang tham gia các chiến dịch dài hơi ở quốc gia Trung Đông oằn mình vì nội chiến trong hơn 4 năm qua.
Tuy nhiên trong tình hình mới, ông Obama kết luận rằng đã đến lúc cần có sự thay đổi.
Nhà Trắng cho hay, các binh sĩ đặc nhiệm này sẽ có số lượng “chưa đến 50 người” và nhấn mạnh rằng họ sẽ huấn luyện và cố vấn cho lực lượng quân sự địa phương chứ không tham gia chiến đấu trực tiếp chống lại IS.
Mặc dù vậy, các quan chức chính phủ Mỹ thừa nhận việc lính Mỹ hoạt động sát với tiền tuyến sẽ khiến họ bị “dính” các cuộc đấu súng. Giới chức Mỹ cũng để ngỏ khả năng đưa thêm lính đặc nhiệm vào Syria trong tương lai.
7. Cơ quan hàng không của Nga Rosaviatsia ngày 29/10 cho biết, Ukraine đã từ chối đề xuất nối lại đối thoại về dỡ bỏ lệnh cấm bay với Nga.
Dịch vụ hàng không trực tiếp giữa hai nước này bị dừng lại cuối tuần qua- một mức thấp mới trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước láng giềng sau khi xung đột tại miền Đông Ukraine nổ ra.
Máy bay của hãng hàng không Aeroflot, Nga. Ảnh Reuters |
Ukraine đã cấm các chuyến bay từ các hãng hàng không Nga, bao gồm hãng vận chuyển Aeroflot từ 25/10 vừa qua. Nga đã chỉ trích động thái này và đưa ra phản ứng bằng việc đóng cửa không phận Nga đối với các hãng hàng không Ukraine.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 29/10, Rosaviatsia cho biết, cơ quan này đã đề xuất tiếp tục đối thoại nhằm nối lại các đường hàng không hai nước. Lệnh cấm các dịch vụ hàng không trực tiếp của hai bên đang làm ảnh hưởng đến những hành khách khi giá vé tăng.
Người phát ngôn Bộ Cơ sở Hạ tầng Ukraine xác nhận, Ukraine đã nhận được một bức thư từ hãng hàng không Rosaviatsia, nhưng các cuộc đàm phán chỉ có thể bắt đầu nếu Nga trả các loại tiền phạt và dừng việc bay vào những khu vực giới hạn, đặc biệt là bán đảo Crimea.