(kontumtv.vn) – Nguy cơ này ngày càng hiện hữu khi quân đội Ukraine tiếp tục “chiến dịch chống khủng bố” ở miền Đông Nam nước này.
Thành viên lực lượng tự vệ Slavyansk bên cạnh một chốt kiểm soát với những chiếc lốp xe được đốt cháy để ngăn cản quân đội chính phủ Ukraine tiến vào thành phố này (Ảnh: Ria Novosti) |
Trước đó ngày 3/5, thành phố Kramatorsk cũng đã trở thành điểm nóng diễn ra các cuộc tranh chấp giữa quân đội Ukraine và các nhà hoạt động chống chính phủ. Quân đội Ukraine đã chiếm được hầu hết thành phố Kramatorsk. Lực lượng tự vệ địa phương cho biết, có 10 người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với quân đội chính phủ, trong đó 2 người bị giết bởi các tay súng bắn tỉa.
Nhiều người trèo ra cửa sổ tòa nhà Công đoàn bị các phần tử cực hữu đốt cháy ở thành phố cảng Odessa (Ảnh: Reuters) |
Sự kiện được coi là bi thảm nhất tại Ukraine trong tuần qua và có thể là sự kiện sẽ châm ngòi cho những cuộc đụng độ đẫm máu hơn nữa trong thời gian tới tại quốc gia này là việc hơn 40 người biểu tình chống Kiev đã thiệt mạng khi tòa nhà công đoàn tại thành phố cảng Odessa bị các phần từ cực hữu thân Kiev đốt cháy.
Sau khi sự kiện bi thảm này diễn ra, Nga đã lên tiếng cho rằng, chính quyền Kiev và các đồng minh phương Tây của mình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự đổ máu gần đây ở Ukraine.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov cho rằng, bàn tay của chính quyền Kiev và phương Tây đã dính máu, đồng thời cho rằng, vào thời điểm hiện nay, không thể thuyết phục người biểu tình ở Đông Ukraine giải giáp vũ khí bởi cuộc sống của họ đang bị đe dọa.
Phát biểu tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Walter Steinmeier nhấn mạnh: “Tôi hy vọng thảm kịch ngày 2/5 tại Odessa, khiến hơn 40 người thiệt mạng, là một sự thức tỉnh đối với tất cả các bên liên quan. Nếu như không chấm dứt tình hình này ngay bây giờ thì nhiều khả năng sự việc này sẽ không thể dừng lại được nữa. Đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo chính trị của tất cả các bên không đổ thêm dầu vào lửa”.
Ngày 3/5, Liên minh châu Âu đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lậpvề cái chết của hơn 40 người trong cuộc xung đột tại thành phố Odessa, miền Nam Ukraine.
Cao ủy Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại Catherine Ashton cho biết, các cuộc đụng độ dẫn đến cái chết của hàng chục người tại Odessa cần phải được điều tra và những người chịu trách nhiệm về hành động phạm tội này cần phải được đưa ra trước công lý.
Các quan sát viên OSCE vừa được trả tự do về tới sân bay Tegel ở Berlin (Ảnh: Reuters) |
Liên quan đến tình hình tại Ukraine, ngày 3/5 các quan sát viên quân sự thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bị những người biểu tình chống chính quyền Kiev bắt giữ tại Slavyansk ngày 25/4 vừa qua đã được trả tự do.
Đặc phái viên của Tổng thống Nga, Vladimir Lukin nhấn mạnh việc trả tự do cho các quan sát viên không phải là kết quả của một sự mặc cả. “Đó là một hành động nhân đạo tự nguyện và chúng tôi rất biết ơn về hành động này của những người biểu tình hiện đang kiểm soát thành phố Slavyansk”.
Không rõ liệu động thái được xem là thiện chí của những người biểu tình chống chính phủ có giúp phần nào đó hạ nhiệt những căng thẳng tại Ukraine hay không? Bộ Ngoại giao Nga ngày 3/5 cho rằng, đây là một hành động được thực hiện khi mà một thị trấn hòa bình đang phải hứng chịu một cuộc tấn công không có lý do. Do đó, đây chính là bằng chứng cho thấy sự dũng cảm và nhân văn của những người đang bảo vệ Slavyansk.
Tìm kiếm người còn may mắn sống sót sau vụ lở đất (Ảnh: AP) |
Ngày 2/5, một vụ lở đất kinh hoàng đã chôn vùi một ngôi làng ở phía Đông Bắc Afghanistan. Thống đốc tỉnh Badakshan, Shah Waliullah Adeeb cho biết,hơn 2.000 người đã bị chôn vùi sau khi đất từ một ngọn đồi đã đổ sụp vào ngôi làng Hobo Barik.
Sau khi vụ việc xảy ra, các lực lượng tìm kiếm nỗ lực đào bới lớp bùn đất gần 50m để tìm kiếm những người sống sót, một số người dùng xẻng, thậm chí là dùng tay trần hy vọng có thể thấy sự sống của những người thân yêu dưới lớp bùn ngập xung quanh làng.
Nhưng cuối cùng những người tìm kiếm đã từ bỏ hy vọng bởi những nỗ lực của họ dường như là vô ích. “Chúng tôi không thể tiếp tục các hoạt động tìm kiếm cứu nạn nữa, chúng tôi sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân và xây dựng một ngôi mộ tập thể tại khu vực này“, thống đốc tỉnh Shah Waliullah Adeeb nói.
Các thợ lặn tham gia chiến dịch tìm kiếm nạn nhân vụ chìm phà Sewol (Ảnh:Yonhap) |
Ngày 4/5 là ngày thứ 19 kể từ vụ chìm phà tại Hàn Quốc. Tính đến nay, đội cứu hộ đã tìm thấy 244 thi thể người gặp nạn.
Để đẩy mạnh tốc độ tìm kiếm nạn nhân mất tích, đội tìm kiếm đã chia chiếc phà đắm thành 111 khu vực. Trước tiên, họ tìm kiếm 64 khu vực mà có nhiều hành khách tập trung nhất.
Cho đến ngày 4/5, chỉ còn 3 khoang ở tầng 3 và khu nhà bếp cùng một vài khoang khác chưa thể tiếp cận vẫn chưa được tìm kiếm. Đội cứu hộ cho biết, đến ngày 15/5, nếu vẫn chưa tìm thấy toàn bộ nạn nhân mất tích sẽ tiến hành tìm kiếm ở tầng 1 và tầng 2 của con phà, nơi chứa hành lý.
Trước đó hôm 29/4, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đưa ra lời xin lỗi thân nhân người bị nạn trong vụ chìm phà Sewol vì sự quản lý yếu kém của chính phủ và cam kết sẽ trừng phạt tất cả những người chịu trách nhiệm trong thảm kịch này
Người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc Kim Suk-kyoon ngày 30/4 cũng đã đưa ra lời xin lỗi chính thức đối với gia đình các nạn nhân vụ chìm phà Sewol trước những lời chỉ trích hoạt động cứu hộ ban đầu của lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc là chậm chạp và không hiệu quả.
Ngày 1/5, gia đình các nạn nhân trong vụ chìm phà Sewol ngày 16/4 vừa qua đã trở lại hiện trường vụ tai nạn thảm khốc này và tổ chức một cuộc biểu tình phản đối cách ứng phó của chính phủ.
Bangladesh bắt đầu tìm kiếm MH370 tại vịnh Bengal (Ảnh: Irna) |
Ngày 1/5, Bộ Giao thông Vận tải Malaysia đã công bố báo cáo sơ bộ về vụ mất tích bí ẩn của chuyến bay mang số hiệu MH370 ngày 8/3 vừa qua. Báo cáo này đã được gửi đến Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, cơ quan của Liên Hợp Quốc phụ trách về hàng không toàn cầu.
Trong bản báo cáo này, đáng lưu ý có 2 chi tiết là: Vào ngày định mệnh (8/3) chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines biến mất, các quan chức dường như không nhận thấy chiếc máy bay này đã biến mất khỏi radar trong 17 phút và không kích hoạt hoạt động cứu hộ trong vòng 4 giờ.
Báo cáo này không đưa ra bất kỳ lời lý giải nào cho việc điều gì đã xảy ra trong khoảng thời gian 4 giờ đó, ngoại trừ việc cho biết Kuala Lumpur đã liên lạc với Singapore, Hong Kong và Campuchia.
Trước khi Bộ Giao thông Vận tải Malaysia công bố bản báo cáo này, ngày 29/4, hãng 7news dẫn lời công ty thám hiểm GeoResonance có trụ sở tại Adelaide, Australia cho biết các nghiên cứu của họ đã cho thấy các vật liệu nằm dưới đáy đại dương mà họ phát hiện được có cấu trúc hoàn toàn trùng khớp với vật liệu của máy bay, và có thể MH370 đã rơi ở… vịnh Belgal.
Tuy nhiên, ngày 30/4, nhóm tìm kiếm chiếc phi cơ mất tích do Australia đứng đầu đã bác bỏ các tuyên bố của GeoResonance cho rằng nó có thể tìm thấy mảnh vỡ của máy bay hãng hàng không Malaysia ở vịnh Bengal, cách khu vực tìm kiếm chính thức tới hàng ngàn km.
Ngày 1/5, Hãng hàng không Malaysia cũng tuyên bố chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích mang số hiệu MH370 đang bước sang giai đoạn mới trong bối cảnh vẫn chưa có manh mối nào sau gần 2 tháng tìm kiếm trên biển Nam Ấn Độ Dương.
Gần 8 tuần sau khi MH370 mất tích, hãng Hàng không Malaysia (MAS) cho biết sẽ đóng cửa các trung tâm hỗ trợ thân nhân của 239 hành khách và phi hành đoàn MH370 ở Bắc Kinh và Kuala Lumpur. Đám tang đầu tiên của hành khách xấu số trên chiếc máy bay mất tích số hiệu MH370 của Malaysia sẽ được tổ chức./.
Nguyễn Hùng/VOV online