Đồn cảnh sát ở Tân Cương bị tấn công; Người dân Philippines cần sự hỗ trợ lâu dài; Maldives bầu tân Tổng thống
Lực lượng an ninh đi tuần tra ở Kashgar, Tân Cương, Trung Quốc (Ảnh chụp 2/8/2011-AFP)

Theo truyền thông Trung Quốc, ngày 16/11 một vụ tấn công vào đồn cảnh sát tại huyện Ba Sở, thuộc tỉnh Kashgar, Tân Cương, khiến 11 người chết, trong đó có 2 cảnh sát địa phương. Kể từ sau vụ xe bốc cháy tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, các cuộc tuần tra, kiểm tra của cảnh sát địa phương tại khu vực Tân Cương trở nên nghiêm ngặt hơn. Khu vực này luôn luôn bị cảnh báo an ninh ở mức độ cao. Do đó đã phát sinh những cuộc xung đột giữa cảnh sát và những nhóm tấn công.

Nhân viên quân sự Philippine đang tiếp nhận hàng cứu trợ cho các nạn nhân chịu ảnh hưởng bởi siêu bão Haiyan (Ảnh: AP)

Ngày 17/11, Cơ quan quản lý và giảm nhẹ nguy cơ thảm họa quốc gia Philippines công bố con số thương vong mới nhất do bão Haiyan là 3.681 người chết, 12.544 người bị thương và 1.186 người khác được báo cáo mất tích. Hiện nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục gửi hàng cứu trợ đến giúp những người dân chịu ảnh hưởng của cơn bão Haiyan.

Ông Abdulla Yameen mừng chiến thắng tại trụ sở của đảng mình tại khách sạn Palace Nasandura, ngày 16/11/2013 (Ảnh Reuters)

Ủy ban Bầu cử Maldives cho biết, với hơn 51,3% số phiếu bầu, ứng cử viên Abdulla Yameen của đảng Cấp tiến Maldives đã giành chiến thắng trước ứng cử viên Mohamed Nasheed của đảng Dân chủ Maldives trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 diễn ra ngày 16/11. Cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 tại Maldives được hi vọng sẽ chọn ra một nhà lãnh đạo mới nhằm chấm dứt tình trạng bất ổn chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở quốc đảo Ấn Độ Dương này.

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (bên trái) và Cao ủy EU phụ trách chính sách đối ngoại Catherine Ashton trao đổi với nhau trong ngày thứ 3 của cuộc đàm phán về hạt nhân tại Geneva, ngày 09/11/2013 (Ảnh Reuters)

Cuộc đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 diễn ra tại Geneva, kết thúc ngày 9/11 đã không đạt được thỏa thuận nào về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Các bên chỉ nhất trí sẽ gặp lại nhau vào ngày 20/11 tới để tiến hành các cuộc đàm phán mới.

Theo nguồn tin quan chức Mỹ, nhóm P5+1 với Iran đang tiến dần đến một thỏa thuận sơ khai nhằm giải quyết chương trình hạt nhân của Iran. Nhiều khả năng thỏa thuận này sẽ được các bên nhất trí được tại cuộc họp dự kiến diễn ra từ ngày 20-22/11 tới tại Geneva (Thụy Sĩ). Đây có thể xem là lần đầu tiên trong gần 1 thập kỷ qua, Iran và nhóm P5+1 có thể tiến gần hơn đến thỏa thuận về hạt nhân của Iran.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng các cố vấn hàng đầu bàn bạc về vấn đề thực hiện bảo hiểm y tế hôm thứ Sáu (15/11) (Ảnh Wochit)

Uy tín của Tổng thống Mỹ Barack Obama đang ở mức thấp nhất kể từ khi đắc cử hồi năm 2009. Khoảng 54% người dân Mỹ được hỏi không đồng tình với chính sách của Tổng thống Obama, trong khi chưa đến 40% ý kiến ủng hộ. Theo kết quả cuộc thăm dò hồi đầu tháng 10, tỷ lệ này lần lượt là 49% và 45%.

Theo kết quả thăm dò, phần lớn người dân Mỹ tỏ ra bi quan về hiệu quả của dự luật cải cách y tế (hay còn gọi là Obamacare) đối với nước Mỹ. Chỉ có 19% số người được hỏi cho rằng tình hình y tế sẽ được cải thiện với kế hoạch này, trong khi 43% cho rằng tình hình sẽ tồi tệ hơn và 33% cho rằng sẽ không có sự cải thiện.

Uy tín của Tổng thống Obama bị sụt giảm nghiêm trọng trong khi thời hạn về trần nợ công (7/2/2014) và ngân sách chính phủ (15/1/2014) mà Thượng viện Mỹ đưa ra sau bế tắc tài chính hôm 16/10 đang tới gần.

Các nhà sư thăm viếng ngôi đền Preah Vihear nằm trên biên giới Thái Lan và Campuchia (Ảnh Reuters)

Ngày 11/11, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết vùng đất xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear thuộc về Campuchia, do đó Thái Lan phải rút tất cả các lực lượng khỏi vùng lãnh thổ này.

Thẩm phán Peter Tomka của Tòa án Công lý Quốc tế tuyên bố: “Phán quyết năm 1962 của Tòa án Công lý Quốc tế đã xác định Campuchia có chủ quyền đối với toàn bộ khu vực đền Preah Vihear”. Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế là bắt buộc và không được kháng cáo.

Sau khi Tòa án Công lý Quốc tế ra phán quyết, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Surapong cho biết: “Phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế làm hài lòng cả hai bên. Tôi và phía Campuchia sẽ thảo luận với nhau tại Ủy ban Hỗn hợp song phương Thái Lan-Campuchia “./.

Theo : Bích Đào/VOV online
Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *