(kontumtv.vn) – Các nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã rời Moscow vào đêm 6/2, sau 5 giờ đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình Ukraine.

Tuy nhiên, các bên không đạt được một thỏa thuận cụ thể nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, ngoài cam kết tiếp tục duy trì các cuộc đàm phán và cùng soạn thảo một văn kiện chung liên quan tới việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk. Trong lúc này, cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đã trở thành chủ đề bao trùm trong ngày đầu tiên của Hội nghị an ninh Munich lần thứ 51 đang diễn ra tại Đức.

Lãnh đạo Nga, Đức, Pháp bàn về tình hình Ukraine (Ảnh Reuters)

Trong bầu không khí căng thẳng được cho là về bất đồng quan điểm trong vấn đề Ukraine, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã đi thẳng vào điện Kremlin để bắt đầu cuộc đàm phán mà không thực hiện các nghi thức ngoại giao thông thường trước ống kính máy quay của các nhà báo.

Và đúng như dự đoán của giới chức châu Âu vốn không mấy kỳ vọng vào cuộc đàm phán lần này ở Moscow, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Nga đã không đưa ra được bất cứ thỏa thuận cụ thể hay tuyên bố nào về về việc liệu lực lượng đối lập có rút khỏi các khu vực mà họ đang chiếm đóng kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ hồi năm ngoái hay không.

Sau cuộc hội đàm kéo dài nhiều giờ, các nhà lãnh đạo Đức, Pháp và Nga chỉ dừng lại ở cam kết soạn thảo một văn kiện chung, nhằm phục hồi sự sụp đổ của thỏa thuận hòa bình Minsk được ký kết tại Belarus vào hồi tháng 9 năm ngoái.

Văn kiện này sẽ bao gồm các đề xuất của các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine nhằm đáp ứng yêu cầu của tất cả các bên liên quan. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí tiếp tục đàm phán qua điện thoại vào ngày 8/2.

Trước khi tới Nga, các nhà lãnh đạo Đức và Pháp cũng đã có các cuộc hội đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, một phần trong nỗ lực nhằm thúc đẩy bước đột phá giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine trước khi các nhà lãnh đạo châu Âu xem xét các biện pháp trừng phạt tài chính mới nhằm vào Nga vào tuần tới.

Chuyến công du của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho thấy châu Âu đang bước vào giai đoạn nước rút cho một giải pháp chính trị và ngoại giao nhằm cứu vãn tình hình miền Đông Ukraine giữa lúc đạn pháo vẫn liên tục oanh tạc khu vực này mỗi ngày.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich lần thứ 51 đang diễn ra tại Đức, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, đề cao các nỗ lực của các nhà lãnh đạo Pháp, Đức trong chuyến công du nhằm tìm cách tháo gỡ xung đột ở miền Đông Ukraine.

Ông Stoltenberg cho rằng, trong tình hình căng thẳng hiện nay, Nga nên có những điều chỉnh chính sách trong vấn đề Ukraine: “Các nỗ lực của Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Hollande là rất quan trọng. Và đó là lý do tại sao NATO hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine”.

Cuộc khủng hoảng Ukraine cũng trở thành vấn đề bao trùm ngày họp đầu tiên Hội nghị an ninh Munich. Hội nghị bàn về vấn đề cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev trong bối cảnh Mỹ vừa để ngỏ khả năng cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine.

Động thái của Mỹ đã gây ra những tranh cãi giữa Washington và các đồng minh châu Âu. Châu Âu cho rằng, việc cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine sẽ là phản tác dụng khi nó có thể đẩy xung đột leo thang.

Phát biểu trước Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Đức, Ursula von der Leyen tái khẳng định, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ là một sai lầm nghiêm trọng và chỉ “đổ thêm dầu vào lửa”.

Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hoà Mỹ John McCain đã chỉ trích đường lối ôn hoà của Chính phủ Đức trong vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Ông McCain kêu gọi Thủ tướng Đức Merkel cần nhìn thẳng vào thực tế bạo lực leo thang đang diễn ra tại miền Đông Ukraine và phải có những hành động mạnh mẽ hơn nhằm ngăn ngừa nguy cơ một cuộc chiến toàn diện ở nước này.

Đây cũng là mong muốn của chính quyền Kiev khi Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk lên tiếng ngỏ ý muốn nhận được sự giúp đỡ quân sự từ phương Tây nhằm đối phó với lực lượng đối lập ở miền Đông.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp Slovakia vào ngày hôm 6/2, Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk nói: “Rõ ràng là chúng ta cần hòa bình ở châu Âu, song hòa bình châu Âu lại phụ thuộc vào hòa bình ở Ukraine. Và để đạt được hòa bình, Ukraine cần phải có cơ hội để tự bảo vệ mình. Không phải là một cuộc tấn công, mà là một hoạt động mang tính phòng thủ. Chúng ta cần bảo vệ chính mình. Không ai muốn chiến tranh, một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu”.

Bên ngoài các phòng đàm phán, một lệnh ngừng bắn ngắn hạn đã được thực hiện vào ngày hôm qua tại khu vực Debalseve, nhằm giúp sơ tán dân thường. Khu vực này là tâm điểm giao tranh tại Ukraine trong những ngày gần đây. Đây là khu vực do quân đội chính phủ kiểm soát, song lại đang bị lực lượng đối lập bao vây.

Lực lượng đối lập trước đó đã cảnh báo, hiện có gần 10.000 binh sĩ Ukraine tại đây đang rơi vào thế bao vây và theo giới phân tích, nếu số binh sĩ này bị bắt sống thì đó là đòn giáng mạnh có thể khiến chính quyền Kiep sụp đổ./.

Lệ Chi/VOV- Trung tâm TinTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *