Các nước ‘tăng tốc’ phê duyệt vaccine ngừa COVID-19

Chú thích ảnh
 Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Moskva, Nga. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong tuần qua, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, khiến số ca mắc và trường hợp tử vong ở nhiều nơi tăng kỷ lục, buộc các nước phải cân nhắc các biện pháp mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan cũng như đẩy nhanh các bước chuẩn bị để có thể sẵn sàng triển khai tiêm chủng vaccine.

Theo số liệu trên trang Worldometers, tính đến 15h ngày 12/12, cả thế giới vượt 71,4 triệu ca mắc COVID-19 và ít nhất 1,6 triệu người đã tử vong do dịch bệnh. Trước đó một ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố gần 1 tỷ liều vaccine tiềm năng phòng COVID-19 đã được đảm bảo theo chương trình COVAX nhằm cung cấp vaccine cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. 189 quốc gia đã tham gia chương trình COVAX. WHO dự kiến trong những tuần tới sẽ đưa ra các quyết định liệu về cấp phép cho sử dụng khẩn cấp đối với các loại vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer, Moderna và AstraZeneca.

Tại Mỹ, các trường hợp mắc COVID-19 vẫn đang gia tăng. Số ca tử vong hàng ngày do COVID-19 đã vượt qua ngưỡng 3.000 vào đầu tuần này. Trước tình trạng cấp bách do cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu gây ra, tối 11/12 (giờ Mỹ), Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép cho sử dụng khẩn cấp vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer. Đợt vận chuyển vaccine đầu tiên gồm khoảng 2,9 triệu liều sẽ được gửi đi khắp nước Mỹ trong tuần tới. Với quyết định này, Mỹ trở thành quốc gia thứ sáu – sau Anh, Bahrain, Canada, Saudi Arabia và Mexico – cấp quyền sử dụng vaccine ngừa COVID-19. Bên cạnh vaccine của Pfizer, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ mua thêm 100 triệu liều vaccine của công ty Moderna, nâng tổng số hàng đặt vaccine này lên tới 200 triệu liều.

Trong khi đó, tại châu Âu, các nước đang trải qua một mùa Đông khắc nghiệt khi đây là thời điểm được cảnh báo bệnh dịch bùng phát mạnh. Số ca tử vong do COVID-19 tại ở Bồ Đào Nha trong làn sóng dịch thứ hai đã tăng gần gấp đôi so với làn sóng đầu tiên. Tại Thụy Điển, ngày 10/12 là ngày mà quốc gia này ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước đến nay với 7.935 ca mắc mới. Tương tự, Chính phủ Đức cũng phải đối mặt với những lời kêu gọi áp đặt lệnh phong tỏa lần hai trước dịp Giáng sinh sau khi ghi nhận 585 ca tử vong và 29.875 ca nhiễm mới COVID-19 trong một ngày, các con số kỷ lục kể từ khi đại dịch bùng phát.

Anh đã xúc tiến kế hoạch chủng ngừa quy mô lớn chưa đầy một tuần sau khi phê duyệt đưa vaccine Pfizer vào sử dụng theo cơ chế khẩn cấp. Các trung tâm ở Anh sẽ tiêm cho người trên 80 tuổi và một số nhân viên y tế. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hy vọng sẽ có hàng triệu người dân Anh sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19 trước lễ Giáng sinh.

Tại Nga, ngày 11/12 giới chức nước này ghi nhận thêm 613 ca tử vong vì COVID-19 trong vòng 24 giờ, mức cao kỷ lục trong nhiều tuần trở lại đây. Nga đã triển khai đợt tiêm chủng đại trà đầu tiên ở nước này từ ngày 5/12. Vaccine Sputnik V sẽ được ưu tiên tiêm cho các bác sĩ và nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên làm công tác xã hội, là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất.

Tại châu Á, một số quốc gia từng là hình mẫu cho việc chống dịch thành công đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới dữ dội hơn sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế. Giới chức Hàn Quốc đã cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ ba trong bối cảnh số ca nhiễm mới đã gần chạm ngưỡng 700 ca/ngày trong hai ngày gần đây – mức cao nhất kể từ cuối tháng 2. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản ngày 9/12 cũng cho biết nước này đã ghi nhận 2.810 ca bệnh mới, con số cao nhất từ trước đến nay. Giới chuyên gia chỉ ra rằng tình trạng dịch bệnh bùng phát là dấu hiệu cho thấy các biện pháp ngăn COVID-19 sẽ không có hiệu quả lâu dài, trừ khi vaccine được phổ biến rộng rãi.

“Mở khóa” gói phục hồi kinh tế EU

Chú thích ảnh
Lãnh đạo các nước tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ ngày 10/12/2020. Ảnh: Reuters/TTXVN

Ngày 10/12 vừa qua, 27 nhà lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua ngân sách mới và gói phục hồi kinh tế nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế, xã hội do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, gói phục hồi EU bao gồm ngân sách dài hạn từ năm 2001-2027 trị giá 1.100 tỷ euro và gói phục hồi có tên gọi “Thế hệ mới EU” trị giá 750 tỷ euro. Ngoài hỗ trợ EU phục hồi từ đại dịch COVID-19, gói phục hồi này hỗ trợ EU thực hiện các chuyển đổi thông qua nhiều chính sách lớn, cụ thể là Thỏa thuận Xanh, cách mạng số và phát triển vững mạnh.

“Bây giờ chúng ta có thể bắt đầu việc thực hiện và xây dựng lại nền kinh tế. Gói phục hồi mang tính bước ngoặt sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh của chúng ta”, Chủ tịch Michel đăng dòng trạng thái Twitter sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh EU tổ chức tại Brussels (Bỉ) ngày 10/12.

Trước đó, Ba Lan và Hungary phản đối điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn liên minh với yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ nguyên tắc pháp quyền của EU, khiến kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh rơi vào bế tắc.

Bảo Hà/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *