(kontumtv.vn) – Trong tuần qua, vụ đánh bom liều chết tại sân bay Kabul, Afghanistan khiến 170 người chết và tình hình dịch COVID-19 tại những nước có lệnh phong tỏa nghiêm ngặt là vấn đề được truyền thông thế giới quan tâm.

Sân bay Kabul đổ máu

Chú thích ảnh
Chuyển người bị thương trong vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay quốc tế Kabul của Afghanistan, ngày 26/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 28/8, Mỹ đã tiến hành không kích nhằm vào một kẻ lên kế hoạch đánh bom của ISIS-K, nhóm liên kết của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Pakistan và Afghanistan. ISIS-K đã gây ra vụ đánh bom liều chết gần sân bay Kabul ngày 26/8 khiến trên 170 người thiệt mạng, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ.

Phát biểu trên truyền hình chiều 26/8, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không tha thứ, sẽ không quên, sẽ săn lùng và khiến chúng phải trả giá”. Vụ việc tác động mạnh mẽ đến giai đoạn cuối sơ tán công dân Mỹ và hàng nghìn người Afghanistan được lên kế hoạch hoàn tất vào ngày 31/8.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 27/8 cho biết đội ngũ anh ninh quốc gia đã cảnh báo Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris rằng một cuộc tấn công khủng bố khác có thể xảy ra ở thủ đô Afghanistan và họ đã tăng cường các biện pháp bảo vệ tại sân bay Kabul. Tối 27/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo các công dân nước này tránh xa các cửa ra vào sân bay Kabul.

Tướng Kenneth “Frank” McKenzie, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ ngày 26/8 cảnh báo rằng có những mối đe dọa mới từ ISIS-K, có thể liên quan đến tên lửa hoặc bom tự sát trên xe. Điều đó đồng nghĩa với việc những ngày sắp tới sẽ là một trong những thời gian căng thẳng và nguy hiểm nhất đối với quân đội Mỹ.

Nhà Trắng cho biết tính đến sáng 27/8, khoảng 12.500 người đã lên máy bay rời Kabul trong 24 giờ gần đó. Trong 12 giờ tiếp theo, 4.200 người nữa đã được sơ tán. Bà Psaki cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đang làm việc với khoảng 500 người nữa muốn rời đi. Chính quyền Tổng thống Biden dự kiến đẩy mạnh và hoàn thành cuộc không vận bất chấp các mối đe dọa khủng bố.

Dấu hỏi lớn với chiến lược “không COVID-19”

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Christchurch, New Zealand. Ảnh: AP

Khi mới chỉ ghi nhận một trường hợp mắc COVID-19 vào tuần trước, New Zealand đã lập tức áp dụng biện pháp mà họ đã sử dụng nhiều lần kể từ khi đại dịch bắt đầu: phong tỏa nghiêm ngặt để xử lý virus SARS-CoV-2.

Tờ Strai Times (Singapore) dẫn lời Thủ tướng Jacinda Ardern khẳng định chính phủ New Zealand đã thành công khi nhanh chóng áp dụng phong tỏa và điều này giúp quốc gia này không có ca COVID-19 nào trong 170 ngày trước đó.

Tuy nhiên, khi nhận ra biến thể Delta đã xâm nhập vào New Zealand, Thủ tướng Ardern thừa nhận “cuộc chơi đã thay đổi”.

Kể từ ca mắc đầu tiên trong tuần trước, đến nay New Zealand ghi nhận 210 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mới. Riêng trong ngày 25/8, New Zealand có tới 62 ca mắc mới COVID-19.

Theo Strai Times, Trung Quốc và Australia đang phải xem xét đến việc liệu có duy trì chiến lược “không COVID-19” hay chuẩn bị sống chúng với COVID-19.

Nội bộ Australia đang chia rẽ về vấn đề này. Bang New South Wales, vốn trong tình trạng bùng phát dịch ngày càng nghiêm trọng, gần đây đã từ bỏ chiến lược “không COVID-19”. Trong khi những bang khác, chẳng hạn như Western Australia, quyết tâm giữ ca mắc COVID-19 ở con số 0.

Các chuyên gia y tế đều cùng quan điểm rằng tăng tốc tiêm chủng là cách hiệu quả nhất để đối phó với biến thể Delta, đặc biệt nếu chính quyền Australia và chính quyền bang muốn mở cửa biên giới.

Ông Paul Griffin tại trường Đại học Queensland (Australia) ngày 25/8 nhận định: “Chúng ta có tỷ lệ xét nghiệm tuyệt vời và cần phải duy trì điều này, việc sử dụng khẩu trang cũng rất tốt. Nhưng … tiêm vaccine COVID-19 cho nhiều người là điều mấu chốt”.

Chú thích ảnh
Một người đàn ông đeo khẩu trang đọc báo trên đường phố Melbourne, Australia. Ảnh: AP

Ngược lại, Trung Quốc lại có xu hứng tiếp tục chiến lược “không COVID-19”, kể cả sau đợt bùng phát gần đây liên quan đến biến thể Delta. Trường hợp đầu tiên được xác định tại một sân bay ở Nam Kinh ngày 20/7 và lan ra nhiều tỉnh thành khác của Trung Quốc. Các biện pháp phong tỏa, cách ly, xét nghiệm diện rộng và truy vết nhanh chóng được tiến hành. Đến 22/8, Trung Quốc tuyên bố không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Giới chức Trung Quốc có chủ trương duy trì chiến lược hiện tại và vaccine vẫn đóng vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, Thủ tướng Thủ tướng Australia Scott Morrison cho rằng nỗ lực của New Zealand hoặc các quốc gia khác nhằm nhổ tận gốc COVID-19 trong thời gian dài là “vô lý”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ứng phó COVID-19 của New Zealand ngày 25/8 cho biết vẫn còn quá sớm để phản đối: “Chúng tôi cũng muốn một thời điểm khi phong tỏa không còn là giải pháp khi có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, chúng tôi chưa đến giai đoạn đó”.

Hà Linh/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *