(kontumtv.vn) – FED tăng lãi suất và việc WTO đạt thỏa thuận thương mại lịch sử sau vòng đàm phán kéo dài là hai sự kiện thế giới nổi bật trong tuần qua.

Tuần đầy biến động của thị trường tài chính toàn cầu do tác động từ FED

Chú thích ảnh
Chứng khoán Mỹ trải qua tuần giao dịch giảm điểm mạnh. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 15/6 đã nâng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng cao nhất trong gần 30 năm qua, trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ leo lên mức kỉ lục 8,6% trong tháng 5 vừa qua. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), cơ quan ra quyết sách của FED, cam kết theo đuổi mục tiêu đưa lạm phát ở Mỹ về mức 2% và dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất chủ chốt trong những tháng tới.

Đây không phải là quyết định quá bất ngờ. Chủ tịch FED Jerome Powell trong nhiều tuần trước đó đã trấn an thị trường về triển vọng tăng lãi suất cơ bản 0,5 điểm phần trăm. Nhưng càng gần tới thời điểm phiên họp, giới đầu tư nhanh chóng chuyển hướng nhận định FED sẽ tăng lãi suất mạnh tay hơn và diễn biến này cũng đã được phản ánh vào giá trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu.

Kết thúc phiên hợp, các thành viên FOMC cũng kỳ vọng chỉ số lạm phát ở Mỹ sẽ là 5,2% vào cuối năm nay trong khi tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại còn 1,7% so với dự báo 2,8% đưa ra trước đó. Đây là lần thứ ba FED tăng lãi suất trong năm nay và dự kiến mặt bằng lãi suất cuối năm 2022 lên 3,4%.

Ngay sau quyết định của FED, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng bước vào chu kỳ tăng lãi suất mới. Ngày 16/6, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) đã lần đầu tiên nâng lãi suất kể từ năm 2007. Trong thông báo bất ngờ, SNB cho biết nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên 1,25% trong bối cảnh dự báo lạm phát tại Anh có thể lên đến 11% trong năm nay. Đây là lần thứ 5 BOE tăng lãi suất kể từ tháng 12/2021.

Tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang lên kế hoạch bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 7 tới. Chủ tịch ECB Christine Lagarde thậm chí còn đi xa hơn, khi nói về triển vọng tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng 9 và để ngỏ mức tăng “ổn định” sau mốc thời gian này. Động thái trên cho thấy ECB đã có sự dịch chuyển quan điểm cơ bản, chuyển hướng sang chính sách “diều hâu”.

Đồn đoán về quyết định của FED cùng với siết chặt lãi suất trên thực tế của cơ quan này khiến thị trường tài chính toàn cầu trải qua một tuần giao dịch đầy biến động. Thị trường chứng khoán Mỹ rơi vào xu hướng bán tháo. Trong tuần, chỉ số S&P 500 giảm 5,8% và chính thức bước vào thị trường đầu cơ giá xuống. Chốt phiên giao dịch ngày 17/6, chỉ số Dow Jones lần đầu tiên kể từ tháng 1/2021 đã để mất mốc 30.000 điểm, mốc tâm lý quan trọng, với mức giảm 4,8% trong tuần. Chỉ số Nasdaq cũng hoàn tất một tuần giảm mạnh với mức giảm 4,8%.

Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng lên mức cao kỉ lục. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm áp sát mốc 3,5%, mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm vọt lên trên mức 1,75%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Italy thậm chí còn vượt mốc 4%.

Các loại tài sản tài chính rủi ro cũng biến biến động mạnh. Trong phiên giao dịch sáng ngày 18/6, đồng bitcoin rớt mạnh 9%, chính xuống dưới mức 19.000 USD/đồng, thủng ngưỡng tâm lý 20.000 USD/đồng và xác lập mức đáy kể từ tháng 11/2020.

WTO đạt thỏa thuận thương mại lịch sử

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới Ngozi Okonjo-Iweala (giữa) và các quan chức WTO tại phiên bế mạc Hội nghị Bộ trưởng WTO ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 17/6/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 17/6, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 12 (MC12) diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), các nước thành viên WTO đã đạt được một gói thỏa thuận về các vấn đề trợ cấp cho nghề đánh bắt cá, mất an ninh lương thực, giảm rào cản về sở hữu trí tuệ trong phân phố vaccine ngừa COVID-19.

Đây là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài thêm hai ngày so với dự kiến ban đầu. Đại diện 164 quốc gia thành viên đã khởi động đàm phán từ ngày 12/6 và chỉ kết thúc vào 5h00 sáng 17/6 giờ Geneva (tức 10h00 giờ Hà Nội). Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala thừa nhận tiến trình thảo luận diễn ra khó khăn, có thời điểm cá nhân bà từng lo sợ các nước rời MC 21 mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.

Nhưng rồi tất cả đều đã đạt đồng thuận về “một gói thỏa thuận chưa từng có”. Theo Tổng giám đốc WTO, gói thỏa thuận vừa đạt được sẽ tạo ra sự khác biệt cho đời sống của mọi người trên thế giới. “Kết quả trên cho thấy WTO trên thực tế hoàn toàn có thể ứng phó với các tình huống khẩn cấp trong thời đại của chúng ta… Lâu lắm rồi WTO mới chứng kiến một số lượng kết quả các thỏa thuận đa phương đáng kể như vậy”, bà Okonjo-Iweala phát biểu sau phiên hợp.

Hội nghị MC12 với sự tham gia của hơn 100 bộ trưởng thương mại, là hội nghị đầu tiên của WTO trong 4 năm qua và được xem là bài kiểm định quan trọng về khả năng thế giới đạt được thống nhất cao về thương mại đa phương trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, cùng với những rạn nứt, đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khó khăn nhất vẫn là đàm phán thỏa thuận về đánh bắt cá, nội dung đã được đưa ra tham vấn, thảo luận trong suốt 20 năm qua. Đây cũng là thỏa thuận cuối cùng mà các bên đạt được trong cuộc “chạy đua với thời gian” tại hội nghị lần này. Các phái đoàn đã rất nỗ lực thảo luận trong sáng 17/6 về việc cấm các khoản trợ cấp tạo điều kiện đánh bắt dư thừa và đe dọa sự ổn định của các vựa cá toàn cầu. Hội nghị cũng nhất trí các thỏa thuận về thương mại điện tử, ứng phó với đại dịch COVID-19 và cải cách tổ chức WTO.

Tổng giám đốc Iweala cho biết, mỗi năm, các nước trên thế giới chi khoảng 35,4 tỷ USD để trợ cấp cho các hoạt động đánh bắt cá. Điều này đã đe dọa những nguồn dự trữ cá tự nhiên và ngành ngư nghiệp. Hầu hết các chính phủ đồng ý rằng cần bảo vệ nguồn dự trữ cá trên biển vì đây là nguồn tài nguyên quan trọng và thiết yếu với hàng triệu người dân ven biển trên thế giới.

Dư luận cho rằng thỏa thuận đạt được sau 5 ngày làm việc là thắng lợi chung cho cả thế giới. Bước tiến này cũng ghi dấu ấn của bà Ngozi Okonjo Iweala, nhà lãnh đạo nữ châu Phi đầu tiên của WTO.

Ngay trong sáng 17/6, nhận thấy còn bất đồng liên quan đến trợ cấp đánh bắt cá và miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và thuộc điều trị COVID-19, Tổng giám đốc Iweala đã công bố với các quốc gia thành viên một loạt dự thảo thỏa thuận thương mại, trong đó có các cam kết về y tế, cải cách và an ninh lương thực. Trong thư ngỏ, bà hối thúc các bên đi tới thỏa hiệp, nhấn mạnh thỏa hiệp là không ai có mọi thứ mình muốn, nhưng là phần việc cần làm để đáp ứng mong đợi của nhiều người trên thế giới.

Hoài Thanh/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *