Thổi bùng tranh cãi nguồn gốc COVID-19

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 25/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong tuần qua, Nam Á và Đông Nam Á tiếp tục là hai điểm nóng đại dịch COVID-19 với số ca mắc mới và trường hợp tử vong gia tăng chóng mặt.

Theo số liệu thống kê của hãng tin Reuters, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở khu vực Nam Á – gồm Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Bhutan, Nepal, Maldives và Sri Lanka – đã vượt mốc 30 triệu người trong ngày 28/5, trong bối cảnh khu vực này đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung vaccine ngừa căn bệnh. Nam Á ghi nhận 18% tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu, trong khi số ca tử vong tại khu vực này là gần 10%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những con số thống kê này trên thực tế còn cao hơn nhiều.

Trong khi đó, làn sóng lây nhiễm mới tiếp tục càn quét hai quốc gia Đông Nam Á là Malaysia và Philippines với những diễn biến đáng lo ngại. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh trong một vài ngày trở lại đây. Ngày 28/5, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại đứng thứ 3 trong khối ASEAN. Để ứng phó với số ca mắc mới và tử vong đều tăng vọt, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã công bố kế hoạch phong tỏa toàn quốc trong 2 tuần từ ngày 1 – 14/6.

Tại Philippines, số ca mắc mới theo ngày của nước này hiện đã cao hơn “ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á” là Indonesia và số ca tử vong đứng thứ hai trong khu vực. Tính đến sáng 29/5, tổng số ca bệnh ở Philippines đã vượt mốc 1,2 triệu người, tăng 8.748 trường hợp so với ngày trước đó với 20.566 trường hợp thiệt mạng.

Cùng với những diễn biến phức tạp của đại dịch, vấn đề tranh cãi về nguồn gốc COVID-19 cũng nóng trở lại với những cáo buộc lẫn nhau của Mỹ và Trung Quốc.

Ngày 26/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ông đã trực tiếp chỉ đạo cộng đồng tình báo Mỹ nỗ lực gấp đôi để điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19. Kết quả điều tra phải đệ trình trong vòng 90 ngày. Nhà lãnh đạo Mỹ thừa nhận cộng đồng tình báo Mỹ cũng bị chia rẽ trước câu hỏi nguồn gốc của đại dịch COVID-19 là từ đâu.

Các quan chức Nhà Trắng cho rằng Trung Quốc không hoàn toàn minh bạch trong một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc COVID-19 và một cuộc điều tra toàn diện là cần thiết để xác định xem virus SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh này nảy sinh từ tự nhiên hay phòng thí nghiệm.

Về phần mình, Trung Quốc kịch liệt phản đối việc Tổng thống Mỹ ra lệnh điều tra nguồn gốc COVID-19. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ khẳng định việc chính trị hóa điều tra nguồn gốc COVID-19 sẽ không chỉ gây khó khăn cho việc tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện virus SARS-CoV-2, mà còn tạo điều kiện cho “virus chính trị” lây lan, hủy hoại nghiêm trọng các nỗ lực hợp tác quốc tế chống đại dịch. Thời báo Hoàn cầu (Global Times) ngày 26/5 đăng bài nói rằng nếu “thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm” được điều tra thêm, Mỹ cũng nên cho phép các nhà điều tra vào các căn cứ của mình, gồm căn cứ thí nghiệm sinh hóa quân sự Fort Detric thuộc bang Maryland.

Ngày 28/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi cần tách bạch giữa khoa học và chính trị trong điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19. “Chúng tôi muốn mọi thứ phải tách bạch, tách bạch giữa chính trị và khoa học. Cả quá trình điều tra nguồn gốc COVID-19 đang bị đầu độc bởi chính trị”, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan phát biểu sau cuộc họp thường niên.

Tin đồn về nguồn gốc COVID-19 trôi nổi ngay từ đầu khi dịch bệnh xuất hiện, đặc biệt tập trung vào Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc khi chính quyền Tổng thống Donald Trump lúc đó cho rằng virus SARS-CoV-2 đã bị rò rỉ từ đây. Về phần mình, Bắc Kinh luôn bác bỏ cáo buộc đó. Kết quả điều tra của một nhóm chuyên gia quốc tế thuộc WHO đến Vũ Hán hồi tháng 2 cũng nhận định “rất khó có khả năng virus lọt ra từ phòng thí nghiệm”.

Con đường tái thiết chông gai của Tổng thống Syria

Chú thích ảnh
Người dân đổ xuống đường phố thủ đô Damascus, vui mừng khi kết quả bầu cử cho thấy Tổng thống Syria Bashar al-Assad tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4, ngày 27/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, đương kim Tổng thống Bashar al-Assad đã giành chiến thắng áp đảo trước hai đối thủ trong cuộc bầu cử tuần qua với 95,1% phiếu bầu của cử tri và tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 kéo dài 7 năm tới.

Đây là cuộc bầu cử tổng thống thứ hai tại Syria kể từ khi quốc gia Trung Đông này rơi vào xung đột năm 2011. Tại cuộc bầu cử trước đó diễn ra năm 2014, Tổng thống al-Assad nhận được 88% số phiếu bầu của cử tri Syria.

Trong bài phát biểu ngay sau khi kết quả được công bố, Tổng thống Assad nhấn mạnh ưu tiên trong chính sách sắp tới sẽ vẫn là xây dựng và tái thiết đất nước vốn dĩ đã bị tàn phá bởi nội chiến và dịch bệnh COVID-19. Nhà lãnh đạo khẳng định “quá trình làm việc” để tái thiết Syria đang được bắt đầu.

Những thiệt hại do nội chiến tại Syria được cho là quá lớn với quốc gia này, trong đó gần 400.000 người thiệt mạng, 200.000 người mất tích, khoảng một nửa trong tổng số 23 triệu dân phải rời bỏ nhà cửa. Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ ra sau 10 năm nội chiến, 13,4 triệu người đang cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và trên 12 triệu người đang rơi vào tình cảnh mất an ninh lương thực.

Nền kinh tế Syria cũng bị tàn phá nặng nề. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria đã giảm từ 60,2 tỷ USD năm 2010 xuống còn hơn 21 tỷ USD năm 2020, với tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức 50% và 80% dân số hiện sống ở dưới mức nghèo khổ. Theo ước tính sơ bộ của Ngân hàng Thế giới, xung đột vũ trang đã gây tổn thất khoảng 300 tỷ USD cho Syria. Nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá, khoảng 45% số nhà ở bị phá hủy, hơn một nửa số cơ sở y tế và 70% số trường học phải đóng cửa. Chi phí cho công cuộc tái thiết tại Syria ước tính lên tới 250 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, để thực hiện mục tiêu tái thiết đất nước, Tổng thống Bashar al-Assad sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, sự tín nhiệm và tin tưởng của người dân được cho sẽ là động lực lớn giúp nhà lãnh đạo hoàn thành sứ mệnh trong 7 năm nhiệm kỳ tới.

Bảo Hà/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *