(kontumtv.vn) – Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin kéo theo những nguy cơ bất ổn về chính trị và kinh tế trong lòng quốc gia này.

Sau một tuần cảnh cáo, Thổ Nhĩ Kỳ tung chiến dịch «Nhành Oliu» với mục tiêu quân sự là tấn công lực lượng người Kurd tại thành phố Afrin, ở tây bắc Syria. Ngày 22/1, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng chiến dịch quân sự bằng việc tiến hành một đợt tấn công mới tại thành phố Azaz, phía Đông Afrin.

tho nhi ky truoc nguy co bung phat noi chien do tan cong afrin hinh 1
Các lực lượng của Thổ NHĩ Kỳ vượt qua biên giới Syria để tấn công Afrin. Ảnh: Telegraph

Chiến dịch “Nhành Oliu” của Thổ Nhĩ Kỳ khi nào kết thúc?

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 22/1 tuyên bố, nước này  không “để mắt” tới các vùng lãnh thổ của Syria và chiến dịch quân sự đang diễn ra ở vùng Afrin thuộc Syria sẽ kết thúc ngay khi Ankara đạt được các mục tiêu của mình.

Hãng thông tấn Anadolu dẫn lời Tổng thống Erdogan tại một sự kiện ở thủ đô Ankara nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định nhắm đến các vùng lãnh thổ của một quốc gia khác. Chiến dịch ở Afrin sẽ kết thúc khi đạt được các mục tiêu của chúng tôi, giống như chiến dịch Lá chắn Euphrates”. Tổng thống Erdogan khẳng định chiến dịch “Nhành ô liu” ở Afrin không chỉ nhắm đến những tay súng người Kurd mà còn nhằm vào những phần tử khủng bố ở khu vực.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hmaidi Abdullah – một chuyên gia chính trị Syria cho biết, chiến dịch quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo ra một diễn biến chưa từng có trong cuộc xung đột tại Syria. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu các tay súng người Kurd và chính phủ Syria đạt được một thỏa thuận về sự hiện diện của quân đội Syria tại Afrin thì chiến dịch này có thể kết thúc.

Afrin là khu vực chiến lược, hiện do Các đơn vị Tự vệ nhân dân người Kurd (YPG) kiểm soát, nằm sát biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi đây tách biệt với thành phố Manbij và nhiều khu vực khác thuộc sự điều hành của  Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. Nếu kiểm soát được Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngăn chặn được nguy cơ người Kurd thiết lập hành lang dọc biên giới với nước này.

Hiện nay, người Kurd tại Afrin đang chiến đấu với thế đơn độc, không có sự  trợ giúp từ bất cứ quốc gia hay tổ chức nào, thậm chí ngay cả Mỹ – quốc gia đang bảo trợ cho họ. Tờ Washington Post dẫn lời giới chức Mỹ cho rằng, Mỹ không cảm thấy bắt buộc phải bảo vệ Afrin vì khu vực này không phải là mục tiêu cho cuộc chiến chống IS. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh “Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh của NATO và là quốc gia duy nhất duy nhất trong khối đối mặt với tình trạng nổi dậy bên trong biên giới. Và Thổ Nhĩ Kỳ có những quan ngại về an ninh hợp lý”.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nước này cho rằng đã có thỏa thuận với Nga về chiến dịch quân sự chống lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn ở vùng Afrin. Còn với chính phủ Syria, do không có quân đội ở đây nên dù mạnh miệng đe dọa đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ cũng chưa thể thực hiện bất cứ hành động quân sự nào.

Theo chuyên gia Hmaidi Abdullah, Nga đã đề xuất bảo vệ người Kurd nếu họ trao trả vùng Afrin cho các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Phía Nga cũng chủ động rút quân ra khỏi Afrin để tạo điều kiện cho quân đội Syria tiến vào khu vực này nếu tình hình cho phép. Trong trường hợp lực lượng người Kurd và chính phủ Syria đạt được một thỏa thuận về kiểm soát Afrin thì tình thế sẽ đảo ngược. Bởi quân đội Syria đại diện cho chính phủ hợp pháp Syria, có sự hậu thuẫn của cả Nga và Iran. Khi đó, đây không chỉ còn là cuộc chiến giữa Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd mà nghiêm trọng hơn trở thành cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Chắc chắn cộng đồng quốc tế sẽ có những phản ứng quyết liệt còn liên minh Nga và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ không tránh khỏi nguy cơ rạn nứt.

Ông Ayham Muhammad – nhà báo kiêm chuyên gia phân tích chính trị cho biết, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đạt được mục tiêu của họ vì có lợi thế khi sử dụng máy bay chiến đấu để tấn công các cứ điểm của người Kurd.  “Do đó, nếu không có sự can thiệp của Nga và Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đà tiến. Trong trường hợp ngược lại, tình hình sẽ thay đổi. Chính phủ Syria đã chuyển tải thông điệp rõ ràng rằng nếu được sự hiện diện quân sự tại Afrin họ sẵn sàng bảo vệ khu vực này”, ông Ayham Muhammad nói.

Theo các nhà phân tích, người Kurd cần phải khôn ngoan hơn, chịu lắng nghe hơn và chấp nhận ngồi vào bàn đám phán, bởi giải pháp đang nằm trong tay chính phủ Syria.

Nguy cơ bất ổn tại Thổ Nhĩ Kỳ sau chiến dịch tấn công Afrin

Chiến dịch quân sự “Nhành Oliu” của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd tại Syria  không chỉ vấp phải sự phải đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế mà còn đặt ra những nguy cơ bất ổn về quân sự và chính trị và kinh tế ngay trong lòng quốc gia này.

Cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện hành vi “xâm lược Syria”, đồng thời yêu cầu nước này chấm dứt chiến dịch quân sự nói trên ngay lập tức.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, nước này đã Hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành họp khẩn về vấn đề, đồng thời kêu gọi các bên liên quan dừng mọi hành vi gây hấn tại Afrin, cho phép các cơ quan nhân đạo tiếp cận với người dân trong khu vực. Sau cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sáng 21/1, ông Le Drian nêu rõ: “Pháp đặc biệt quan tâm đến tình hình an ninh tại Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề biên giới và lãnh thổ nước này. Pháp hối thúc nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế hành động gây leo thang căng thẳng để không làm phức tạp thêm tình hình nhân đạo tại nhiều khu vực ở Syria”.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bày tỏ mối lo ngại về tình trạng leo thang bạo lực ở miền Tây Bắc Syria và các hệ quả xấu đe dọa người dân địa phương.  Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho rằng hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đang phá hủy lộ trình chính trị nhằm tìm kiếm hòa bình cho Syri. Ai Cập nhấn mạnh phản đối mạnh mẽ bất cứ giải pháp quân sự nào đối với cuộc khủng hoảng Syria.

Ngoài sự phản đối của cộng đồng quốc tế, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ còn khiến nước này ngày càng xa rời các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và gia tăng nguy cơ đối đầu với Mỹ.

Một nguy cơ khác Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt đó là sự chia rẽ trong nước khi người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ chiếm từ 15% đến 20% dân số.  Đã có hàng loạt cuộc biểu tình bùng phát nhằm phản đối chiến dịch tấn công lực lượng YPG tại Afrin. Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22/1 thông báo, cảnh sát nước này phải sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông người biểu tình trên các đường phố tại thủ đô Ankara và thành phố Istanbul.

tho nhi ky truoc nguy co bung phat noi chien do tan cong afrin hinh 2
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ người biểu tình tại thành phố Istanbul nhằm phản đối cuộc tấn công thành phố Afrin (Syria). Ảnh: Reuters.

Hãng thông tấn Anadolu cho biết, các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành lệnh bắt giữ đối với 17 người phát tán tài liệu phản động nhằm kích động công dân người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ, xúi giục họ tham gia biểu tình.  Nhà chức trách nước này cũng đang điều tra những bài viết đăng tải trên mạng xã hội của một số thành viên thuộc Đảng Dân chủ nhân dân (HDP) của người Kurd, trong đó có ông Ayhan Bilgen, người phát ngôn của Đảng này. Theo Hãng thông tấn Anadolu, Ayhan Bilgen đã đăng tải những lời lẽ khuấy động thù hận, cho rằng chiến dịch “Nhành Oliu” có thế dẫn tới một cuộc nội chiến tại Thổ Nhĩ Kỳ.

“Hành động của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Afrin sẽ đẩy quốc gia rơi vào một cuộc nội chiến mà nếu xảy ra sẽ đặt nền tảng cho một cuộc đảo chính khác”, ông Ayhan Bilgen viết trên trang Twitter.

 Chiến dịch “Nhành Oliu” cũng sẽ cản trở những tiến trình hòa bình tại Syria và một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới. Thành phố Afrin là nơi cư trú của khoảng 800 nghìn người dân. Các vụ bắn phá có thể khiến người dân nơi đây tràn qua biên giới Syria để vào Thổ Nhĩ Kỳ lánh nạn. Những đoàn người di cư lũ lượt kéo tới Thổ Nhĩ Kỳ tất yếu kéo theo các hệ luỵ kinh tế đối với quốc gia này./.

Hồng Anh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *