Mỹ và Taliban hôm 29/2 đã ký một thỏa thuận hòa bình lịch sử tại Thủ đô Doha của Qata, đặt nền móng cho việc chấm dứt cuộc chiến tranh 18 năm hao tiền tốn của Mỹ tại quốc gia Nam Á này.
Bên cạnh những nước lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận này sẽ mang lại hòa bình lâu dài cho Afghanistan, một số khác bày tỏ thận trọng khi cho rằng đây chỉ là một sự khởi đầu cho chặng đường dài khó khăn phía trước.
Với việc ký kết thỏa thuận này, các lực lượng Mỹ tại Afghanistan sẽ tiến hành đợt rút quân đầu tiên, nếu các điều kiện được đáp ứng và tiến tới rút toàn bộ binh sĩ. Như vậy trong trường hợp thuận lợi, với việc Taliban tuân thủ các cam kết trong Thỏa thuận đã ký, quá trình rút toàn bộ quân Mỹ và NATO ra khỏi Afghanistan có thể diễn ra trong vòng 18 tháng, chấm dứt cuộc chiến kéo dài 18 năm của Mỹ ở Afghanistan.
Binh sĩ Mỹ tuần tra tại căn cứ thuộc tỉnh Logar, Afghanistan. (Ảnh: Reuters) |
Đối với hàng triệu người dân Afghanistan, Thỏa thuận này sẽ thắp lên hi vọng về một tương lai hòa bình mà họ khao khát bấy lâu nay. “Chúng tôi hi vọng việc giết hại người dân vô tội sẽ chấm dứt. Một thỏa thuận hòa bình lâu dài được ký kết và người dân Afghanistan sẽ bắt đầu một cuộc sống yên ổn hơn”, một người dân ở Thủ đô Kabul bày tỏ.
Nhiều nước cũng ngay lập tức hoan nghênh thỏa thuận lịch sử này. Tổng thư kí Liên Hợp quốc Antonio Guterres gọi thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng trong việc đạt được một giải pháp chính trị lâu dài tại Afghanistan.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì giảm tình trạng bạo lực trên khắp Afghanistan, hối thúc các bên liên quan tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan, hướng tới một tiến trình hòa bình toàn diện cho quốc gia Nam Á này.
Đang có chuyến thăm tới Kabul, Tổng thư kí NATO Jens Stonltenberg cũng không quên chúc mừng người dân Afghanistan: “Thật vinh dự khi tôi ở đây vào thời điểm bắt đầu một chương mới cho Afghanistan. Tất cả các nước NATO hoan nghênh bước đi hướng đến hòa bình này. Thỏa thuận giữa Mỹ và Afghanistan, giữa Mỹ và Taliban hứa hẹn về việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng chục năm qua”.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng nhấn mạnh, Thỏa thuận lịch sử này sẽ dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và lâu dài cho hòa bình tại Afghanistan, trong khi Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho rằng, thỏa thuận sẽ biến Afghanistan thành vùng đất của hòa bình và thịnh vượng.
Thỏa thuận lịch sử với Taliban lần này có thể là cú hích cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử sắp tới, sau một loạt các vấn đề khác chưa đạt được tiến triển như Triều Tiên, Iran hay Venezuela… Tuy nhiên, con đường để thực hiện thỏa thuận này đối mặt với không ít rào cản, trong đó có khả năng nội bộ Taliban bất đồng chính kiến hay các cuộc đàm phán phức tạp sắp tới giữa các phe phái tại Afghanistan.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng thừa nhận, Thỏa thuận này là một bước đi tích cực, nhưng con đường phía trước sẽ không dễ dàng. Đạt được hòa bình lâu dài cho Afghanistan đòi hỏi sự kiên nhẫn và thỏa hiệp giữa các bên./.
Phạm Hà/VOV1