(kontumtv.vn) – Chuyến thăm Ai Cập của ông Putin có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nước và mở ra hy vọng mới cho các tiến trình hòa bình tại khu vực.

Ngày 10/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã rời thủ đô Cairo, kết thúc chuyến thăm chính thức hai ngày tại Ai Cập.

Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, lễ đón chính thức Tổng thống Putin đã diễn ra trang trọng tại phủ Tổng thống với nghi thức cấp cao dành cho một nguyên thủ quốc gia. Sau đó, hai nhà lãnh đạo cùng tham gia cuộc hội đàm và ký kết một số thỏa thuận hợp tác song phương.

Ông Putin trao quà cho ông al-Sisi (Ảnh BBC)

Cuộc hội đàm đã thảo luận các vấn đề nóng hiện nay tại khu vực và quốc tế, trong đó, hai nhà lãnh đạo cùng lên tiếng ủng hộ một giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Palestine – Israel, sự thống nhất giữa các phe phái ở Libya, cũng như hướng tới một giải pháp hòa bình cho Syria.

Trong lần đối thoại trước (8/2014), về vấn đề Syria, hai bên đã thống nhất tầm quan trọng của đàm phán và điều phối trong khuôn khổ áp dụng hiệp định Geneva II nhằm giúp Syria đạt được một giải pháp chính trị chấm dứt nội chiến và đạt được nguyện vọng của người dân Syria.

Ưu tiên hiện nay cho Syria là ngăn chặn các nhóm Hồi giáo cực đoan đang chống lại chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad, đã vượt ra ngoài lãnh thổ, tràn vào bán đảo Sinai để gây bất ổn cho Ai Cập.

Các nhà lãnh đạo Ai Cập cho rằng, ổn định tình hình chính trị – quân sự tại Syria sẽ là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Gần đây, hai bên đã tổ chức được các cuộc đàm phán cho phe đối lập và một số đại diện của chính quyền Tổng thống al-Assad.

Hai Tổng thống cũng đã thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực thương mại, kinh tế, quốc phòng và đầu tư. Với sự ủng hộ của Nga đối với chính quyền Tổng thống Abdel Fattah Al-Sisi và các chuyến thăm ngoại giao thường xuyên thời gian gần đây, quan hệ kinh tế giữa hai nước đã có nhiều tiến bộ đáng kể.

Trong năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,5 tỷ USD. Hai bên cùng hi vọng kim ngạch song phương sẽ đạt mức 5 tỷ đô la Mỹ trong năm nay. Về lĩnh vực du lịch, Ai Cập là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất đối với du khách Nga, với hơn 3 triệu lượt khách thăm Ai Cập trong năm 2014, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tại cuộc gặp này, hai bên đã thông qua một thỏa thuận hợp tác quan trọng, theo đó Nga sẽ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ai Cập vốn bị trì hoãn từ lâu.

Được biết, nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ được xây dựng tại thành phố Dabaa, ở phía Tây của AAlexandria, trên bờ biển Địa Trung Hải, với công suất dự kiến từ 1.000-1.200 MW.

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng thống Nga Putin khẳng định, Ai Cập sẽ là đối tác tin cậy của Nga và tiếp tục ủng hộ lộ trình chuyển tiếp chính trị tại nước này.

Về phần mình, Tổng thống Ai Cập al-Sisi đánh giá cao mối quan hệ phát triển tốt đẹp hiện nay giữa hai nước, cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga đối với tiến trình chính trị và cuộc chiến chống khủng bố tại Ai Cập.

Theo đánh giá của giới truyền thông khu vực, cuộc gặp thượng định lần này đã đánh dấu bước phát triển rõ ràng hơn trong quan hệ Nga và Ai Cập. Ở cấp độ chính trị – ngoại giao, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Nga đang chịu sức ép rất lớn từ Mỹ và phương Tây về vấn đề Ukraine. Hiện Nga vẫn là quốc gia giữ vai trò quan trọng trong giải quyết vấn đề Syria, đang trở thành cuộc khủng hoảng vượt biên giới, ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia vùng Vịnh và Ai Cập với sự xuất hiện nguy hiểm của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và các mối nguy hiểm thánh chiến cực đoan khác đến từ Libya. Có lẽ vì một trong những lý do đó, hợp tác giữa Nga và Ai Cập trong giải quyết các vấn đề khu vực, bất kể là Syria, Iraq, Libya hay Palestine, đã trở nên cần thiết cho cả hai bên.

Trong bối cảnh phức tạp của tình hình khu vực và thế giới, chuyến thăm Ai Cập của Tổng thống Nga Putin có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên. Về phía Nga, cuộc khủng hoảng kinh tế do giá dầu giảm và việc áp đặt lệnh trừng phạt của phương Tây kéo dài là nguyên nhân khiến Ai Cập trở thành một trong những đối tác quan trọng của Nga về chính trị và kinh tế.

Trong những tháng gầy đây, Tổng thống Putin đã ủng hộ Cairô trong các nỗ lực chống khủng bố. Bên cạnh đó, Nga là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, cũng đang tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với Ai Cập.

Đối với Ai Cập, nước này đánh giá cao sự hỗ trợ của Nga, đặc biệt là các dự án, công trình mang tính biểu tượng như: đập thủy điện Aswan, các nhà máy dệt, xưởng luyện kim, nhiều cơ sở công nghiệp nặng, cũng như việc trang bị cho lực lượng quân đội Ai Cập…

Mặt khác, Cairo rất cần sự cân bằng trong chính sách đối ngoại khi mối quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu giảm sút nhiều sau cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống Morsi hồi tháng 7/2013.

Mối quan hệ giữa Nga và Ai Cập phát triển sẽ đem đến một cơ hội mới nhằm thúc đẩy các tiến trình hòa bình và ổn định ở Trung Đông – Bắc Phi. Saudi Arabia, quốc gia bảo lãnh hàng đầu cho Ai Cập về chính trị và kinh tế sau cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống Morsi, có thể sẽ chấp nhận những bước đi của chính quyền al-Sisi trong giải quyết các vấn đề tại Syria, Iraq, Lebanon và xa hơn nữa trong quan hệ với Iran, nhằm giúp khu vực này sớm ổn định, qua đó ngăn chặn sự lan rộng nguy hiểm của các nhóm hồi giáo khủng bố, cực đoan, điển hình là tổ chức Nhà nước hồi giáo tự xưng ở Syria và Iraq./.

Hồng Quân/VOV- Cairo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *