(kontumtv.vn) – Dòng người di cư đổ về biên giới Mỹ ngày càng gia tăng đã khiến Tổng thống Trump tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với Mexico.

Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới phía nam của Mỹ nếu Mexico không chặn được dòng người di cư và tị nạn đang di chuyển về phía Bắc. Phòng thương mại Mỹ kịch liệt phản đối điều này, nhưng các quan chức chính phủ Mỹ như Kellyanne Conway lại nói rằng đó không phải lời nói đùa.

tong thong trump co dam dong cua bien gioi my-mexico? hinh 1
Số người di cư tới Mỹ tăng đột biến trong tháng 3/2019. Ảnh: Los Angeles Times

“Nếu Mexico không ngay lập tức chặn tất cả người di cư bất hợp pháp tới Mỹ qua biên giới phía Nam, tôi sẽ đóng cửa biên giới, hoặc phần lớn biên giới, trong tuần tới. Điều này Mexico có thể làm được, nhưng họ chỉ lấy tiền của chúng ta và ‘nói suông’. Chúng ta đã mất nhiều tiền cho họ, đặc biệt là khi tính thêm cả vấn đề buôn lậu ma túy, vì thế đóng cửa biên giới là một điều tốt đẹp”, Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter ngày 29/3.

“Mexico phải sử dụng luật di trú mạnh mẽ của họ để ngăn cản hàng nghìn người đang cố tới Mỹ. Các khu vực giam giữ của Mỹ đã sử dụng tối đa và chúng ta sẽ không nhận thêm những người bất hợp pháp nữa. Các bước tiếp theo là đóng cửa biên giới. Điều đó cũng sẽ giúp chúng ta ngăn chặn tình trạng buôn lậu ma túy từ Mexico”, Tổng thống Trump nhắc lại thêm 1 lần nữa trên Twitter ngày 30/3.

Không giải quyết được gốc rễ của vấn đề

Nguyên nhân sự giận dữ của Tổng thống Trump là do số người di cư đã tăng đột biến trong thời gian gần đây, lên tới 10.000 người trong tháng 3, con số cao nhất kể từ năm 2008. Dự báo số người di cư trong năm tài khóa 2019 có thể lên tới 1 triệu người, cao nhất kể từ năm 2000.

Ông Kevin McAleenan, Chủ tịch Ủy ban Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ nói trong một cuộc họp báo ngày 27/3 rằng, Hệ thống di cư của Mỹ đã “tới điểm vỡ”. “CBP đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh biên giới chưa từng thấy dọc biên giới Tây Nam”, ông McAleenen nói, đồng thời dẫn chứng rằng tại El Paso, Texas, các trung tâm xử lý đã phải hoạt động tới 400% công suất.

Hình ảnh các gia đình di cư sống vạ vật dưới gầm cầu, xung quanh là các hàng rào và dây thép gai, đang dấy lên sự phẫn nộ trên truyền thông xã hội. Giới chức Mỹ sáng 1/4 tuyên bố rằng, họ sẽ đóng cửa biên giới. Nhưng điều đó sẽ không khắc phục được việc Mỹ thiếu các cấu trúc phù hợp để tiếp nhận làn sóng người di cư, trong đó có 400.000 trẻ em chỉ riêng trong tháng 3. Theo ông McAleena, sẽ “chỉ là vấn đề thời gian” trước khi thảm kịch xảy ra trong khi thảm kịch này có thể ngăn chặn được.

Phản ứng của chính quyền Mỹ đối với cuộc khủng hoảng di cư này là cắt giảm viện trợ tài chính cho Guatemala, Hondura, và Salvadora, những nước mà Mỹ cho là làm chưa đủ để ngăn chặn dòng người di cư về phía Bắc, đồng thời dọa đóng cửa biên giới Mỹ-Mexico.

Ảnh hưởng tới kinh tế và đi lại của người dân

Đóng cửa biên giới cũng đồng nghĩa với việc trao đổi hàng hóa hợp pháp, việc đi lại hợp pháp của người dân sẽ bị ảnh hưởng.

“Đóng cửa biên giới với Mexico sẽ làm ngắt quãng trao đổi thương mại và di chuyển hợp pháp của người dân Mỹ với cái giá rất lớn, trong khi không thể giải quyết được vấn đề hiện tại. Những người Trung Mỹ ở biên giới đang xin tị nạn, và theo luật của Mỹ, các quan chức vẫn phải lắng nghe đề nghị của họ cho dù biên giới có đóng cửa hay không”, theo Alex Nowrasteh nhà phân tích chính sách di trú cấp cao tại viện Cato.

Mexico là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Mỹ, với hơn 600 tỷ USD hàng hóa trao đổi qua biên giới trong năm 2018. Hoạt động trao đổi hàng hóa diễn ra hàng ngày, trong đó có hàng nghìn xe tải chở hàng đi qua đi lại các cửa khẩu giữa Mỹ và Mexico. Nếu hoạt động này bị ngắt quãng, sẽ để lại hậu quả lớn đối với cả nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế toàn cầu.

“Đóng cửa biên giới cũng sẽ làm tổn hại các doanh nghiệp, công nhân Mỹ cũng như những người di cư hợp pháp mà không chặn được làn sóng người xin tị nạn”, theo ông Nowrasteh.

“Tôi không chắc việc đóng cửa biên giới trên cơ sở “phi khẩn cấp” có thể hiệu quả tới đâu”, Jim Antle, biên tập viên của American Conservative cho biết. “Cho dù bạn coi sự gia tăng của làn sóng nhập cư là tình trạng khẩn cấp thì cũng không thể có một giải pháp nào vừa nhanh chóng mà vừa hiệu quả. Tôi nghĩ cần phải có sự thay đổi sâu sắc trong chính sách mới có thể đem lại hiệu quả về lâu về dài”.

Một cách làm nóng lại cam kết, chuẩn bị tái tranh cử?

Hạn chế nhập cư là một trong những cam kết nổi bật nhất của ông Trump trong cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Và khi lên nắm quyền, ông Trump đã lựa chọn tập trung vào các lĩnh vực có thể dễ dàng đạt được nhất trí với các nghị sỹ đảng Cộng hòa như chính sách thuế và y tế.

Đóng cửa biên giới là những nỗ lực mới nhất của chính quyền Trump nhằm ngăn dòng người di cư. Trước đó, ngày 15/2, Tổng thống Trump đã tuyên bố “Tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến biên giới phía Nam của Mỹ”. Với tuyên bố này, Tổng thống Trump có thể yêu cầu sử dụng hàng tỷ USD trong ngân sách của Bộ Quốc phòng cho việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico.

Quốc hội đã từ chối phân bổ nguồn ngân sách mà ông Trump cần cho kế hoạch xây tường biên giới, và cũng đã bỏ phiếu ngăn chặn sắc lệnh khẩn cấp – một cuộc bỏ phiếu có sự ủng hộ của nhiều 12 nghị sỹ đảng Cộng hòa. Khi nghị quyết được chuyển tới Phòng Bầu dục, Tổng thống đã sử dụng quyền phủ quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.

Dù đưa vấn đề di trú trở lại tâm điểm trong 2 năm tới, khi đếm ngược tới cuộc bầu cử 2020, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ vẫn rơi vào bế tắc với đảng Dân chủ chiếm đa số ở Hạ viện. “Hạ viện sẽ không nhượng bộ ông Trump trong vấn đề người di cư và”, theo ông Antle./.

 
Thùy Linh/VOV.VN
Theo National Interest

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *