(kontumtv.vn) – Sự trỗi dậy của TQ trong lúc cán cân quyền lực khu vực thay đổi nhanh chóng, các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như chiến lược tái cân bằng lực lượng Mỹ tại châu Á đang khiến Ấn Độ Dương trở thành trung tâm cạnh tranh ảnh hưởng chính trị chiến lược mới của các cường quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

 Trên tạp chí The Diplomat số ra mới đây, học giả Darshana Baruah thuộc Quỹ Nghiên cứu nhà quan sát ở New Delhi đã đề cập 4 vị trí chiến lược trong cuộc cạnh tranh địa-chiến lược giữa TQ, Mỹ, Ấn Độ và các đồng minh tại Ấn Độ Dương.

Thế “tiến thoái lưỡng nan” ở Malacca

Bắc Kinh luôn lo ngại về vấn đề đảm bảo an ninh cho các tuyến vận chuyển dầu mỏ và khí đốt của họ từ Trung Đông và châu Phi đi qua Ấn Độ Dương và eo biển Malacca. Điều lo ngại hơn nữa là việc phải phụ thuộc vào các lực lượng Mỹ để duy trì các tuyến thông thương biển (SLOCs) và các vị trí chiến lược dọc theo SLOCs tại Ấn Độ Dương.

TQ, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, dầu mỏ, khí đốt, Biển Đông, Hoa Đông
Bản đồ khu vực eo biển Malacca. Ảnh: welt-atlas.de

Do không có sự hiện diện rõ ràng ở Ấn Độ Dương nên hoạt động nhập khẩu năng lượng của Bắc Kinh dễ bị ảnh hưởng trong trường hợp xảy ra căng thẳng quân sự với New Delhi hoặc Washington.

Cựu Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào từng đề cập tới thế “tiến thoái lưỡng nan eo biển Malacca” và sự cần thiết của việc đảm bảo lợi ích chiến lược và kinh tế của Bắc Kinh trong khu vực. Đối với TQ, cuộc tranh luận về vấn đề eo biển Malacca tập trung vào hai điểm chính: hoặc TQ tìm cách giảm phụ thuộc vào eo biển Malacca, hoặc phải tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương để đảm bảo SLOCs.

Trong nỗ lực đẩy mạnh chiến lược của mình và tránh sự chú ý, Bắc Kinh dựa ngày càng nhiều vào các sáng kiến kinh tế để thắt chặt quan hệ với các quốc đảo nhỏ song có vị trí địa lý mang tính chiến lược ở Ấn Độ Dương.

Điểm chiến lược Kyauckpyu, Myanmar

Kyauckpyu là một thành phố cảng nhỏ ở Myanmar và có khả năng là lời giải cho bài toán “tiến thoái lưỡng nam ở Malacca” của Bắc Kinh. Đối với các nhà hoạch định chính sách ở New Delhi, sự hiện diện của TQ ở Myanmar và vịnh Bengal được coi là mối nguy hiểm cận kề cho Ấn Độ.

Bất chấp quan ngại của Ấn Độ, TQ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tại Myanmar, kết quả là sự hình thành của hai tuyến dẫn dầu và khí đốt nhập khẩu của TQ chạy thẳng từ Ấn Độ Dương mà không phải qua eo biển Malacca.

TQ, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, dầu mỏ, khí đốt, Biển Đông, Hoa Đông
Tuyến dẫn khí đốt của TQ từ Kyauckpyu tới Côn Minh. Ảnh: Reuters

Dự án đầu tiên được cụ thể hoá là tuyến đường ống dẫn khí đốt giữa Kyauckpyu và Côn Minh vào năm 2013. Tuyến đường ống này cho phép Bắc Kinh không cần dùng tới eo biển Malacca và có thể hút năng lượng trực tiếp từ các mỏ khí đốt ngoài khơi Myanmar.

Dự án thứ hai là đường ống dẫn dầu bắt đầu từ đảo Maday ở Kyauckpyu tới tỉnh Vân Nam của TQ. Tuyến đường ống dẫn dầu này bắt đầu bước vận hành đầu tiên vào tháng 1/2015. Tuyến dẫn dầu chạy song song với tuyến dẫn khí đốt, vận chuyển trực tiếp dầu nhập khẩu của TQ từ Tây Á và châu Phi.

Quần đảo Coco

Là một phần của quần đảo Andaman ở Đông Nam Á, đảo Great Coco và Little Coco thuộc sự quản lý của Myanmar. Kể từ đầu những năm 1990, nhiều thông tin cho thấy TQ sử dụng các đảo này vào mục đích quân sự và hải quân. Mặc dù chưa chắc việc TQ có lắp đặt các hệ thống thông tin tình báo trên đảo Great Coco hay không song có nhiều dấu hiệu cho thấy TQ đã xây dựng các đường băng và cơ sở hạ tầng kết nối khác ở quần đảo Coco.

TQ, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, dầu mỏ, khí đốt, Biển Đông, Hoa Đông
Đảo Great Coco. Ảnh: Indian Defense Forum

Việc kiểm soát được quần đảo Coco tại Myanmar có nghĩa là Bắc Kinh có thể tận dụng lợi thế giám sát hải quân Ấn Độ ở cự ly gần. Với việc đầu tư ngày càng nhiều và phát triển quan hệ với Myanmar, TQ sẽ dần hiện diện về mặt quân sự tại quần đảo Coco, dù đó không phải là chuyện “một sớm, một chiều”.

Khi thực sự có được sự hiện diện quân sự ở quần đảo Coco, TQ có thể giám sát các hoạt động hợp tác của hải quân Ấn Độ với hải quân các nước khác trong khu vực.

Tháng 2/2014, TQ tiến hành tập trận hải quân tại eo biển Lombok gần Indonesia, triển khai tàu đổ bộ lớn nhất mang tên Changbaishan, cho thấy khả năng mở rộng ảnh hưởng của hải quân nước này trên các vùng biển ngoài khơi. Ấn Độ, Australia, Mỹ đã phải giám sát chặt chẽ cuộc tập trận này.

Quần đảo Cocos (Keeling)

Cocos (Keeling) là một quần đảo đồng thời là lãnh thổ của Australia trong Ấn Độ Dương, có thể giúp Australia mở rộng khả năng giám sát, phòng không, hàng hải và tiến hành các chiến dịch không kích tại khu vực, có thể trở thành nơi neo đậu “không thể đánh chìm” cho các tàu sân bay và tàu tiếp nhiên liệu.

Do vậy nó đóng vai trò trọng yếu đối với an ninh của Australia và các nước đồng minh của Australia tại Ấn Độ Dương. Tờ The Wall Street Journal số ra tháng 2/2015 cho biết Washington đang tìm cách mở rộng hợp tác hàng hải với Australia và Ấn Độ, nghiên cứu khả năng sử dụng căn cứ và cảng biển của Australia để phục vụ ý đồ tăng cường kiểm soát Ấn Độ Dương.

Hiện diện quân sự của Mỹ tại một căn cứ ngoài Darwin chắc chắn sẽ tăng lên, nhất là khi Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2011 tuyên bố rằng Mỹ sẽ luân chuyển 2.500 lính thủy đánh bộ tới Australia. Như một phần trong chiến lược tái cân bằng lực lượng Mỹ và thắt chặt quan hệ quốc phòng với Canberra để kiềm chế sự trỗi dậy của TQ, sự hiện diện của Mỹ tại Ấn Độ Dương chắc chắn cũng tăng lên.

Võ Giang/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *