(kontumtv.vn) – Theo quan chức quốc phòng Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên sử dụng lần này có tầm bắn xa hơn và có thể mang tải trọng nặng hơn.

The New York Times dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 9/2 cho biết, tên lửa mà Triều Tiên phóng hôm 7/2 có tầm bắn xa hơn và có thể mang tải trọng nặng hơn so với tên lửa mà nước này sử dụng để đưa một vệ tinh vào quỹ đạo hồi năm 2012. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng đã có những bước tiến nhỏ về công nghệ tên lửa của mình.

trieu tien da co tien bo ve cong nghe ten lua? hinh 0
Vụ phóng tên lửa mang vệ tinh của Triều Tiên đã bị nhiều nước lên án.

Việc Triều Tiên phóng vệ tinh hôm 7/2 đã lập tức bị Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác lên án và cáo buộc vụ phóng vệ tinh là vỏ bọc để phát triển công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Theo một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tên lửa đã đưa vệ tinh Kwangmyongsong (Quang Minh tinh) vào quỹ đạo sau 9 phút 29 giây được phóng đi từ bãi phóng Tongchang-ri, phía Tây Bắc Triều Tiên.

Tên lửa mà Triều Tiên sử dụng để phóng vệ tinh lần này được cho là giống tên lửa Unha-3 mà nước này đã sử dụng để phóng vệ tinh năm 2012, tuy nhiên các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho rằng vệ tinh được phóng lần này nặng hơn so với vệ tinh năm 2012.

Phân tích của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chỉ ra rằng, tên lửa mới có thể có tầm bắn tới 12.000km và có thể mang một đầu đạn hạt nhân nặng từ khoảng 440kg đến 520kg, so với tầm bắn khoảng 9.300km của tên lửa Unha-3 mà Triều Tiên sử dụng để phóng vệ tinh năm 2012. Cả 2 loại tên lửa này đều có tầm bắn đủ xa để vươn tới bờ Tây của Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay Triều Tiên vẫn chưa tiến hành vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa nào, đòi hỏi công nghệ cho phép một đầu đạn hạt nhân có thể còn nguyên vẹn khi đi lại vào bầu khí quyển. Hiện cũng không rõ Triều Tiên đã sở hữu công nghệ thu nhỏ một quả bom hạt nhân để có thể gắn vào tên lửa hay chưa.

Vụ phóng năm 2012 đánh dấu nỗ lực thành công đầu tiên của Triều Tiên trong việc đưa một vệ tinh vào quỹ đạo. Tuy nhiên các quan chức Hàn Quốc sau đó đã nói rằng, vệ tinh này đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và Triều Tiên đã mất liên lạc với nó. Các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 9/2 cũng cho rằng, còn quá sớm để nói vệ tinh mà Triều Tiên phóng hôm 7/2 có hoạt động bình thường hay không.

Sau vụ phóng năm 2012, Hàn Quốc đã tiến hành trục vớt các mảnh vỡ của tầng 1 tên lửa mà Triều Tiên sử dụng để phóng vệ tinh và cho biết nhiều thành phần của nó là các bộ phận được mua sẵn từ các nước khác. Các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, tầng 1 của tên lửa mà Triều Tiên sử dụng để phóng vệ tinh hôm 7/2 đã rơi xuống biển Tây của Hàn Quốc, đây có thể là nỗ lực của Triều Tiên để đảm bảo rằng nó không thể được trục vớt và phân tích.

Cũng trong ngày 9/2, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama và với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong đó tái khẳng định quyết tâm của các bên nhằm thúc đẩy các lệnh trừng phạt mới “mạnh mẽ và hiệu quả” đối với Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết./.

Nguyễn Hùng/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *