(kontumtv.vn) – Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức chia sẻ về chuyến thăm của Chủ tịch Kim Jong Un đến Việt Nam và Thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Gắn bó với đất nước Triều Tiên từ năm 1964 khi là một lưu học sinh cho đến khi đảm nhận 3 nhiệm kỳ Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên từ 1970-1996, ông Dương Chính Thức hiểu biết và gắn bó với đất nước này sâu nặng hơn bất kỳ ai khác.

trieu tien qua lang kinh cua nguyen dai su co 30 nam gan bo hinh 1
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức.

Triều Tiên phát triển công-nông nghiệp

“Năm 1964 tôi sang Triều Tiên. Ấn tượng lúc đó của tôi với Triều Tiên là đất nước khác lạ so với Việt Nam, vì khi đó nước ta còn nhiều khó khăn, nhưng tại Triều Tiên, đời sống của họ tương đối đầy đủ. Từ năm 1964, Triều Tiên là nước có nền công nghiệp, nông nghiệp rất phát triển. 1960-1970, Triều Tiên trở thành một nước công nghiệp thực hiện điện khí hóa, hóa học hóa, cơ khí hóa, thủy lợi hóa”, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức chia sẻ.

Từ khi còn là một cậu du học sinh cho tới khi trở thành người đại diện ngoại giao cấp cao nhất của Việt Nam tại Triều Tiên, ấn tượng sâu đậm của ông Dương Chính Thức về đất nước Triều Tiên vẫn là một đất nước có phong cảnh đẹp, giàu tài nguyên khoáng sản và có đầy đủ điều kiện để phát triển kinh tế. Người dân Triều Tiên rất cần cù, chăm chỉ và tình cảm.

Theo ông Dương Chính Thức, Việt Nam và Triều Tiên trước đây còn khó khăn, nhưng tình cảm giữa hai nước là rất thân thiện.

Điều này thể hiện qua hai chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Triều Tiên năm 1957 và Chủ tịch Kim Nhật Thành tới Việt Nam năm 1958. Đây là dấu mốc lớn trong lịch sử ngoại giao giữa hai nước, khẳng định mối quan hệ truyền thống hữu nghị được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành xây dựng và vun đắp.

Chuyến thăm của Chủ tịch Triều Tiên sau hơn 60 năm

Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành từng có 2 chuyến thăm đến Việt Nam, trong đó thăm chính thức năm 1958 và sau đó là năm 1964. Nhớ lại thời gian này, nguyên Đại sứ Dương Chính Thức cho biết, Việt Nam và Triều Tiên thiết lập quan hệ ngoại giao từ 31/1/1950.

Năm 1950, Việt Nam đang trong kháng chiến chống Pháp và năm 1951, Việt Nam có một đoàn cấp cao sang Triều Tiên. Đây cũng thời điểm chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) bùng nổ. Do đó, chuyến thăm của đoàn Việt Nam đã thể tình cảm và sự ủng hộ với người dân Triều Tiên.

trieu tien qua lang kinh cua nguyen dai su co 30 nam gan bo hinh 2
Ông Dương Chính Thức chia sẻ về những kỷ niệm về đất nước Triều Tiên.

Kể từ sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Kim Nhật Thành, đến nay đã là 61 năm, một nhà lãnh đạo cấp cao nhất Triều Tiên – Chủ tịch Kim Jong-un, tới thăm chính thức Việt Nam.

“Tôi nghĩ rằng, khi người đứng đầu Đảng Nhà nước, Triều Tiên khi đi thăm chính thức nước khác đều đánh một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Triều Tiên với nước đó, cụ thể là Việt Nam. Chủ tịch Kim Nhật Thành thăm chính thức Việt Nam năm 1958, đến nay là 61 năm mới có một người đứng đầu Đảng Triều Tiên nữa sang thăm Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế là một nước phát triển và hội nhập. Tôi tin rằng Triều Tiên biết được vị thế của Việt Nam”, ông Dương Chính Thức cho biết.

Nguyên Đại sứ cho rằng, Triều Tiên đang trong quá trình tháo gỡ khó khăn bế tắc bị bao vây cấm vận để xây dựng môi trường hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, do đó, chuyến thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2, có vai trò như chất xúc tác thúc đẩy quá trình tìm kiếm hòa bình giữa Triều Tiên với Mỹ.

“Cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều năm ngoái rất quan trọng. Cuộc gặp đầu tiên phá vỡ tảng băng căng thẳng thù địch nhưng từ đó đến nay tiến triển chưa nhiều. Cuộc gặp tại Hà Nội lần này, cả 2 bên phải tìm được những bước đi cụ thể để thúc đẩy quá trình hòa bình, giảm căng thẳng… Yêu cầu của mỗi bên có thể khác nhau, nhưng mục đích chung là tìm kiếm hòa bình”, ông Dương Chính Thức nhận định.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Hà Nội mang ý nghĩa là tìm kiếm hòa bình, và diễn ra đúng vào dịp Hà Nội kỷ niệm 20 năm được UNESCO vinh danh là Thành phố Hòa bình. Vì vậy, mà hội nghị tổ chức tại Hà Nội càng có ý nghĩa hơn…

“Việc Triều Tiên và Mỹ lựa chọn Việt Nam là địa điểm để gặp lần thứ 2 cho thấy, họ nhìn nhận Việt Nam là nước có vị thế quốc tế. APEC năm 2017 đón rất nhiều nguyên thủ, tạo ấn tượng tốt đẹp cho lãnh đạo các nước đã đến Việt Nam, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nếu Việt Nam tổ chức thành công sự kiện lần này sẽ tạo ấn tượng về sự hữu nghị của Việt Nam không chỉ với riêng Triều Tiên và Mỹ, mà với cả cộng đồng quốc tế. Ưu thế ko chỉ về đối ngoại mà còn là dịp thuận lợi, để quảng bá du lịch đất nước Việt Nam”, nguyên Đại sứ Dương Chính thức nói./.

Hùng Cường, Hoàng Lê/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *