(kontumtv.vn) – Tỷ phú Trump đã hứng chịu rất nhiều chỉ trích sau cuộc tranh luận lần thứ 2 khi tuyên bố sẽ “tống Clinton vào tù” nhưng liệu ông có đáng bị như vậy?

Trump rõ ràng đã đi quá giới hạn

trump co dang bi chi trich du doi vi tuyen bo "tong clinton vao tu"? hinh 0

Lời đe dọa “tống Clinton vào tù” của ông Trump là chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Ảnh: AP
Theo AFP, sau tuyên bố có phần gây sốc của tỷ phú Mỹ, ông Trump bị coi là “nguy hiểm” và “không phù hợp” để trở thành Tổng thống Mỹ. Thậm chí, ông còn bị so sánh với nhiều nhà độc tài trên thế giới.

Theo đó, trong cuộc tranh luận lần thứ 2 với bà Clinton, ông Trump khẳng định: “Nếu tôi giành chiến thắng, tôi sẽ yêu cầu Tổng Chưởng lý tiến hành một vụ xét xử đặc biệt liên quan đến bà bởi chưa bao giờ nước Mỹ lại phải nghe quá nhiều lời lẽ dối trá đến như vậy, quá nhiều sự lừa dối”.

Tuyên bố của ông Trump được cho là nhằm thẳng vào bê bối sử dụng email cá nhân vào việc công của bà Clinton khi bà còn là Ngoại trưởng Mỹ. Trước đó, FBI cũng đã điều tra bê bối này nhưng từ chối đưa bà ra xét xử.

Đáp lại, bà Clinton mỉa mai rằng thật tốt vì “những người có tính khí thất thường như ông Trump không nắm quyền điều hành đất nước”. Ngay lập tức, ông Trump phản báo: “Nếu thế bà đã ngồi tù rồi”.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử của mình, những người ủng hộ ông Trump đã nhiều lần hô vang “Còng tay bà ấy lại! Còng tay bà ấy lại”. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, chưa bao giờ trong lịch sử hiện đại của Mỹ, một ứng viên Tổng thống lại đe dọa bỏ tù đối thủ của mình.

Đảng Dân chủ và Cộng hòa đua nhau chỉ trích Trump

Cựu Tổng Chưởng lý dưới thời Tổng thống Barack Obama Eric Holder ngay lập tức đã chỉ trích dữ dội ông Trump và mô tả ông là người “nguy hiểm” và “không phù hợp” để làm Tổng thống Mỹ.

Theo ông Holder, đã có trường hợp, luật sư hàng đầu của Tổng thống Richard Nixon quyết định từ chức sau khi ông này bị Tổng thống Nixon ra lệnh điều tra một đối thủ chính trị.

Ông Holder nhấn mạnh: “Tại Mỹ, chúng tôi không đe dọa bỏ tù đối thủ chính trị, vậy mà ông Trump nói rằng ông ấy sẽ làm như vậy. Ông ấy đã cam kết lạm dụng quyền hạn của mình khi lên nhậm chức”.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cũng bình luận về lời đe dọa của ông Trump rằng: “Điều này khiến tôi nhớ lại những nền độc tài mà tôi đang nghiên cứu. Thật xấu hổ khi chuyện này lại diễn ra trên đất Mỹ”.

Không chỉ bị đối thủ chỉ trích, ông Trump còn bị chính “người nhà” trong Đảng Cộng hòa lên án. Người phát ngôn của Cựu Tổng thống George W. Bush, Ari Fleischer nhấn mạnh: “Một ứng cử viên giành chiến thắng sẽ không đe dọa bỏ tù đối thủ của mình. Các Tổng thống cũng không đe dọa xét xử những cá nhân mà mình không ưa. Rõ ràng ông Trump đã sai khi làm như vậy”.

Người viết diễn văn cho ông Bush, David Frum thì khẳng định: “Liệu ai dám trở thành Tổng Chưởng lý làm việc dưới quyền một Tổng thống luôn tin rằng ông có thể ra lệnh xét xử đối thủ chính trị của mình?”.

Nhưng Clinton có hoàn toàn vô can?

Dù vậy, một câu hỏi được đặt ra là tại sao ông Trump vẫn quyết xoáy sâu vào bê bối dùng email cá nhân vào việc công của bà Clinton và liệu bà Clinton có hoàn toàn vô can trong vụ bê bối này.

Ban đầu, bà Clinton muốn “dẹp yên dư luận” khi nói với các phóng viên rằng bà không vi phạm bất kỳ nguyên tắc nào khi sử dụng máy chủ cá nhân của bà đặt tại nhà riêng ở New York để làm việc công.

Tuy nhiên, điều này không khiến những người chỉ trích bà Clinton thỏa mãn, đặc biệt là khi bà tuyên bố rằng, bà và các nhân viên của bà đã xóa tới một nửa số email trong vụ việc này với lý do “những email này không liên quan đến công việc của bà” trước khi chuyển số còn lại cho Bộ Ngoại giao.

Khi giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ xem xét số email còn lại trước khi công bố ra công chúng, họ phát hiện ra nhiều thông tin trong đó là thông tin mật dù bà Clinton khẳng định rằng, bà đã đóng dấu mật vào những email này trước khi gửi đi.

Tuy nhiên, các quan chức tình báo Mỹ không mấy bị thuyết phục với câu trả lời này của bà Clinton. Theo họ, bà và các nhân viên của bà lẽ ra phải hiểu rằng, những thông tin này không được phép gửi sang các máy chủ và email cá nhân.

Dù sau gần một năm điều tra, Giám đốc FBI James B. Comey khẳng định, bà Clinton và nhân viên của bà không bị đối mặt với những cáo buộc hình sự nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy bà Clinton không hẳn vô can trong vụ này.

Các nhân viên của FBI đã phát hiện ra 110 email chứa các thông tin được đánh dấu mật đã bị bà Clinton gửi đi, trong đó có tới 8 email được đánh dấu tối mật, mức cao nhất trong các cấp độ phân loại thông tin của Mỹ.

Ngoài ra, FBI cũng tìm ra một số email liên quan đến công việc mà bà Clinton và nhóm cộng sự của bà không chịu chuyển cho họ dù trước đó bà khẳng định, chỉ xóa đi những email cá nhân.

Không những thế, thái độ của bà Clinton cũng khiến nhiều người không khỏi hoài nghi rằng có điều gì khuất tất trong vụ bê bối này. Ban đầu, bà Clinton tuyên bố sẽ không đưa ra lời xin lỗi vì “Tôi chỉ làm những gì được phép làm”.

Tuy nhiên, sau đó, bà lại tỏ ra hối tiếc trong cuộc tranh luận lần thứ 2 với ông Trump: “Đó là một sai lầm. Tôi xin lỗi vì điều đó và xin nhận trách nhiệm về những gì tôi đã làm”./.

Trần Khánh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *