(kontumtv.vn) – Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có nhiều hàm ý sâu xa đối với trật tự thế giới.

Nhận định trên vừa được tạp chí The Nation đưa ra. Theo báo này, giữa lúc thế giới chú ý đến mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên… thì có một sự kình địch cường quốc đang diễn ra lặng lẽ ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cụ thể, hải quân của Mỹ và Trung Quốc đang âm thầm bố trí tàu chiến và thiết lập các căn cứ.

Trung Quốc,hải quân Trung Quốc,Mỹ,hải quân Mỹ,cường quốc hải quân
Lính Trung Quốc đứng trên boong tàu hải quân nước này ở Karachi, Pakistan, ngày 9/2/2017. (Ảnh: Reuters)

Sự suy yếu của Mỹ

Xung đột, chiến dịch quân sự và hợp tác… đã mang lại cho Mỹ hàng trăm căn cứ trên toàn thế giới.

Năm 1947, Philippines ký Thỏa thuận Các căn cứ quân sự, cho Mỹ một hợp đồng thuê 23 cơ sở quân sự trong 99 năm. Sau Thế chiến 2, Mỹ có một loạt cơ sở quân sự trải rộng từ căn cứ không quân Misawa ở miền bắc tới căn cứ hải quân Sasebo ở miền nam Nhật Bản. Với địa thế chiến lược, đảo Okinawa có 32 cơ sở quân sự Mỹ hoạt động, bao phủ khoảng 20% diện tích toàn vùng.

Khi Chiến tranh Lạnh lan tới châu Á năm 1951, Washington hoàn tất nhiều hiệp ước phòng thủ chung với Nhật, Hàn Quốc, Philippines, và Australia, biến bờ biển Thái Bình Dương thành nơi neo đậu phía đông cho sự thống trị chiến lược đối với lục địa Á – Âu.

Washington đã đạt tới vị thế đế quốc khổng lồ chưa từng có tiền lệ khi kiểm soát tất cả các điểm trục chiến lược ở cả hai đầu Á-Âu.

Sau Chiến tranh Lạnh, giới tinh hoa ở Washington tiếp tục say sưa với vai trò là lãnh đạo siêu cường duy nhất thế giới. Nhưng cựu Cố vấn An ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski cảnh báo rằng người Mỹ chỉ có thể duy trì sức mạnh toàn cầu chừng nào điểm kết phía đông của lục địa Á-Âu không hợp nhất theo hướng buộc Mỹ phải ra khỏi các căn cứ ngoài khơi của mình.

Nói cách khác, ông cho rằng “một đối thủ tiềm tàng của Mỹ có thể nổi lên vào một thời điểm nào đó”.

Các căn cứ ngoài khơi của Mỹ bắt đầu suy yếu từ năm 1991 khi Philippines từ chối gia hạn hợp đồng cho Mỹ thuê căn cứ Hạm đội số 7 ở Vịnh Subic. Philippines tự đảm đương trách nhiệm quốc phòng mà không cần rót thêm ngân quỹ cho hải quân và không quân.

Từ năm 1990 tới 1996, Mỹ còn hứng chịu sự cắt giảm tới 40% số lượng tàu chiến mặt nước và tàu ngầm tấn công. Trong hai thập niên tiếp đó, vị thế của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương càng yếu thêm vì trọng tâm triển khai hải quân chuyển sang các cuộc chiến ở Trung Đông. Quy mô tổng thể giảm thêm 20% (xuống chỉ còn 271 tàu) và các thủy thủ đoàn chịu áp lực triển khai rất lớn – khiến Hạm đội 7 không được chuẩn bị đầy đủ để đối chọi với thách thức bất ngờ của Trung Quốc.

Trung Quốc trỗi dậy

Sau nhiều năm im ắng, một loạt hành động gần đây của Trung Quốc ở Trung Á và các vùng biển để lộ một chiến lược hai giai đoạn mà nếu thành công sẽ cắt đứt sự duy trì sức mạnh toàn cầu của Mỹ.

Thứ nhất, Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào các hệ thống đường sắt, cao tốc… nhằm khai thác các nguồn lực dồi dào của Á – Âu, làm động cơ kinh tế đẩy nước này lên vị thế cường quốc thế giới. Đồng thời, Trung Quốc tạo dựng một lực lượng hải quân viễn dương, thiết lập các căn cứ hải ngoại đầu tiên ở Thái Bình dương và Biển Ảrập.

Năm 2015, Bắc Kinh tuyên bố trong sách trắng: “Phải từ bỏ tư tưởng xưa nay rằng đất đai quan trọng hơn biển… Trung Quốc cần phải phát triển một cơ cấu sức mạnh quân sự trên biển hiện đại tương xứng với an ninh quốc gia của mình”. Và dù khó cạnh tranh với Mỹ, Bắc Kinh vẫn tỏ ra quyết tâm thống trị một vùng nước lớn quanh châu Á, từ Vùng Sừng châu Phi vươn qua Ấn Độ Dương, tới Triều Tiên.

Nỗ lực lập căn cứ ở nước ngoài của Trung Quốc bắt đầu thầm lặng vào năm 2011, khi nước này đầu tư hơn 250 triệu USD biến một làng chài ở Gwadar, Pakistan, thành một thương cảng hiện đại. Bốn năm sau, Trung Quốc cam kết chi 46 tỷ USD xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan gồm các tuyến đường bộ, đường sắt và ống dẫn dấu trải dài 3.200km dặm từ phía tây Trung Quốc tới cảng mới ở Gwadar.

Bắc Kinh tránh thừa nhận các mục tiêu quân sự của mình nhưng vào năm 2016, Hải quân Pakistan thông báo đang mở căn cứ hải quân ở Gwadar và tuyên bố Bắc Kinh được chào đón đặt tàu chiến tại đây.

Cùng năm, Bắc Kinh bắt đầu xây một cơ sở quân sự lớn ở Djibouti, Vùng Sừng Châu Phi, và tháng 8/2017, khai trương căn cứ hải ngoại chính thức đầu tiên ở đó, cho phép hải quân Trung Quốc tiếp cận với Biển Ảrập nhiều dầu lửa. Sri Lanka, ngoài khơi Ấn Độ Dương, đã dàn xếp được khoản nợ tỷ đô với Trung Quốc bằng cách nhượng cảng chiến lược ở Hambantota.

Từ tháng 4/2014, Bắc Kinh leo thang giành quyền kiểm soát độc quyền Biển Đông bằng cách mở rộng căn cứ Longpo ở Hải Nam thành cảng nhà cho các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Trung Quốc cũng ngấm ngầm xây dựng phi pháp loạt đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhằm tạo ra các sân bay quân sự và điểm neo đậu tương lai.

Theo tạp chí The Nation, Bắc Kinh hy vọng một ngày nào đó có thể “chiếu tướng ” Washington bằng một đội tàu sân bay hiện đại.

Sau khi có tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh năm 2012, Trung Quốc đã đóng xong tàu sân bay thứ 2 hiện đại hơn, đủ sức phục vụ các hoạt động chiến đấu toàn diện. Tàu sân bay thứ 3 dự kiến hạ thủy vào năm tới của Trung Quốc có năng lực di chuyển xa hơn, mang theo nhiều máy bay hơn và hệ thống phóng nhanh hơn.

Thanh Hảo/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *