(kontumtv.vn)- Tranh chấp trên Biển Đông mang lại cho Trung Quốc nhiều mối lợi và cũng là cơ hội để nước này phô trương sức mạnh quân sự với Mỹ.

Báo cáo hàng năm của Quốc hội Mỹ về sức mạnh của Trung Quốc nhận định Trung Quốc đã có sự “nhảy vọt” trong những tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông thời gian qua nhằm khống chế tuyến đường biển quan trọng có khối lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD đi qua mỗi năm.

Ảnh vệ tinh chụp đảo trái phép mà Trung Quốc tự tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa (ảnh: AFP)

Tuy nhiên, theo Washington Post mục đích của việc ráo riết xây đảo, xua đuổi máy bay tàu thuyền ở quần đảo Trường Sa không đơn giản chỉ vì mối lợi tài nguyên, lòng tự tôn dân tộc hay chạy đua vũ trang khu vực mà sâu xa vẫn là muốn đọ sức với Mỹ để đòi hòi quyền lợi cân bằng.

Phô bày năng lực hải quân

Wall Street Journal công bố Báo cáo tháng 4 của Văn phòng Tình báo Hải Quân Mỹ khảo sát năng lực của hải quân Trung Quốc, cho thấy quy mô hải lực Bắc Kinh được đánh giá ở mức “khổng lồ” so với các nước láng giềng trong khu vực.

Trong nhiều thập kỷ tăng trưởng hai con số về chi tiêu quân sự, Hải quân Trung Quốc chủ yếu tập trung vào mục tiêu thống trị khu vực và ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào liên quan đến Đài Loan, Biển Đông và biển Hoa Đông – nơi Bắc Kinh đang tranh chấp biển đảo và các nguồn tài nguyên biển với một số nước Đông Nam Á và Nhật Bản.

Lực lượng bảo vệ bờ biển và thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc hiện có quy mô lớn hơn cả Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Philippines cộng lại. Trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2015, lực lượng bảo vệ bờ biển nước này biên chế thêm 50 tàu mới, nâng số lượng tàu trong hạm đội lên 25%.

Giai đoạn 2013 – 2014, Trung Quốc triển khai nhiều tàu chiến hơn bất kỳ quốc gia nào. Xu hướng này dự kiến tiếp diễn trong giai đoạn 2015 – 2016.

Phạm vi hoạt động của tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống hạm của Trung Quốc ngày càng được nâng cao.

Nhà máy đóng tàu ở Thượng Hải mỗi năm sản xuất 2 chiếc tàu khu trục Type 052C Luyang II. Thêm vào đó, Luyang III lớp tàu khu trục mới nhất của Bắc Kinh, còn được trang bị cả tên lửa hành trình siêu thanh YJ-18. Theo chuyên gia Andrew Erickson, Đại học Hải quân Mỹ “tên lửa Trung Quốc có khả năng đặt ra thách thức an ninh chưa từng có đối với hệ thống phòng không của Mỹ”.

Trung Quốc hiện sở hữu 5 tàu ngầm hạt nhân tấn công, 4 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo và 57 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel. Đến năm 2020, số lượng tàu ngầm dự kiến tăng lên hơn 70 chiếc.

Hải quân sẽ sớm đảm nhận vai trò trung tâm trong thế răn đe hạt nhân của Bắc Kinh khi lực lượng này có thể triển khai hệ thống tên lửa liên lục địa cùng tàu ngầm tuần tra tên lửa đạn đạo.

Cuộc đua tàu ngầm hạt nhân

Bản phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc mới đây đã xác nhận rằng Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ hải quân mới ở đảo Hải Nam, có thể nhằm phục vụ cho đội tàu ngầm được trang bị hỏa tiễn đạn đạo, mở đường cho Hải quân Trung Quốc án ngữ và khống chế các tuyến hàng hải quốc tế chủ chốt tại khu vực biển này.

Tàu ngầm hạt nhân Type 091 và 092 của Trung Quốc (ảnh: SMP)

Nhờ cải thiện khả năng kiểm soát và tiếp nhiên liệu trên không cho không lực, hải quân Trung Quốc hiện nay có thể mở rộng các hoạt động trên không ở vùng Biển Đông.

Washington Post nhấn mạnh điểm đáng chú ý là Trung Quốc hiện có nhiều căn cứ tàu ngầm hạt nhân trên đảo Hải Nam, trong đó 4 chiếc được trang bị tên lửa đạn đạo.

Vấn đề của Trung Quốc là nước này có đường bờ biển hẹp. Về địa lý, Trung Quốc giáp vùng biển Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông. Có nghĩa là lối ra Thái Bình Dương của Trung Quốc phải thông qua eo biển tương đối hẹp được bao quanh bởi Nhật Bản, Philippines, Singapore, Malaysia hay Indonesia. Nhiều nước trong số này có mối quan hệ thân thiết với Mỹ cũng như thường tổ chức tập trận chung tại những khu vực biển này. Điều này khiến Trung Quốc “khó chịu”.

Chuyên gia Brad Glosserman, văn phòng Honolulu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định rằng một trong những lý do Trung Quốc đang thúc đẩy tuyên bố chủ quyền với hầu hết các bãi đá, hòn đảo trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối gay gắt của các nước láng giềng như Việt Nam và Philippines – là mong muốn đẩy Hải quân Mỹ ra khỏi khu vực.

Trung Quốc “quan ngại nhất” về việc tình báo Mỹ thu thập thông tin tại Biển Đông. Nếu Bắc Kinh có thể đẩy các tàu, máy bay do thám đó ra xa bằng cách tạo lập chủ quyền với hầu hết Biển Đông, bất chấp phản ứng từ các nước láng giềng, theo ông Glosserman, thì điều này sẽ giúp các tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng tiến ra Thái Bình Dương, mà không cần phải đề cập nhiều tới việc này.

Thực tế, ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang có chiến lược phát triển tàu ngầm hạt nhân và xem đó như một công cụ răn đe một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Các tàu ngầm Trung Quốc về thực tế không có giá trị gì nếu xảy ra tranh chấp với các nước láng giềng như Việt Nam hay Philippines, nhưng lại có ý nghĩa trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công từ Mỹ.

Nhà phân tích Tong Zhao, Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc muốn xây dựng Biển Đông thành một pháo đài để phát triển tàu ngầm hạt nhân và mọi thứ dường như đang diễn biến theo chiều hướng như vậy./.

Ngân Giang/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *