(kontumtv.vn) – Khảo sát mới công bố gần đây cho biết, tại các quốc gia đã gia nhập EU từ lâu như là Pháp, Đức, Anh, tỷ lệ người phản đối EU bắt đầu tăng lên.

Ngày 23/6, người dân Anh đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân gây nín thở toàn châu Âu. Với tỷ lệ người quay sang ủng hộ Brexit (ra khỏi EU) có phần tăng, cùng loạt sự kiện ở các quốc gia khác, thấy rõ sức hút của EU – mô hình mơ ước về nhất thể hóa bấy lâu nay- giờ đã giảm sút mạnh.

truoc them trung cau y dan o anh: vi sao eu khong con hap dan? hinh 0
Ảnh minh họa: AP.

Khảo sát mới công bố gần đây cho biết, tại các quốc gia đã gia nhập EU từ lâu và người dân vốn khá “yêu quý” EU, tỷ lệ người phản đối EU bắt đầu tăng lên.

Tại Pháp, tỷ lệ này tăng lên 38% trong vòng 1 năm qua, trong khi số người ủng hộ EU giảm khoảng 17%. Tại 10 quốc gia được khảo sát, hầu hết tỷ lệ người dân hoài nghi về những lợi ích của việc ở lại khối EU thường cao hơn so với tỷ lệ được ghi nhận tại Pháp.

Thậm chí, ở một số quốc gia giàu có và là thành viên lâu đời của EU như Đức, tỷ lệ người ủng hộ EU cũng chỉ không quá 50% và đang có xu hướng giảm.

Hoài nghi về giá trị và lợi ích của EU

Việc người dân các nước EU phản đối chính Liên minh này và tỏ ý hoài nghi về các giá trị của Liên minh thực ra đã tồn tại từ rất lâu, ngay từ thời điểm mà EU thực hiện việc nhất thể hóa các thể chế, xóa bỏ các đường biên giới quốc gia. Ngay khi đó thì ở nhiều quốc gia đã có những tiếng nói cho rằng việc này sẽ khiến các quốc gia thành viên đánh mất chủ quyền và phải chịu sự lệ thuộc vào Brussels.

Ví dụ điển hình cho sự hoài nghi này là việc người dân Pháp bỏ phiếu phản đối bản Hiến pháp chung châu Âu năm 2005, dù sau đó chính quyền Pháp vẫn tìm cách thông qua.

Tuy nhiên, sự hoài nghi về các lợi ích và giá trị của EU đặc biệt tăng mạnh trong những năm trở lại đây, kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ công bùng phát ở châu Âu năm 2008 và kéo dài cho đến tận ngày nay.

Cuộc khủng hoảng kinh tế được xem là nghiêm trọng nhất với châu Âu kể từ Thế chiến II đến nay làm đổ vỡ hình ảnh của một châu lục an bình, thịnh vượng, về một hình ảnh hội nhập khu vực thành công đáng mơ ước. Từ khủng hoảng kinh tế kéo sang khủng hoảng xã hội, an ninh và đối ngoại.

Tại nhiều nước châu Âu, kể cả ở những nước đầu tàu như Pháp, Đức, Anh… các đảng bài châu Âu nổi lên rất mạnh, như Mặt trận quốc gia ở Pháp, AfD ở Đức hay UKIP ở Anh. Các đảng này khoét sâu vào tâm lý thất vọng, chán chường của cử tri trước tình hình kinh tế khó khăn để giành chỗ đứng trên chính trường. Và vòng quay này cứ lặp lại, sự nổi lên của những đảng này càng khiến nhiều người bị cuốn hút theo và càng ngày càng hoài nghi về các giá trị của Liên minh châu Âu.

Vì sao EU không còn hấp dẫn ?

Sức hấp dẫn lớn nhất của EU là một mô hình kinh tế thịnh vượng, một cộng đồng hòa bình và liên kết chặt chẽ. Vì thế, khi tất cả những điều này mất đi hoặc bị suy giảm thì đương nhiên sức hấp dẫn của EU bị giảm sút nghiêm trọng.

Về kinh tế, hầu như tất cả các thành viên EU đều gặp khủng hoảng ở các mức độ khác nhau trong những năm qua, kể các nền kinh tế lớn như Đức, Pháp hay Italy.

truoc them trung cau y dan o anh: vi sao eu khong con hap dan? hinh 3
Cử tri Anh sẽ đứng trước lựa chọn quan trọng đi hay ở lại EU

Về mặt thể chế, ngày càng có nhiều tiếng nói chỉ trích gay gắt cách điều hành của Ủy ban châu Âu ở Brussels và sự thụ động của những thiết chế khác như Nghị viện châu Âu… trước các vấn đề lớn của khối như nợ công Hy Lạp và đặc biệt là vụ khủng hoảng người tị nạn trong 2 năm qua.

Cách thức xử lý bị động và không có phương hướng rõ ràng của Brussels về khủng hoảng tị nạn, cuộc khủng hoảng được coi là thách thức lớn nhất với khối này từ khi thành lập, khiến các nước thành viên EU chia rẽ nghiêm trọng.

Có thể ví dụ các nước như Hungary, Áo, CH Czech, Ba Lan… hầu như đã tự làm theo ý mình mà bỏ mặc các quyết định chung của khối nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trước làn sóng tị nạn. EU trong những thời điểm đó gần như đã tan vỡ, không còn là một tổ chức khu vực được đánh giá là liên kết chặt chẽ nhất thế giới như trước.

truoc them trung cau y dan o anh: vi sao eu khong con hap dan? hinh 4
Anh sẽ ra đi hay ở lại EU

Tiếp đến, môi trường hòa bình và an ninh trong khu vực cũng suy giảm mạnh sau các sự kiện như khủng hoảng Ukraina hay các vụ khủng bố ở Paris, Brussels.

Ở khủng hoảng Ukraine, nhiều người được chứng kiến một EU yếu ớt, chậm chạp về đối ngoại và việc EU gần như bỏ rơi Ukraina sau đó khiến sức hút của khối này bị tổn hại rất lớn. Còn các vụ khủng bố ở giữa trung tâm châu Âu cho thấy về mặt an ninh, EU chưa thể bảo vệ được các thành viên của mình một cách hữu hiệu và mỗi quốc gia vẫn cần phải tự làm việc đó. Đó cũng là lí do khiến hình ảnh về một “siêu quốc gia thịnh vượng, an bình” của EU bị sứt mẻ rất nhiều./.

Thùy Vân/VOV-Paris

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *