(kontumtv.vn) – Khi Triều Tiên đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 đầu tiên, tình trạng thiếu cơ sở vật chất và nguồn lực y tế đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với chương trình tiêm chủng ở quốc gia Đông Bắc Á này.

Chú thích ảnh
Hiệu thuốc ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: Kyodo 

Theo hãng tin Reuters (Anh), giới chuyên gia lo ngại chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 25 triệu dân của Triều Tiên sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản, bất chấp có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc cho biết Bình Nhưỡng vẫn chưa phản hồi lời đề nghị viện trợ từ Seoul và các chương trình chia sẻ vaccine quốc tế.

Tuy nhiên, ông Moon Jin-soo, Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe và Thống nhất tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết nếu Triều Tiên được viện trợ 2 loại vaccine phòng COVID-19 Moderna và Pfizer do Mỹ phát triển, nước này sẽ cần trang bị thêm nhiều cơ sở vật chất cần thiết khác để bảo quản vaccine. Ông giải thích rằng: “Vaccine Moderna và Pfizer yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ thấp, điều mà Triều Tiên không có. Do đó, nước này sẽ cần hàng tấn thiết bị bổ sung để sử dụng chúng cho chương trình tiêm chủng”.

Trong khi đó, vaccine Sinovac của Trung Quốc hoặc AstraZeneca do Anh –Thụy Điển chế tạo chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường.

Hồi tháng 3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã miễn trừng phạt cho Triều Tiên để vận chuyển thiết bị dây chuyền bảo quản lạnh nhằm hỗ trợ tiêm chủng của nước này. Thiết bị bao gồm 3 phòng lạnh không cửa ngăn để lưu trữ vaccine thông thường. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ những thiết bị này đã được chuyển đến Triều Tiên chưa khi biên giới bị hạn chế nghiêm ngặt.

“Triều Tiên cần một hệ thống và các chuyên gia y tế được đào tạo bài bản để phân phối vaccine và triển khai tiêm chủng cho người dân. Tôi nghĩ rằng Triều Tiên đảm bảo được điều đó”, ông Jacob Lee, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Hally, Hàn Quốc, nhận định.

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Triều Tiên đã triển khai chương trình tiêm chủng phòng các bệnh cho trẻ em, như bệnh lao, với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế. Nhưng các cơ quan viện trợ của Liên hợp quốc và hầu hết các tổ chức cứu trợ khác đã rút khỏi quốc gia này trong bối cảnh biên giới bị đóng cửa trong thời gian dài.

Hôm 17/5, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin cho biết ông sẽ đề nghị Washington miễn trừ các lệnh trừng phạt để gửi các thiết bị y tế cần thiết cho Triều Tiên, nếu họ yêu cầu.

Ông Shin Young-jeon, giáo sư tại Đại học Y khoa Hanyang ở Seoul, cho biết: “Điều quan trọng nhất là tốc độ triển khai chiến dịch tiêm chủng. Virus đã lây lan nhanh chóng, nếu không được tiêm phòng nhanh chóng và xây dựng khả năng miễn dịch, số người tử vong có thể tăng đến mức không thể kiểm soát”.

Theo thống kê gần đây của Liên hợp quốc, Triều Tiên là một trong hai quốc gia duy nhất trên thế giới chưa triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Cho đến tuần trước, nước này vẫn khẳng định “sạch bóng” COVID-19.

Giờ đây, khi làn sóng Omircron bùng phát, Bình Nhưỡng đang huy động mọi nguồn lực, bao gồm cả lực lượng quân đội và tiến hành chiến dịch thông tin công khai để đối phó đợt bùng phát “dịch sốt”. Hôm 18/5, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này đã điều động lực lượng quân y đông đảo để cải thiện quá trình cung cấp thuốc men ở thủ đô Bình Nhưỡng, tâm điểm của đợt bùng phát. Lực lượng này có nhiệm vụ xử lý cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng đang diễn ra ở thủ đô.

Do thiếu vaccine, truyền thông nhà nước khuyến khích bệnh nhân sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt như ibuprofen, amoxicillin và các loại thuốc kháng sinh khác để điều trị các ca bệnh “sốt”. Những loại thuốc này không có tác dụng kháng virus nhưng đôi khi được kê đơn cho các trường hợp nhiễm khuẩn thứ phát.

Theo thông tin từ cơ quan phòng chống dịch bệnh khẩn cấp Triều Tiên, tính đến hết ngày 17/5, nước này đã ghi nhân thêm hơn 232.880 người có triệu chứng sốt, nâng tổng số người bị sốt kể từ cuối tháng 4 lên 1.715.950 người. Trong số đó, đã có hơn 1.024.720 bệnh nhân bình phục và vẫn còn ít nhất 691.170 người đang được điều trị. Nước này cũng ghi nhận thêm 6 ca tử vong liên quan dịch bệnh này, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi lên 62 người.

Hải Vân/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *