(kontumtv.vn) – Bà Yingluck chắc chắn sẽ không dễ dàng từ nhiệm trước sức ép ngày một gia tăng của lực lượng biểu tình.

Các cuộc biểu tình chống Chính phủ kéo dài nhiều tháng qua ở Thái Lan cuối cùng đã lại quay trở lại thành những vụ bạo động đẫm máu. Một lần nữa nền dân chủ của đất nước được mệnh danh là “vùng đất của những nụ cười” lại đắm chìm trong âm thanh của tiếng súng, các vụ nổ và bạo loạn.

Thủ tướng tạm quyền Thái Lan, Yingluck Shinawatra đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức (Ảnh: top2best)

Theo nhận định của giới phân tích, mọi việc đang diễn ra theo chiều hướng giống với kịch bản mà anh trai bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra từng phải đối mặt.

Bế tắc chính trị kéo dài làm tê liệt nhiều quận trung tâm ở thủ đô Bangkok khiến nền kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khó khăn và bế tắc, liệu bà Yingluck có chấp nhận từ nhiệm để giải quyết tình trạng hiện nay?

Phán quyết mới nhất của Tòa án Dân sự Thái Lan tiếp tục duy trì Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trong khi cấm Chính phủ sử dụng vũ lực để giải tán lực lượng biểu tình thuộc Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) – những người đã chiếm giữ một số khu vực trung tâm ở Bangkok không khiến nhiều người bất ngờ.

Tòa án Dân sự giải thích lý do đưa ra phán quyết nêu trên là vì, cuộc biểu tình của ông Suthep đã được Tòa án Hiến pháp phán quyết là cuộc biểu tình hòa bình, phi bạo lực. Phán quyết này của Tòa án Dân sự tuy nhằm mục đích ngăn ngừa đụng độ bạo lực; song cũng phần nào hạn chế hoạt động của lực lượng cảnh sát trong việc kiểm soát biểu tình.

Phán quyết này cùng với một loại các quyết định quan trọng khác, chẳng hạn như của Ủy ban chống tham nhũng quốc gia và Ủy ban nhân quyền quốc gia khiến cho sức ép ngày càng đè nặng lên đôi vai của nữ Thủ tướng tạm quyền.

Sai lầm trong chính sách

Bà Yingluck không có trong tay đủ sức mạnh cần thiết vì bà đang điều hành một chính phủ lâm thời có quyền lực hạn chế. Có thể nói, sai lầm của bà Yingluck bắt nguồn từ việc Chính phủ dự định thông qua một luật ân xá có thể mở đường cho sự trở về của anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – cái gai trong mắt phe áo Vàng ở Thái Lan.

Ngay cả chương trình trợ giá cho nông dân qua việc mua lại gạo của họ với giá cao hơn giá thị trường đến 50% là một trong những yếu tố giúp cho bà Yingluck Shinawatra giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011 hiện cũng đang bị đặt một dấu hỏi lớn.

Máu đã đổ trên đường phố sau vụ đụng độ giữa cảnh sát Thái Lan và người biểu tình hôm 18/2 (Ảnh: EPA)

Những người biểu tình chống Chính phủ cho rằng, chương trình trợ giá đã dẫn đến tình trạng tham nhũng, gây thâm hụt tài chính công, làm cho Thái Lan mất vị trí quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới trong khi số gạo tồn kho lên tới 18 triệu tấn.

Ông Ammar Simawalla thuộc Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan nói: “Ngành Sản xuất gạo Thái Lan, xét về mặt tổng thể, đã bị sụp đổ và uy tín của Thái Lan trên thị trường thế giới, với tư cách là nhà cung ứng đáng tin cậy về gạo có chất lượng đã tan biến”. Theo dự báo, trong năm 2014, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 7,5 triệu tấn, giảm 30% so với năm 2011.

Khó khăn chồng chất khó khăn, tình trạng bất bình đã lan sang cả nông dân trồng lúa. Liên tiếp trong thời gian gần đây, những người nông dân đã kéo về Bangkok đòi Chính phủ thanh toán số tiền còn thiếu từ nhiều tháng qua.

Bà Yingluck có thể xoa dịu tầng lớp nông dân vốn dành sự ủng hộ cho bà qua việc thanh toán tiền cho họ, nhưng vấn đề đặt ra chính là Chính phủ lâm thời không thể giải ngân do quyền lực bị hạn chế.

Trong một động thái nhằm trấn an những người nông dân hiện đang bị ảnh hưởng vì chương trình trợ giá thu mua gạo, bà Yingluck đã xuất hiện trên truyền hình để khẳng định rằng, chương trình trợ giá thu mua là một chính sách tốt và trên thực tế đã giúp ích rất nhiều trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Bà Yingluck cũng cho rằng, việc Chính phủ hiện không thể chi trả tiền cho người nông dân là do các đối thủ chính trị của bà gây áp lực lên các ngân hàng để họ không cho vay tiền thực hiện chương trình này. Bà Yingluck phủ nhận cáo buộc cho rằng nguyên nhân của tình trạng chậm chi trả tiền cho nông dân bắt nguồn từ Chính phủ.

Mặc dù vậy, khi được hỏi về lý do tại sao trước khi để sự việc đi quá xa như hiện nay, chính phủ Thái Lan không bán gạo trong kho dự trữ để lấy tiền trả nợ cho nông dân, bà Yingluck đã không đưa ra được lời giải thích.

Những lá phiếu của người nông dân đã giúp bà Yingluck trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. Có thể nói, những lá phiếu này có được là do sự đóng góp không nhỏ của chương trình trợ giá lúa gạo. Bà Yingluck và đảng Vì nước Thái có được sức mạnh chủ yếu từ nông dân, liệu họ có thể mất quyền lực cũng bởi những người nông dân này? Tất cả vẫn còn đang ở phía trước và điều gì cũng có thể xảy ra.

Trăm dâu đổ đầu tằm

Chiếc ghế của bà Yingluck đang lung lay giữ dội, đó là điều không thể phủ nhận, nhưng dường như không có khả năng bà sẽ từ chức, trừ khi gia tộc Shinawatra được đảm bảo các điều kiện chấp nhận được.

Người biểu tình Thái Lan trên đường phố thủ đô Bangkok (Ảnh: AP)

Nếu phải ra đi, việc bà Yingluck sẽ ra đi theo cách nào cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nếu bà Yingluck bị lật đổ mà không có cơ sở pháp lý thuyết phục, nguy cơ về một làn sóng phản ứng dữ dội từ phe áo Đỏ ủng hộ nhà Shinawatra là hiện hữu và bất ổn chính trị ở Thái Lan sẽ chẳng đi tới đâu.

Trong khi Thái Lan tuyên bố có bầu cử dân chủ, chính quyền do dân bầu một lần nữa đang đứng trước nguy cơ bị lật đổ thông qua các phương tiện phi dân chủ của các lực lượng chống chính phủ.

Những người sử dụng chiến thuật chính trị trên đường phố ngày hôm nay có thể thoải mái ngồi trong tòa nhà của Chính phủ vào hôm sau trong khi nhưng người cầm quyền ngày hôm qua có thể lại bắt đầu một cuộc chiến khác trên đường phố.

Vòng quay ấy liệu sẽ đưa đất nước Thái Lan đi về đâu khi mà sự hoán đổi vị trí của các lực lượng chính trị được quyết định bởi các đảng đối lập mà không phải ý chí và nguyện vọng của người dân?

Các phe phái chính trị ở Thái Lan tung hô những khẩu hiệu dân chủ, nhưng thực chất họ chỉ nhân danh người dân để thực hiện những toan tính cá nhân và sẵn sàng sử dụng các mưu đồ phi dân chủ để đạt được mục đích cuối cùng.

Rõ ràng, cuộc chiến giữa các chính trị gia ở Thái Lan chỉ mang lại sự bất ổn, bất an, kéo lùi đà phát triển của đất nước này mà những người chịu thiệt thòi lớn nhất chính là người dân./.

Hùng Cường/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *