(kontumtv.vn) – Giành lại thành trì cuối cùng của IS ở Syria nhưng chiến thắng chưa phải là kết thúc với người Kurd mà cuộc chiến thực sự của họ có thể chỉ mới bắt đầu.

Chiến thắng chưa phải là kết thúc

Đầu tháng 2/2018, những ngả đường lớn ở Hajin ngổn ngang và bừa bộn. Những công trình kiến trúc bị phá hủy, trẻ em chơi đùa trên những đống đổ nát được bao quanh là những mảnh vụn bom đạn vương vãi.

Thị trấn nhỏ trong thung lũng sông Euphrate ở đông nam Syria một thời gian dài là tiền đồn của lực lượng người Kurd cho tới gần đây thì trở thành chiến trường chống lại IS. Lực lượng người Kurd với sự hẫu thuẫn đạn dược và các chiến đấu cơ từ Mỹ và Pháp đã tiến hành cuộc chiến giành lại thành trì cuối cùng từ các tay súng còn sót lại của tổ chức khủng bố này.

tuong lai nguoi kurd o syria: cau hoi con bo ngo hinh 1
Cuộc chiến ở Syria đã kết thúc nhưng có thể cuộc chiến của lực lượng người Kurd tại quốc gia Trung Đông này chỉ mới bắt đầu. Ảnh: Getty

Lực lượng người Kurd từng tiến hành nhiều cuộc chiến chống IS ở Syria và góp phần khiến tổ chức khủng bố từng kiểm soát phần lớn lãnh thổ ở Syria và Iraq này chỉ còn lại một vùng đất nhỏ ở Syria và tới nay thì không còn gì cả.

Những cư dân người Kurd đã bắt đầu trở về từ các khu trại tạm bợ nhưng họ đều cảm nhận sâu sắc một điều rằng chiến thắng còn lâu mới được đảm bảo và hòa bình có lẽ vẫn là một giấc mơ xa vời. IS vẫn chưa hoàn toàn sụp đổ mà chúng chỉ thay đổi cách hành động. Thay vì chiếm giữ các vùng đất để lập căn cứ quân sự, chúng trở thành lực lượng nổi dậy phi nhà nước, tiến hành các cuộc tấn công liều chết, cài bom trên các ngả đường và chiêu mộ binh lính.

Cuộc chiến ở Syria đã “ngã ngũ” nhưng người Kurd lại phải đối mặt với một nỗi lo ngại mới: Mỹ rút khỏi Syria. Tuyên bố IS đã bị đánh bại, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hồi tháng 12/2018 rằng 2000 lính Mỹ ở Syria, lực lượng từng huấn luyện, đào tạo và hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo, sẽ rút về nước.

Sự hợp tác với Mỹ không chỉ củng cố chiến thắng quân sự cho người Kurd mà còn giúp họ tạo được những ảnh hưởng chính trị chưa từng có trước đây. SDF kiểm soát 1/4 lãnh thổ Syria vào thời kỳ nội chiến đẫm máu ở quốc gia Trung Đông này. Ngoài ra, khu vực lực lượng người Kurd kiểm soát cũng có những thuận lợi về nông nghiệp và các nguồn năng lượng.

Các nhà lãnh đạo người Kurd hy vọng họ có thể tiếp tục tình thế này với sự ủng hộ của Mỹ để thành lập một nhà nước tự trị kiểu mới ở Syria. Tuy nhiên, đến nay, thông báo Mỹ rút quân đã khiến giấc mơ này nhanh chóng “tan thành mây khói”.

Đe dọa bủa vây “tứ phía”

Người Kurd phải đối diện với những mối đe dọa hiện hữu từ tất cả các bên. Thổ Nhĩ Kỳ coi lực lượng người Kurd ở Syria – SDF là một nhánh của Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), vốn bị Ankara liệt vào danh sách những kẻ khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng tiến hành một cuộc tấn công trong 2 tháng vào thành phố Afrin để ngăn cản lực lượng người Kurd giành quyền kiểm soát khu vực tây bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Tổng thống Bashar al-Assad cũng quyết tâm lấy lại lãnh thổ từ lực lượng này để thống nhất Syria. Nhìn chung, chỉ có sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria mới có thể là “tấm lá chắn” cho lực lượng người Kurd.

Hiện tại, lực lượng người Kurd chỉ nhìn thấy một con đường của họ: Hoặc Mỹ sẽ ở lại và ổn định tình hình khu vực này, hoặc Mỹ sẽ rời đi và khiến lực lượng người Kurd trở thành mục tiêu của những phe phái khác. “Không có lựa chọn thứ 3. Cuộc chiến ở Syria giống như Thế chiến thứ 3 vậy”, Osama – một người dân địa phương chia sẻ.

Chính trị rối loạn vốn không phải là vấn đề mới với những người Kurd. Đế chế Ottoman từng chẳng để ý gì đến nhóm người thiểu số này cho tới khi dầu được phát hiện ở khu vực mà ngày nay nằm ở phía bắc Iraq và ngay đúng vùng Rojava ở phía đông Syria. Sau Thế chiến thứ nhất, người Anh đã kiểm soát vùng đất này và sự phân chia lãnh thổ “cẩu thả” của Anh đã gây ra tình thế tranh chấp hiện nay tại khu vực này.

Căng thẳng thực sự được đẩy lên cao ở Thổ Nhĩ Kỳ khi từ những năm 1980, Đảng Lao động người Kurd (PKK) nổi dậy đòi tự trị. Giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và EU đều goi PKK là một tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, khi Mùa xuân Arab xảy ra và Syria chìm vào nội chiến, vấn đề này bắt đầu mờ nhạt dần. Các bên đều có một kẻ thù chung, đó là IS – Tổ chức khủng bố kiểm soát phần lớn lãnh thổ Iraq và Syria vào thời điểm đó. Lực lượng YPG dẫn đầu cuộc chiến chống IS trong khu vực vào năm 2014, trong khi Mỹ chấp nhận các kế hoạch trang bị và ủng hộ các chiến lược không kích của lực lượng này.

Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria không hoàn toàn “danh chính ngôn thuận” bởi lực lượng của Wasshington không phải được Liên Hợp Quốc cử đến cũng như chưa bao giờ được Quốc hội Mỹ chấp thuận. Dù vậy, Mỹ vẫn xây dựng các căn cử ở phía bắc lãnh thổ người Kurd kiểm soát.

Tình thế của Mỹ ở Syria hiện nay có thể nói là “đi thì cũng dở mà ở thì không xong”. Tuy nhiên, ở lại Syria không chỉ là quân đội Mỹ mà còn là cam kết của Mỹ với những khoản tiền hàng tỉ USD “đổ” vào một cuộc xung đột với kết quả mịt mờ. Ở Afghanistan, quân đội Mỹ từng duy trì sự hiện diện trong 20 năm với sứ mệnh gìn giữ hòa bình nhưng cho tới gần đây, tình hình ở đây mới có những tiến triển cho các cuộc đàm phán hòa bình hứa hẹn. Hơn nữa, việc Mỹ hiện diện quân sự ở Syria nhưng lại không nhận được sự ủng hộ của chính phủ nước này có thể là một bất lợi lớn cho Washington.

Tất cả những điều đó có thể là lý do để Tổng thống Trump đưa ra quyết định cuối cùng khi tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Syria. Thông báo này của Tổng thống Mỹ không chỉ khiến lực lượng người Kurd bất ngờ mà còn khiến chính các quan chức trong chính quyền Nhà Trắng ngỡ ngàng. Sự phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế đã khiến ông Trump cân nhắc lại quyết định này khi tuyên bố hồi tháng 2/2019 rằng Mỹ sẽ duy trì 400 binh lính ở Syria với vai trò gìn giữ hòa bình, một nửa trong số này sẽ kiềm chế ảnh hưởng của Iran và nửa còn lại sẽ hỗ trợ lực lượng người Kurd đảm bảo một “khu vực an toàn” ở biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ.

Câu hỏi tương lai

Một số chuyên gia coi việc Mỹ tiếp tục hiện diện ở Syria có vai trò quan trọng với cả lực lượng liên minh do người Kurd lãnh đạo và với cả chiến lược chống khủng bố của Mỹ.

“Nếu Mỹ biến mất ngay ngày mai, SDF sẽ sụp đổ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tấn công lực lượng người Kurd. Đó là điều đầu tiên sẽ xảy ra”, Max Markusen – giám đốc Dự án Các đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington nhận định.

Ngoài ra, Hayat Tahrir al-Sham – một nhánh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda đang phát triển và kiểm soát 5% lãnh thổ tây bắc Syria cũng là mầm mống đe dọa cho xung đột trong tương lai. Mùa thu năm 2018, Jennifer Cafarella – giám đốc nghiên cứu và phân tích về Syria tại Viên Nghiên cứu Chiến tranh nhận định: “Tình hình ở Syria đang nuôi dưỡng cho những kẻ khủng bố như Al-Qaeda. Syria sẽ là Afghanistan tiếp theo”.

Khamis Mohammed – chủ một cửa hàng ở Manbij cũng ủng hộ sự hiện diện của Mỹ: “Chừng nào mà Mỹ còn ở đây thì Thỗ Nhĩ Kỳ sẽ không thể làm gì”.

Hiện nay, người Kurd dường như đang nỗ lực thử  mọi lựa chọn mà họ có thể.

Tháng 12/2018, các đại diện người Kurd đã tìm kiếm sự ủng hộ của Tổng thống Assad với hy vọng về một lãnh thổ tự trị. Họ cũng tìm kiếm giải pháp từ phía Washington trong những tuần gần đây qua các cuộc tham vấn và thảo luận.

Cuộc chiến ở Syria đã kết thúc nhưng có thể cuộc chiến của lực lượng người Kurd tại quốc gia Trung Đông này chỉ mới bắt đầu. Và tương lai của họ vẫn là câu hỏi mà ngay chính họ cũng chưa thể trả lời./.

Kiều Anh/VOV.VN
Nguồn Newsweek

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *