(kontumtv.vn) – Theo các nhà phân tích, sở dĩ Mỹ vẫn liên tục mạnh tay với Nga, là bởi họ không phải là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi những lệnh trừng phạt.
Mỹ đòi kéo dài trừng phạt, Nga không quan tâm
Cách đây chỉ 1 tháng, ngày 12/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đặt chân lên thành phố Sochi của Nga. Tại thành phố xinh đẹp này, ông có buổi gặp mặt lịch sử với Tổng thống Nga Valadimir Putin.
Chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ được nhiều nhà quan sát xem như là một động thái thể hiện “sự hòa giải và thỏa hiệp”, đồng thời hy vọng sự “tan băng” trong mối quan hệ căng thẳng giữa 2 nước lớn.
|
Thế nhưng, mối quan hệ Nga- Mỹ dường như không những không cải thiện, mà còn có nguy cơ tồi tệ hơn. Nhiều người bi quan đang cho rằng, bức tranh quan hệ Nga- Mỹ trong tương lai sẽ nhiều màu sắc ảm đạm hơn là tươi vui.
Ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh G7 vừa mới kết thúc vào ngày 8/6, giới chức Mỹ đã khẳng định rằng, vì cuộc khủng hoảng Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nước này cùng các đồng minh ở G7 sẵn sàng tiếp tục trừng phạt Moscow.
Theo các phóng viên có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G7, dường như các lãnh đạo G7 đều đã dần nghe theo lời thuyết phục của Mỹ về việc tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga. Tuy nhiên, đáp lại việc này, phía Nga cho rằng lệnh trừng phạt cũng không phải là điều gì mới mẻ và Nga có nhiều việc khác đáng bận tâm hơn.
Tại sao Mỹ liên tục đe dọa áp đặt trừng phạt Nga?
Phát biểu với Sputnik, ông Patrick Basham, nhà phân tích thuộc Viện Cato, kiêm sáng lập viên Viện Dân chủ ở Washington cho biết, sở dĩ Mỹ vẫn liên tục mạnh tay với Nga, là bởi họ không phải là nước chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh trừng phạt.
Lệnh trừng phạt, là con dao 2 lưỡi, ảnh hưởng cả lên Nga và phương Tây nói chung. Đối với Nga, đồng ruble đã sụt giảm nặng nề, nhiều công ty bị đóng băng tài sản. Còn đối với Liên minh châu Âu, Sputnik ước tính tổng thiệt hại mà châu lục này phải gánh chịu trong năm 2015 do những biện pháp trừng phạt Nga có thể lên tới 55 triệu USD.
Nhà phân tích Basham nhận định, thực ra EU cũng nhận thấy rõ những tổn thất to lớn mà bản thân phải gánh chịu, bởi thế các nước thuộc liên minh muốn sử dụng các biện pháp “trừng phạt” phi kinh tế hơn.
Giáo sư danh dự ngành Xã hội học của trường Đại học Binghamton ở New York, ông James Petras cho biết thêm rằng ngay chính các doanh nghiệp ở Đức (một nền kinh tế lớn ở châu Âu) cũng rất không hài lòng với những tổn thất trong thị trường xuất khẩu của mình, do lệnh trừng phạt Nga gây ra.
Ngay cả Thủ tướng Anh David Cameron cũng thừa nhận với BBC rằng việc “trừng phạt ảnh hưởng” mạnh mẽ tới cả nền kinh tế EU và Nga.
Nhận định về khoảng thời gian tới, ông Basham lưu ý, Mỹ vẫn có thể sẽ tiếp tục chi phối chính sách của EU nhằm tiến hành một đường lối cứng rắn chống lại Moscow.
Có thể Italy – Nga sẽ xích lại gần nhau
Ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra, Tổng thống Nga Valdimir Putin đã có chuyến thăm đến Italy (1 trong 7 nước G7). Theo hãng tin Reuters nhận định, có lẽ Nga muốn tạo một mối quan hệ tốt với riêng Italy hơn là với hầu hết các đối tác EU của nước này.
Tổng thống Nga Valdimir Putin (ảnh: Reuters) |
Theo Reuters, sở dĩ Nga có thiện cảm với nước này bởi vì Rome vẫn luôn miễn cưỡng trước việc trừng phạt Nga và là nước đi đầu khi đề xuất các cuộc đối thoại với Moscow.
Trả lời phỏng vấn tờ Corriere della Sera (Italy) trước chuyến thăm, Tổng thống Putin đã khẳng định rằng: “Tôi luôn đặt lợi ích của Italy, của người dân Italy lên đầu tiên. Tôi tin rằng, để phục vụ lợi ích của đất nước, bao gồm lợi ích kinh tế và chính trị Italy cần phải duy trì quan hệ thân thiện với Nga”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni thận trọng cho rằng, Rome không thay đổi lập trường về khủng hoảng Ukraine. Ông Paolo Gentiloni cũng nhấn mạnh, Italy nhất quán trong quan hệ với các đồng minh châu Âu và Mỹ, nhưng nước này cũng có một mối quan hệ đặc biệt với Nga.
Mỹ- Nga có thể hóa giải bất đồng, chấm dứt trừng phạt?
Nga và Mỹ tuy có những lợi ích khác nhau, nhưng 2 nước lớn này đều cần đến nhau để chung tay giải quyết nhiều vấn đề mang tính quốc tế, cụ thể như vấn đề chống khủng bố, vấn đề môi trường hay vấn đề hạt nhân… Cách duy nhất để khắc phục sự bất hòa trong quan quan hệ Nga với Mỹ là đối thoại và tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau.
Liệu ông Putin (trái) và ông Obama (phải) có thể hóa giải bất đồng? (ảnh: Reuters)
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, ngày 5/6 tuyên bố mối quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa Nga và Mỹ có vai trò hết sức quan trọng đối với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết thành công nhiều vấn đề phức tạp của thế giới.
Phát biểu trước báo giới, ông Peskov khẳng định sự hợp tác Nga-Mỹ là rất cần thiết và tin rằng nhiều vấn đề nan giải của thế giới sẽ không thể giải quyết được nếu thiếu sự hợp tác và tương lai giữa hai nước.
Quan chức Nga cho biết nước này luôn sẵn sàng xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, đôi bên cũng có lợi với Washington, dựa trên sự tôn trọng lợi ích của nhau.
Các chuyên gia nhận định, để Nga- Mỹ có thể ngồi xuống đàm phán với nhau, có lẽ cần thêm sức ép từ các nước EU – đồng minh của Mỹ. Đến một lúc nào đấy, khi các nước EU nhận thấy họ không thể gánh thêm được thiệt hại vì lệnh trừng phạt Nga, có lẽ EU sẽ chịu “xuống nước”, đồng thời bàn thảo lại với Mỹ về những lênh trừng phạt này.
Hoặc khi tình hình Ukraine có biển chuyển theo một hướng tích cực hơn, Mỹ và Nga đã tạm thời hóa giải bất đồng, có thể cùng ngồi xuống với nhau vì mong muốn trả lại cho thế giới sự yên ổn, hòa bình để cùng hợp tác, phát triển.
Nhưng tất nhiên đấy là chuyện tương lai, còn trước mắt, bất đồng Mỹ và Nga thông qua vấn đề Ukraine vẫn chưa thể giải quyết được một sớm một chiều./.