Báo New York Times ngày 26/11 gọi tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc là một phép thử với sự kiểm soát của Nhật

Những ngày này dư luận quốc tế đang tập trung chú ý tới những diễn biến trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc- Nhật Bản, đồng thời quan sát phản ứng của Mỹ và các đồng minh, ngay sau khi ngày 23/11 Trung Quốc tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông.

Vùng nhận diện phòng không chồng lấn

Ngày 23/11, Trung Quốc chính thức tuyên bố thiết lập “Khu vực nhận diện phòng không” (ADIZ) ở biển Hoa Đông, gồm 6 điều khoản cụ thể cùng một bản đồ kèm theo, trong đó xác định cụ thể tọa độ của khu vực nhận diện phòng không.

 

Bản đồ Khu vực Nhận diện phòng không do Trung Quốc tuyên bố thiết lập, thể hiện rõ vùng chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc (Ảnh AFP)

Theo đó, tất cả máy bay hoặc vật bay nếu muốn đi vào ADIZ phải thông báo trước lịch trình bay, hồi đáp “lập tức và với thái độ chừng mực” qua sóng radio khi nhận được các yêu cầu nhận dạng từ cơ quan chức năng của Trung Quốc. Đối với những tàu thuyền hoặc vật bay không chấp hành mệnh lệnh nêu trên, lực lượng vũ trang của Trung Quốc sẽ áp dụng “các biện pháp xử lý khẩn cấp mang tính chất phòng ngự”.

Việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ một loạt quốc gia. Theo tọa độ do Trung Quốc thông báo, vùng ADIZ của nước này chồng lấn với vùng ADIZ được thiết lập trước đó của Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ bùng nổ các tình huống căng thẳng trong khu vực.

Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Baek Seung-Joo ngày 28/11 nói rằng ông “rất tiếc” trước tuyên bố đơn phương của Trung Quốc về một ADIZ bao trùm một khu vực có diện tích 20 km x 115 km ở phía Tây đảo Jeju  hiện do Hàn Quốc kiểm soát, và quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku  hiện do Nhật Bản quản lý hành chính.
Thứ trưởng Baek Seung-Joo nhấn mạnh Seoul “không thể thừa nhận” ADIZ của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ lo ngại động thái này của Bắc Kinh sẽ làm leo thang căng thẳng quân sự trong khu vực.

Tối 27/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng lên tiếng khẳng định rằng, Tokyo coi động thái lập ADIZ của Bắc Kinh là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chia sẻ thông tin và tiến hành các hoạt động tuần tra trong khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, vấn đề này “phải được giải quyết một cách kiên quyết và bình tĩnh thông qua các nỗ lực ngoại giao” và Trung Quốc nên “lập tức rút lại” quyết định thành lập ADIZ.

Được thiết lập năm 1969, ADIZ của Nhật Bản bao gồm 4 đảo chính và chuỗi đảo Okinawa ở cực Nam nước này, trong đó có quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo yêu cầu các máy bay khi bay qua vùng này phải đăng ký kế hoạch bay với Nhật Bản.

Phản ứng dữ dội từ các nước

Không chỉ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ không đồng tình với quyết định thành lập ADIZ của Trung Quốc, ngay cả Australia ngày 26/11 cũng đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Canberra để bày tỏ phản đối ADIZ nói trên.

Chính phủ Đức cũng cho rằng việc TQ thiết lập ADIZ “đã làm gia tăng nguy cơ bùng phát xung đột vũ trang giữa nước này với Nhật Bản”.

Thời báo New York ngày 26/11 thể hiện quan điểm của báo này rằng Trung Quốc đang “chơi trò cưỡng bức”, và có thể gây ra xung đột trực tiếp với Nhật Bản. Theo báo này, ADIZ là một phép thử đối với sự kiểm soát của Nhật Bản bằng cách mạnh mẽ khẳng định tầm với của Trung Quốc trong khu vực.

 

Tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến quan hệ căng thẳng giữa Nhật Bản-Trung Quốc ngày càng leo thang. Trong ảnh: Tàu hải giám Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản được nhìn thấy gần Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh Reuters, chụp ngày 10/9/2013)

Tối 27/11, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera  đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, và cùng bày tỏ “quan ngại mạnh mẽ” về việc Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gọi tuyên bố về ADIZ là một “nỗ lực nhằm làm thay đổi hiện trạng khu vực” và gửi thông điệp rằng: “Nỗ lực thay đổi hiện trạng sẽ không bao giờ được chấp nhận”.

Trước đó, phát biểu tại một sự kiện ở Tokyo sáng cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy đã chỉ trích động thái thiết lập ADIZ của Trung Quốc, cho rằng động thái trên “chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Không chỉ bằng lời nói, một số nước đã có những hành động phản ứng lại với tuyên bố phi lý của Trung Quốc. Ngày 25/11, hai máy bay B-52 của Mỹ đã bay qua khu vực này mà không thông báo cho Trung Quốc và không gặp phản ứng nào của nước này.

Tiếp đó, ngày 26/11, một máy bay quân sự của Hàn Quốc cũng bay vào vùng mà Trung Quốc tuyên bố lập ADIZ và không hề thông báo với Trung Quốc. Một quan chức ở Tokyo ngày 28/11 cho biết các máy bay quân sự và bán quân sự của Nhật Bản cũng đã bay qua khu vực này mà không gặp phản ứng nào của Trung Quốc.

Trước tình hình đó, ngày 27/11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định, 2 chiếc máy bay B-52 của Mỹ đã bị phát hiện và theo dõi khi chúng bay qua ADIZ trong khoảng thời gian kéo dài 2 giờ 22 phút.

Tuyên bố trên cũng cho biết, tất cả máy bay bay qua khu vực này sẽ bị theo dõi nhưng không đề cập đến mối đe dọa có thể áp dụng “biện pháp phòng thủ khẩn cấp” trong trường hợp các máy bay không tuân thủ các qui định mà phía Trung Quốc đưa ra.

Trong khi đó, không quân Trung Quốc ngày 28/11 cũng đã tiến hành các cuộc tuần tra trên không tại ADIZ ở biển Hoa Đông với sự tham gia của một số máy bay tiêm kích và máy bay cảnh báo sớm. Theo một phát ngôn viên Trung Quốc, hoạt động trên là “biện pháp phòng vệ và phù hợp với các thông lệ chung của quốc tế”, đồng thời cho biết không quân sẽ duy trì “cảnh giác cao độ” và áp dụng các biện pháp để đối phó với những mối đe dọa.

Phép thử để thăm dò phản ứng?

Theo giới quan sát, việc ứng xử với tuyên bố về ADIZ của Trung Quốc là một thử thách đối với Washington, nhất là khi Mỹ đã nhiều lần khẳng định chính sách xoay trục hướng về châu Á của mình.

Bài đăng trên Thời báo New York  ngày 26/11 nhấn mạnh rằng Mỹ đã thúc giục Trung Quốc hành động cẩn trọng và kiềm chế, song Mỹ cũng cần phải chủ động hơn nữa trong việc giúp Trung Quốc và Nhật Bản tìm một lối đi tránh đối đầu.Hiện chưa rõ Trung Quốc có thực sự hành động quân sự đối với các máy bay của Nhật Bản và các máy bay khác bay qua khu vực này hay không, nhưng vấn đề nằm ở chỗ sự tính toán sai lầm và hành động sai lầm có nguy cơ gia tăng khi xung đột leo thang.

Giới quan sát cũng cho rằng, tuyên bố của Trung Quốc dường như là một bước đi thăm dò xem phản ứng của các nước liên quan như thế nào, để nhắm tới một mục tiêu tham vọng hơn trong tương lai.

Hãng Reuters ngày 27/11 cho rằng, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với không ít thách thức nảy sinh từ việc tăng cường các hoạt động giám sát và ngăn chặn trên Biển Hoa Đông do khó có đủ phương tiện cần thiết. Trong khi đó báo Hong Kong cũng đặt câu hỏi về khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất phục vụ cho ADIZ.

Hãng Reuters dẫn lời một chuyên gia về các vấn đề quân sự khu vực Đông Á nói: “Hiện vẫn chưa rõ họ (Trung Quốc) sẽ triển khai các kế hoạch nhằm kiểm soát vùng nhận diện phòng không như thế nào. Đó có thể chỉ là tuyên bố chủ yếu vì mục đích chính trị”.

Tuần tới, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tới Tokyo và Bắc Kinh nhằm tìm cách hạ nhiệt tình hình căng thẳng leo thang tại khu vực Đông Bắc Á./.

Theo : vov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *