(kontumtv.vn) – Quốc hội Ukraine hôm nay sẽ nhóm họp để bàn về cuộc bầu cử sớm và khả năng bãi bỏ luật chống biểu tình.

Reuters dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Ukraine Leonid Kozhara ngày 27/1 khẳng định chính phủ sẽ không cần phải ban hành lệnh tình trạng khẩn cấp khi các cuộc đối thoại với phe đối lập tiếp diễn. Trước đó, kịch bản tồi tệ đã được nhắc đến là việc áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp trên cả nước Ukraine khi biểu tình chống chính phủ lan rộng tới các thành phố ở phía Đông nước này. Trong khi tại thủ đô Kiev, diễn biến biểu tình bạo lực tiếp tục leo thang làm dấy lên lo ngại cuộc khủng hoảng sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát tại Ukraine.

Cảnh sát tổ chức chốt chặn người biểu tình ở Kiev (Ảnh: EPA)

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich ngày 27/1 tổ chức một vòng đàm phán mới với các nhà lãnh đạo đối lập, trong đó có ông Vitaly Klitschko. Cuộc đàm phán diễn ra sau khi phe đối lập từ chối nhượng bộ đầu tiên của Tổng thống sau hơn 2 tháng biểu tình bạo lực và bất ổn chính trị tại Ukraine. Đề xuất của Tổng thống Yanukovich là đưa nhà lãnh đạo đối lập, cựu Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Arseny Yatsenyuk vào vị trí Thủ tướng và ông Vitaly Klitschko làm Phó Thủ tướng. Phe đối lập đã không chấp thuận, đồng thời cho rằng đây là nỗ lực để gây chia rẽ và gây áp lực để buộc họ phải nhượng bộ nhiều hơn.

Biểu tình phản đối chính phủ đã lan tới nhiều thành phố khác tại Ukraine, đặc biệt là diễn biến biểu tình tại Kiev tiếp tục phức tạp. Bên cạnh các vụ đụng độ với cảnh sát tiếp tục nổ ra ở trung tâm thủ đô Kiev, việc người biểu tình chiếm giữ và lập rào chắn phong tỏa trụ sở Bộ Tư pháp Ukraine đã khiến Bộ trưởng Tư pháp Olena Lukash cảnh báo, bà sẽ phải đề nghị chính phủ áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp nếu người biểu tình tiếp tục chiếm tòa nhà này.

Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày Ngoại trưởng Ukraine Leonid Kozhara đã loại trừ kịch bản tồi tệ này khi các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập tiếp diễn. Ông Kozhara cũng nói rằng, hiện Ukraine chưa cần đến các trung gian hòa giải quốc tế và không loại trừ khả năng sẽ đưa ra đề nghị hỗ trợ trong tương lai.

“Chúng tôi đánh giá các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập đang diễn ra “năng động”, do đó không có lý do gì để chúng tôi phải mời các nhà trung gian quốc tế. Chúng tôi cũng không tính đến việc áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp”, ông Kozhara nhấn mạnh.

Bất ổn chính trị kéo dài 2 tháng qua tại Ukraine, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Tây đã bắt đầu lan tới phía Đông nước này. Biểu tình bạo lực đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương, trong khi đó, người biểu tình đã chiếm giữ trụ sở của chính quyền địa phương tại hơn 10 tỉnh ở Ukraine.

Bày tỏ lo ngại trước căng thẳng chính trị ngày càng leo thang tại Ukraine, Tổng thống Thụy Sĩ, Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Didier Burkhalter ngày 27/1 cho biết, ông đã đề xuất làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Trong khi, Tổng Thư ký NATO Rasmussen cũng lên án diễn biến bạo lực tại Kiev: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng, chính phủ Ukraine phải có trách nhiệm để xoa dịu cuộc khủng hoảng và bảo vệ người biểu tình hòa bình. Tôi thúc giục các bên kiềm chế bạo lực và cùng tìm kiếm một giải pháp thông qua đối thoại”.

Đàm phán là cơ hội để đưa Ukraine ra khỏi tình trạng bất ổn dân sự tồi tệ nhất kể từ thời hậu chiến, song chấp nhận đàm phán là chưa đủ, các bên tại Ukraine cũng cần có thiện chí và nhượng bộ để giải quyết cuộc khủng hoảng này. Theo kế hoạch, Quốc hội Ukraine sẽ nhóm họp trong ngày hôm nay để bàn về cuộc bầu cử sớm, khả năng bãi bỏ luật chống biểu tình gây tranh cãi và những diễn biến bất ổn hiện nay./.

Hoàng Lê/VOV – Trung tâm Tin

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *