(kontumtv.vn) – Không chỉ dừng lại ở việc “đứng trước cửa ngõ” của nước Nga, cả Ukraine và NATO đều toan tính “bước qua ngưỡng cửa” này.

Kịch bản “hành quân đến tận Moscow” của Ukraine

Sputnik News dẫn lời Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 7/9 tiết lộ 3 kịch bản có thể giải quyết tình hình xung đột tại miền Đồng Ukraine.

Theo đó, ông Poroshenko khẳng định thỏa thuận Minsk là biện pháp tối ưu nhất để kết thúc cuộc nội chiến tại miền Đông nước này và đưa Donbass trở lại quyền kiểm soát của Ukraine.

ukraine va nato quyet "buoc qua nguong cua" cua nuoc nga? hinh 0
Tổng thống Ukraine úy lạo binh sĩ tăng thiết giáp nước này trước khi tiến vào miền Đông. Ảnh AFP

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, ông Poroshenko nhấn mạnh: “Có 3 kịch bản khác nhau liên quan đến tình hình Ukraine. Đầu tiên, chính quyền Ukraine có thể tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm giải phóng khu vực này và hành quân đến tận Moscow”.

Tuy nhiên, chính ông Poroshenko cũng coi đây là “một cuộc phiêu lưu đầy liều lĩnh” và “người dân Ukraine sẽ phản đối điều này”.

“Cách thứ 2 là xây dựng một bức tường chia cách Ukraine và Donbass. Chúng ta có thể sống mà không cần Donbass. Kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra nhưng với tư cách là Tổng thống, tôi sẽ không cho phép làm như vậy. Tôi sẽ không trao dù chỉ một mẩu đất nhỏ của Ukraine cho bất kỳ ai. Tôi sẽ chiến đấu để chiếm lại Donbass cũng như Crimea”, ông Poroshenko nói thêm.

Kịch bản thứ 3 mà theo ông Poroshenko là “dễ chấp nhận nhất” chính là tuân thủ thỏa thuận Minsk.

“Có một cách để khôi phục lại chủ quyền của vùng Donbass, đó chính là việc tuân thủ thỏa thuận Minsk bao gồm việc ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng và trao trả tù binh dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)”, ông Poroshenko giải thích.

Mặc dù vậy, Tổng thống Ukraine cũng khẳng định: “Chúng ta phải sẵn sàng cho mọi khả năng có thể xảy ra”.

NATO “vẽ ra mối đe dọa từ Nga”

NATO được xem là khá “sáng tạo” khi có thể “vẽ ra những kẻ thù tưởng tượng” nếu như không có kẻ thù thực sự chỉ để mở rộng và phô trương thanh thế của khối này.

Theo Sputnik News, nhận định trên được nhà hoạt động vì hòa bình của Mỹ  David Swanson đưa ra trong bài viết mang tựa đề “NATO: Không bao giờ chấm dứt hành động hiếu chiến với nước khác”.

“NATO được coi là được thành lập để bảo vệ châu Âu khỏi Liên Xô và nhiều người đã tin vào điều này, ít nhất là cho đến khi Liên Xô tan rã. Sau đó, NATO lại “bao biện” rằng mình cần bảo vệ châu Âu khỏi Iran. Tôi tin rằng chỉ khoảng chưa đầy chục người tin vào điều này nếu không tính các Thượng nghị sỹ Mỹ”, ông Swanson nói.

Tuy nhiên, sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1, Iran giờ đã được coi là không gây ra mối đe dọa nào thực sự với NATO nữa.

Mặc dù vậy, thay vì giảm quy mô của mình, NATO lại mở thêm tới 6 “tiểu Tổng hành dinh” tại các nước Trung và Đông Âu như Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan và Romania với lý do “tăng cường bảo vệ các đồng minh khỏi các thách thức từ phía Đông và phía Nam”.

ukraine va nato quyet "buoc qua nguong cua" cua nuoc nga? hinh 1
Binh sĩ NATO tập trận tại Romania. Ảnh AFP

Như vậy, theo ông Swanson, mục tiêu duy nhất mà NATO muốn nhắm tới rõ ràng là Nga và “Mỹ đã nuốt lời khi hứa với Nga rằng NATO sẽ không bao giờ mở rộng sang phía Đông” chứ chưa nói gì đến chuyện chuyển trang thiết bị quân sự đến khu vực này.

“Mỹ đang mang nhiều vũ khí đến châu Âu và trang bị quân sự cho chính quyền Ukraine cũng như ra sức tuyên truyền chống lại Nga”, ông Swanson nói thêm.

Theo ông Swanson, điều này chỉ cho thấy, ngay cả một tổ chức lớn và đầy uy tín như NATO cũng có lúc “tiền hậu bất nhất”.

Nga sẵn sàng ứng phó với mọi thách thức

Trước những mối đe dọa như vậy, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/9 đã ra lệnh kiểm tra đột xuất khả năng sẵn sàng chiến đấu của các binh lính thuộc Quân khu miền Trung của Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố: “Theo lệnh của Tổng thống Putin, các binh sĩ thuộc Quân khu miền Trung đã được đặt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào lúc 9h30 (giờ địa phương).

Ông Shogui cũng cho biết, các binh sĩ này sẽ tham gia vào các cuộc tập trận kéo dài cho đến ngày 12/9 với sự tham gia của các lính dù của Nga cùng các máy bay từ các quân khu khác trên toàn đất nước.

Quân khu miền Trung của Nga kéo dài từ sông Volga đến núi Ural và vùng Siberia, bao gồm cả vùng cực Bắc nước Nga.

“Chúng tôi phải kiểm tra khả năng của các lính dù khi họ được điều động đến những nơi xa xôi cũng như khi họ phải đổ bộ xuống những vùng đất lạ”.

Ngoài ra, các nhân viên dân sự từ Bộ Y tế và Nông nghiệp của Nga cũng sẽ tham gia vào các cuộc tập trận nói trên để “kiểm tra khả năng hoàn thành nhiệm vụ của họ trong điều kiện thời chiến”.

Như vậy, có thể thấy rằng, trước những toan tính của NATO và Ukraine nhằm dồn ép Nga đến đường cùng với những cáo buộc “đầy ác ý” và “vô căn cứ” liên quan đến cuộc nội chiến tại miền Đông Ukraine, Nga vẫn không hề nao núng.

Ngoài ra, Nga cũng là nước tích cực kêu gọi Chính phủ Ukraine và phe đối lập tiến hành những cuộc đối thoại liên quan đến thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt tình hình căng thẳng tại miền Đông.

Mặc dù vậy, thiện chí của Nga đã bị NATO và Ukraine “dội một gáo nước lạnh” với những động thái “động binh” rõ ràng của mình và việc “phòng hờ” không bao giờ là thừa./.

Trần Khánh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *