(kontumtv.vm) – Theo Giáo sư Carl Thayer – Học viện Quốc phòng Australia, lợi ích của các nước có thể bị ảnh hưởng nếu họ ngoảnh mặt trước lần xâm phạm này của Trung Quốc tại Việt Nam.

Vấn đề biển Đông dưới góc nhìn của các chuyên gia quốc tế

Giáo sư Carl Thayer – Học viện Quốc phòng Australia.

Căng thẳng ở Biển Đông đang là đề tài Thời sự nóng hổi nhất hiện nay sau sự kiện Trung Quốc ngang nhiên cho lắp đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động gây hấn của Trung Quốc đặc biệt nguy hiểm, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam, phớt lờ công ước quốc tế về luật biển năm 1982 cũng như tuyên bố chung Asean Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Trong suốt những ngày qua, cộng đồng quốc tế đã liên tục bày tỏ sự quan ngại và bất bình trước tình hình tại Biển Đông. Vấn đề này thu hút sự quan tâm rất lớn của các  nhà nghiên cứu, nhà sử học của nhiều nước. Sau đây là ý kiến của các chuyên gia quốc tế về vấn đề này trong chương trình Việt Nam & Thế giới do VTV4 thực hiện và tổng hợp.

Trong phát biểu của mình, Tiến sỹ Marvin C.OTT – Giáo sư Đại học John Hopskins, cho biết: “Ý đồ chiến lược của Trung Quốc, cái mà họ muốn theo đánh giá của tôi là hiện thực hóa đường lưỡi bò 9 đoạn, chiếm gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, “gặm “sâu cả vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và của nhiều nước khác trong khu vực. Trung Quốc định thực hiện mục tiêu biến đường lưỡi bò này thành biên giới lãnh thổ được công nhận trong dài hạn”.

Ông Shoichi Gondai – Giảng viên tiếng Nhật Dự án Hedspi, Đại học Bách Khoa Hà Nội: “Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông thật khó chấp nhận. Đó đúng là hành động xâm lược. Chúng tôi cũng có những vấn đề như của Việt Nam với Trung Quốc tại đảo Senkaku nên tôi cảm thấy vô cùng tức giận. Trung Quốc đã làm những điều tương tự tại Nhật Bản, Việt Nam, Philippine”.

Ông Greg Poling – Chuyên gia về Đông Nam Á, TT Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS): “Đáng khen cho Việt Nam là Việt Nam chỉ đưa ra tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư. Đó là cách hành xử khôn khéo”.

“Chúng ta nhớ trong vụ tranh chấp bãi cảng Scarborough năm 2012, Philippine đã đưa tàu hải quân ra khiến Trung Quốc có cớ nói rằng người Philippine đã quân sự hóa tranh chấp và là bên gây sự. Việt Nam đã rất cẩn thận và không làm như thế. Nó cũng góp phần hạn chế rủi ro xung đột vũ trang và đó là điều Việt Nam cần. Việt Nam cần phản kháng, cần gửi đi thông điệp là không chấp nhận được hành động của Trung Quốc, cần vận động các nước láng giềng ủng hộ quan điểm, rằng hành động của Trung Quốc là sai trái”.

Bà Merle Ratner – Nhà hoạt động xã hội Mỹ về Biển Đông: “Việt Nam hãy cứ làm những gì như các bạn đang làm. Đó là quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình đến cùng. Nhưng mặt khác, Việt Nam cũng cần phát đi thông điệp rõ ràng là các bạn không hề mong muốn chiến tranh mà muốn giải quyết bằng các biện pháp hòa bình để đem lại sự ổn định cho khu vực”.

Giáo sư Carl Thayer – Học viện Quốc phòng Australia: Điều mà Việt Nam phải làm là cung cấp thông tin cho những lực lượng hải quân lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ hay New Zealand và hy vọng các bên này có thể đưa ra hành động quyết liệt hơn. Bởi vì lợi ích của họ có thể bị ảnh hưởng nếu ngoảnh mặt trước lần xâm phạm này tại Việt Nam, cũng đồng nghĩa với việc lần tới có thể là tại Philippine rồi lại quay lại Việt Nam. Khi đó không lẽ Mỹ chỉ đứng ngoài cuộc chơi thôi sao?”.

VTV ONLINE

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *