(kontumtv.vn) – Quyết định mở cửa biên giới đón nhận người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho đến nay vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi.

Cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder trong một tuyên bố được đưa ra gần đây đã gọi quyết định của Thủ tướng Đức Angela Merkel mở cửa biên giới, đón nhận số lượng người tị nạn không giới hạn là một “sai lầm”; đồng thời cho rằng, bà Merkel hành động theo cảm tính mà không có kế hoạch cụ thể.

van de nguoi ti nan: ba merkel se phai tra gia vi lam… dung? hinh 0
Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: Getty)
Quan điểm này của ông Schröder được cho là có cơ sở khi những người tị nạn đến từ Syria gây ra không ít phiền toái ở những nơi mà họ đi qua. Trong khi đó, dường như sức chịu đựng của chính quyền một số địa phương ở Đức đã đi đến giới hạn.

Hàng tỷ euro đã được chi cho vấn đề người tị nạn nhưng Đức cũng như châu Âu cho đến nay vẫn chưa nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào làm cơ sở để tin tưởng rằng, cuộc khủng hoảng người tị nạn sẽ đi đến hồi kết.

Nhiều người từ Trung Đông và Bắc Phi đến châu Âu với hồ sơ lý lịch không rõ ràng. Về lý thuyết, họ sẽ phải đăng ký với cơ quan chức năng sở tại nếu muốn được chấp nhận đơn xin tị nạn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp đã bị “lọt lưới” và điều này thực sự tạo ra những thách thức an ninh không hề nhỏ.

Vụ bạo lực ở Cologne là một điển hình cho những mối quan ngại về cách thức làm thế nào để đối phó với làn sóng những người đàn ông Hồi giáo tràn vào nước Đức. Điều này đã và đang thách thức đối với an toàn cho những người phụ nữ trong xã hội Đức khi tình trạng “mất cân bằng giới tức thời” xảy ra.

Theo kế hoạch, bầu cử ở 3 tiểu bang quan trọng ở Đức sẽ diễn ra trong tháng tới. Với những diễn biến gần đây, dường như kịch bản đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) có thể giành lợi thế so đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) là điều không thể tranh khỏi.

Một cuộc thăm dò được tiến hành trong tháng này cho thấy, tỷ lệ người dân Đức ủng hộ bà Merkel ở thời điểm hiện tại là khoảng 46%, con số này thấp hơn nhiều nếu so với 75% trong tháng 4/2015.

Tại sao Thủ tướng Đức lại mở cửa với người tị nạn?

Vậy tại sao bà Merkel lại làm như vậy? Liệu có phải người đứng đầu Chính phủ Đức đã quá vội vàng trong hành động mà thiếu suy nghĩ thấu đáo như nhận xét của ông Schröder hay không?

Thực tế phải thừa nhận rằng, Thủ tướng Đức Angela Merkel là một chính khách có tính cách khá thận trọng. Có thể nói, việc bà quyết định mở cánh cửa chào đón người tị nạn đơn giản vì bà là một người Đức. Là người Đức, bà Merkel hiểu rõ trách nhiệm đầu tàu của nước Đức trong Liên minh châu Âu.

Còn một lý do khác, đó là bà Merkel từng sống ở Đông Đức khi nước Đức bị chia cắt, bà hiểu rõ được giá trị của sự thống nhất và nếu Đức không đi đầu gương mẫu trong việc giải quyết vấn đề chung của cả khối, để EU lún sâu hơn vào những bất đồng vì người tị nạn thì mâu thuẫn sẽ đẩy EU “xa rời” những giá trị cốt lõi của cả khối.

Và cuối cùng, hành động của Thủ tướng Đức được đưa ra là bởi vì bà “có một trái tim”.

van de nguoi ti nan: ba merkel se phai tra gia vi lam… dung? hinh 1
Đức khó có thể tiếp nhận số lượng người tị nạn như đã làm năm ngoái. (Ảnh: AFP)
Có thể khẳng định rằng, bà Merkel đã làm đúng. Câu hỏi đặt ra lúc này là bà sẽ làm thế nào để xử lý hệ quả của việc tiếp nhận người xin tị nạn. Việc quản lý liên quan đến việc thiết lập các giới hạn. Sau khi đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn trong năm 2015, Đức không thể làm điều tương tự trong năm 2016.

Tổng thống Đức Joachim Gauck mới đây cho rằng: “Một chiến lược hạn chế là cần thiết để bảo toàn khả năng hoạt động của nhà nước. Nếu những người dân chủ từ chối nói về giới hạn người tị nạn thì điều đó chẳng khác nào cổ xúy cho chủ nghĩa dân túy và bài ngoại”.

Trách nhiệm không của riêng ai

Nói như vậy không có nghĩa việc giới hạn số lượng người tị nạn là câu chuyện của riêng nước Đức. Đó còn là vấn đề của Syria, của Nga, của Mỹ, của Thổ Nhĩ Kỳ và của cả châu Âu. Không phải bàn cãi về mong muốn của Thủ tướng Đức giữ cho đường biên giới chung theo Hiệp ước Schengen tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, ở thế “tiến thoái lưỡng nan” như hiện nay của bà Merkel, câu trả lời sẽ đòi hỏi một nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Những gì bà Merkel cần, đó là lời giải cho cuộc nội chiến Syria – căn nguyên khởi phát của dòng người tị nạn tràn sang châu Âu. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản bởi những tranh cãi gay gắt giữa Mỹ, phương Tây và Nga vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Bà Merkel cần Thổ Nhĩ Kỳ thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn dòng người tị nạn ở ngay khu vực cửa ngõ tiến vào châu Âu này. Tuy vậy, Thổ Nhĩ Kỳ lại đang chơi trò chơi “dùng sức ép tiền bạc” để thỏa mãn nhu cầu của họ trong khi những động thái thực chất giúp giải quyết vấn đề lại không mấy được quan tâm.

Với Nga, bà cần sự hợp tác của Moscow để giải quyết các vấn đề khu vực khi mới đây Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã thẳng thắn cho rằng, quan hệ căng thẳng giữa Moscow và phương Tây đã đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Rõ ràng, những khác biệt sâu sắc trong cách tiếp cận với các vấn đề khu vực giữa Nga với phương Tây còn lâu mới được khỏa lấp.

Bà Merkel cũng cần Mỹ – quốc gia đứng đầu lực lượng liên quân chống khủng bố ở Syria. Iraq có những động thái tích cực giúp giải quyết tình trạng bất ổn ở các quốc gia này.

Bà Merkel còn cần các nước châu Âu như Ba Lan và Hungary… những quốc gia nhận nguồn tiền viện trợ khổng lồ từ Liên minh châu Âu ngừng ngay thái độ bài ngoại, nhưng chắc chắn điều này sẽ rất khó xảy ra.

van de nguoi ti nan: ba merkel se phai tra gia vi lam… dung? hinh 2
Dòng người tị nạn vẫn tiếp tục đổ về châu Âu vì chiến tranh và xung đột. (Ảnh: Getty)
Mới đây nhất, tại một Hội nghị ở thủ đô Praha, Cộng hòa Séc, nguyên thủ 4 nước là Séc, Slovakia, Hungary và Ba Lan vẫn tiếp tục thống nhất quan điểm cho rằng kế hoạch phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư là chính sách “sai lầm”, đồng thời tuyên bố sẽ không bao giờ đồng ý với việc bị bắt buộc tạo ra các cộng đồng nhập cư trên lãnh thổ của mình.

Bà Merkel đã hành động đúng

Đối mặt với một vấn đề được cho là nan giải, bà Merkel đương nhiên không thể làm hài lòng tất cả mọi người với lựa chọn của mình. Những quốc gia vốn ủng hộ quan điểm cứng rắn của bà trong việc xử lý giải quyết khủng hoảng nợ Hy Lạp quay sang phản đối kế hoạch phân bổ người nhập cư tới các nước khu vực theo “hạn ngạch” bắt buộc. Tỷ lệ ủng hộ của các cử tri trong nước giảm sút.

Với một chính trị gia đầy cẩn trọng như bà Merkel, có thể nói những hệ lụy từ quyết định đón nhận người tị nạn chắc chắn đã được tính đến. Nhà phân tích Manfred Guellner, thuộc hãng khảo sát Forsa nhận định: “Bà ấy đang hành động rất thực tế. Bà ấy luôn cẩn trọng đi từng bước một”.

Theo ông Guellner, bà Merkel xác định phải hỗ trợ người tị nạn vì hình ảnh của nước Đức. Mới đây, bà cũng tuyên bố: “Tôi mừng là Đức đã trở thành một đất nước mà người nước ngoài gắn liền với sự hy vọng. Đây không phải là vấn đề của tôi mà của đất nước, của người dân”.

Bà Merkel cũng chỉ rõ, việc tiếp nhận người tị nạn sẽ đem lại lợi ích lớn cho nền kinh tế Đức với dân số đang ngày càng già đi, thiếu lao động trẻ. Bà kêu gọi người tị nạn học tiếng Đức, hòa nhập với xã hội, không tự cô lập mình.

Khi rời bỏ quê hương, những người tị nạn xác định họ không có lựa chọn nào khác, bất chấp hiểm nguy để đến châu Âu hoặc ở lại chờ đợi cái chết. Bà Merkel ở vị thế tốt hơn khi có thể lựa chọn hoặc tiếp nhận người tị nạn, hoặc không. Người phụ nữ có trái tim nhân hậu này đã lựa chọn đúng khi mở cửa tiếp nhận những số phận đang ở tận cùng của sự tuyệt vọng, cũng để giữ những giá trị châu Âu kỳ công xây dựng không bị đổ vỡ.

Nhìn chung, không chỉ Đức mà cả “Lục địa già” đang ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Câu trả lời cho vấn đề người tị nạn không mới khi dễ dàng thấy rằng, vấn đề có thể được giải quyết một cách căn cơ khi các điểm nóng như Syria, Iraq, Libya, Afghanistan… lắng dịu. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này lại không nằm tầm tay của Đức hay EU.

Việc quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn sẽ đẩy tương lai chính trị của bà Merkel đi về đâu? Câu hỏi ấy chỉ có thời gian mới có thể trả lời. Tuy nhiên, hình ảnh một nước Đức của niềm hy vọng vẫn sẽ là hình ảnh đẹp đối với những hoàn cảnh éo le trên khắp thế giới./.

Hùng Cường/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *