(kontumtv.vn) – Nếu Tổng thống đắc cử Trump chọn cựu Giám đốc CIA David Petraeus làm Ngoại trưởng Mỹ, đây có thể sẽ là lựa chọn tốt nhất của ông.

Không phải là lựa chọn bất đắc dĩ

Theo Financial Times, dù nhiều vị trí quan trọng đã được ông Trump dành cho các tướng lĩnh khác như James Mattis vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng hay Mike Flynn vào vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, việc ông David Petraeus- một tướng lĩnh giàu kinh nghiệm khác được cân nhắc vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ đã được tính toán kỹ chứ không phải là một giải pháp “xoa dịu” ông Petraeus.

vi tri ngoai truong my se ve tay cuu giam doc cia david petraeus hinh 1
Không chỉ là một vị tướng giỏi, ông Petraeus còn nổi tiếng là người có hiểu biết sâu rộng về các vấn đề quốc tế. Ảnh: AFP

Điều này là bởi, ông Petraeus được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ đảm nhiệm rất tốt vị trí Ngoại trưởng Mỹ bởi ông được cho là có nhiều kinh nghiệm hơn rất nhiều các Ngoại trưởng trước đó của Mỹ. Dù vậy, ông Petraeus không phải là ứng viên duy nhất cho vị trí này.

Một trong số này là ông Mitt Romney. Ông Romney cũng là một người rất thông minh và tao nhã. Hơn thế nữa, nếu lựa chọn ông Romney, ông Trump sẽ cho thấy mình không có ý loại bỏ những người từng chống lại ông trong suốt thời gian diễn ra vận động tranh cử và bầu cử Tổng thống Mỹ. Điều này cũng giúp ông Trump dập tắt mọi chỉ trích trước đó nhằm vào bản thân ông.

Tuy nhiên, so với ông Mitt Romney và một loạt các ứng viên khác như Thượng nghị sĩ Bob Corker, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton, CEO của ExxonMobil Rex Tillerson và cựu Đại sứ Jon Huntsman, ông Patraeus vẫn được đánh giá cao hơn rất nhiều vì những hiểu biết sâu rộng của ông về tình hình thế giới.

Điều này là bởi, dù dành tới 37 năm trong quân ngũ và lên đến vị trí tướng 4 sao trước đi nghỉ hưu, ông Petraeus không đơn thuần chỉ là một tướng lĩnh mà còn là một học giả uyên bác có bằng Tiến sĩ về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Princeton- trường Đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ.

Một trong những thành tựu lớn của ông Patraeus là cùng với ông James Mattis soạn thảo một tài liệu chỉ dẫn cho binh sĩ Bộ binh và Thủy quân Lục chiến Mỹ tham chiến tại Iraq. Thành công của tài liệu này đã giúp ông trở thành Tư lệnh các lực lượng quân đội Mỹ tại Iraq.

Sau đó, ông tiếp tục leo lên vị trí người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, tư lệnh quân đội Mỹ tại Afghanistan và sau đó là Giám đốc CIA. Trong mọi vị trí công tác của mình, ông Patraeus đều cho thấy ông là người không chỉ có tầm nhìn về quân sự mà còn về chiến lược và ngoại giao sâu rộng.

Nhà ngoại giao đại tài

Điều này được thể hiện rất rõ tại Iraq vào năm 2007-2008 khi ông Patraeus là người rất tích cực trong việc truyền tải thông điệp của mình đến các nhà báo và các nhà lập pháp Mỹ rằng ông cần thêm thời gian để giành chiến thắng tại Iraq trong khi vẫn phải bận rộn hối thúc Thủ tướng Iraq lúc đó là Nouri al-Maliki cần phải hợp tác với những người Sunni đang bị “gạt ra rìa” trong cuộc chiến này.

Ông Patraeus cũng hiểu rõ rằng, cuộc xung đột tại Iraq cần được giải quyết thông qua các biện pháp về chính trị, ngoại giao và truyền thông trong khi không ngần ngại sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu của mình một cách hiệu quả nhất.

Sau đó, khi trở thành người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ từ năm 2008-2010, ông Patraeus có tiếng nói quyết định tại Trung Đông vượt qua cả các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhờ uy tín và sự kết nối rộng rãi của ông với các lãnh đạo về chính trị và quân sự trong khu vực.

Kể cả khi rời khỏi Chính phủ, ông Petraeus vẫn thường xuyên công du khắp nơi trên thế giới với tư cách là Chủ tịch Viện KKR Toàn cầu. Tại cương vị này, ông Petraeus thường xuyên cân nhắc rất nhiều vấn đề có tầm quan trọng bên ngoài khía cạnh quân sự.

Theo đó, ông từng là đồng Chủ tịch một nhóm công tác của Ủy ban Đối ngoại về vấn đề Bắc Mỹ với mục tiêu tăng cường quan hệ giữa Mỹ với Mexico và Canada.

Có thể nhận thấy, tầm nhìn của ông Petraeus hoàn toàn vượt ra ngoài khía cạnh quân sự thuần túy. Tuy nhiên, có thể ông Petraeus sẽ không sớm được ông Trump lựa chọn vào vị trí của mình nhanh như ông Mattis bởi vị trí Ngoại trưởng Mỹ là rất quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai chính sách đối ngoại của Mỹ.

Dù vậy, theo các chuyên gia, sẽ “không có cái nhíu mày” nào của bất kỳ một giới chức Mỹ nào nếu ông Petraeus trở thành vị tướng lĩnh thứ 3 nắm giữ vị trí quan trọng trong chính quyền mới của ông Trump. Ông Petraeus được kỳ vọng sẽ trở thành nhân tố “kiềm chế” được những phát ngôn có phần gây sốc của Tổng thống đắc cử có thể gây tổn hại đến quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới.

Bê bối trong quá khứ khó ngăn được ông Petraeus

Dù vậy, một trong những yếu tố có thể khiến ông Petraeus trượt khỏi vị trí Ngoại trưởng Mỹ là việc ông đã dính vào bê bối trong quá khứ khiến ông buộc phải từ chức Giám đốc CIA vào năm 2012.

Theo đó, ông Petraeus thừa nhận rằng, ông đã chia sẻ những thông tin mật của Mỹ với bà Paula Broadwell- tình nhân và cũng là người viết hồi ký của ông. Vụ việc này khiến ông bị cáo buộc hành xử bất cẩn và phải chấp nhận 2 năm án treo cùng số tiền phạt 100.000USD.

Có thể nói, việc phải từ chức Giám đốc CIA và bị công chúng chỉ trích dữ dội là một trải nghiệm cực kỳ đau đớn đối với ông Petraeus, một người rất coi trọng danh tiếng cá nhân.

Việc ông Petraeus bị từ chối chức vụ Ngoại trưởng Mỹ chỉ vì sai lầm trong quá khứ nếu xảy ra sẽ được cho là một hành động có phần thái quá. Ông Petraeus là người có thể cống hiến rất nhiều cho nước Mỹ. Nếu trở thành Ngoại trưởng, ông hoàn toàn có thể đạt được những thành tựu như vị tướng mà ông rất ngưỡng mộ George C. Marshall đã giành được./.

Trần Khánh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *