(kontumtv.vn) – Trước khi Petro Poroshenko vạch ra các ưu tiên của mình sau bầu cử ở Ukraina ngày 26/5, ông đã đối mặt với một loạt những tín hiệu “nhắc nhở” rằng công việc tương lai của ông ở vị trí Tổng thống sẽ đầy rẫy chông gai.

Ngay từ sớm cùng ngày, các tay súng thân Nga đã phong tỏa sân bay trung tâm ở Donetsk, thủ phủ của vùng miền đông công nghiệp hóa và là nôi của phong trào li khai ở Ukraina. Các chuyến bay tê liệt, và đụng độ đã nổ ra ngay ác liệt.

Trong khi đó, lãnh đạo của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng không công nhận kết quả bầu cử Tổng thống Ukraina và tuyên bố “tình trạng quân sự” trong khu vực, theo các hãng tin Nga.

Petro Poroshenko, tương lai, chông gai, thách thức, Ukraina, li khai, bất ổn
Petro Poroshenko sẽ đối mặt thử thách lớn trên cương vị Tổng thống Ukraina. (Ảnh: Reuters)

Giữa bối cảnh tiếng súng vẫn nổ và đất nước Ukraina chia rẽ nghiêm trọng hơn bao giờ hết, giới phân tích cho rằng Poroshenko sẽ phải đối mặt với một trận chiến khốc liệt hơn nhiều so với tất cả những người tiền nhiệm của ông, mặc dù chính trị gia tỷ phú này cam kết sẽ ngăn chặn li khai và hàn gắn quan hệ với Nga.

“Ông ấy cần phải tạo ra một đất nước gần như mới hoàn toàn từ hai bàn tay trắng”, trang Business Insider dẫn lời Vadim Karasyov, Giám đốc Viện Các chiến lược toàn cầu ở Kiev nhận định.

Các quan sát viên bầu cử quốc tế ca ngợi cuộc bỏ phiếu ngày 25/5 ở Ukraina là theo đúng các tiêu chuẩn quốc tế. Poroshenko đã giành đa số phiếu áp đảo nhưng chiến thắng của ông bị phe li khai ở đông Ukraina ngăn trở bằng sự hăm dọa bạo lực.

Ngày 26/5, Poroshenko cam kết sẽ tìm kiếm đối thoại với bất kỳ nhà hoạt động chống Kiev nào hạ vũ khí, nhưng nhất quyết từ chối đàm phán với “những kẻ khủng bố” mà ông cho là đang đe dọa an ninh quốc gia. “Vua chocolate” cũng cam kết tiếp tục các hoạt động “chống khủng bố” của quân đội Ukraina và thúc đẩy tính hiệu quả của chiến dịch này.

Một số chuyên gia lập luận, cách thức mà Poroshenko giải quyết làn sóng chống đối ở miền đông có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội đối thoại với Moscow.

Nga luôn khẳng định nước này không liên quan tới phong trào li khai ở miền đông Ukraina như Kiev và phương Tây cáo buộc, song khuyến cáo Kiev không hành động quân sự chống lại “những người biểu tình hòa bình” ở đó.

“Poroshenko nhiều khả năng sẽ cho phe li khai một thời hạn để từ bỏ vũ khí nếu họ không muốn đối mặt với hậu quả của một chiến dịch quân sự – vậy chúng ta hãy cùng chờ xem Moscow phản ứng thế nào với việc này nếu có thương vong quy mô lớn trên thực địa”, Timothy Ash, một phân tích gia thuộc Ngân hàng Standard ở London, viết trong một phụ trương của tờ Kiev Post.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí đã tuyên bố trước cuộc bỏ phiếu ở Ukraina rằng ông sẽ làm việc với Tổng thống mới được bầu ở Kiev. Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng nhắc lại quan điểm này trong ngày 26/5, song cảnh báo việc Kiev nối lại chiến dịch quân sự ở miền đông sẽ là một “sai lầm lớn”.

Cùng ngày, súng vẫn nổ ở sân bay Donetsk và có tin cho biết các chiến đấu cơ Ukraina đã tiến hành oanh kích khu vực này.

Ngoài bất ổn li khai ở miền đông, Poroshenko còn phải đối mặt với thách thức củng cố sự ủng hộ chính trị cho các chính sách của ông.

Thương gia nổi tiếng với biệt danh “ông trùm bánh kẹo” nhờ việc kinh doanh phát đạt và vai trò nổi bật trong phong trào biểu tình lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych, sẽ phải điều hành đất nước theo một hiến pháp mới, mà tổng thống bị giảm bớt quyền lực còn quốc hội sẽ có thêm nhiều sức mạnh.

Trên danh nghĩa, Poroshenko đang dẫn dắt đảng chính trị của ông, nhưng đảng này mới chỉ là một thực thể hợp pháp chứ chưa thực sự có ảnh hưởng. Đó là một phần lý do tại sao ông liên kết với cựu vô địch quyền Anh thế giới Vitali Klitschko, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu chọn thị trưởng Kiev, hồi mùa xuân vừa qua trong một liên minh chính trị bề thế hơn.

Đảng Liên minh Dân chủ vì Cải cách Ukraina (UDAR) của Klitschko hiện là lực lượng lớn thứ 3 ở Quốc hội và có thể có ích cho Poroshenko.

Nếu không, tân Tổng thống Ukraina có thể sẽ phải tìm cách thiết lập cỗ xe chính trị của riêng mình để nâng tầm ảnh hưởng.

Dù cách nào thì theo Serhiy Leshchenko, một nhà báo nổi tiếng ở Ukraina, mục tiêu chính trị chủ chốt của Poroshenko vẫn sẽ là giải tán quốc hội và yêu cầu tổ chức bầu cử nhanh sớm nhất có thể, tận dụng tỷ lệ ủng hộ rất cao dành cho ông hiện nay trước khi quá muộn, nhất là trong một thế giới quá nhiều biến động của chính trường Ukraina.

Thanh Hảo/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *