Trong ba năm tới, với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tham gia tích cực và chủ động đóng góp vào công việc chung của Hội đồng, bám sát quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người.

 

Việt Nam đã chính thức được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ tại New York (Mỹ) vào sáng 13/11 theo giờ Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia cơ quan quan trọng nhất của LHQ về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

5 năm gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nền kinh tế Việt Nam xuất hiện một số yếu tố bất ổn, lạm phát tăng cao. Điều này buộc Chính phủ phải có những điều chỉnh chính sách, cắt giảm đầu tư. Vốn đầu tư, từ chỗ chiếm 45% GDP, đã giảm xuống 29,5% những năm gần đây. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho các chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ vẫn được giữ nguyên, ở mức khoảng 90.000 tỷ đồng mỗi năm với số hộ nghèo giảm mạnh. Thành tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã được LHQ ghi nhận là đạt hơn cả những gì đã cam kết trong mục tiêu Thiên niên kỷ mà LHQ đề ra trong năm 2015.


Việt Nam giành số phiếu cao nhất trong cuộc bỏ phiếu lần này. Ảnh: VOV 

Bà Helen Clark, Tổng Giám đốc chương trình Phát triển LHQ UNDP đánh giá: “Chúng tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng và phát triển đáng kinh ngạc của Việt Nam trong những năm qua, nếu nhìn vào mục tiêu Thiên niên kỷ mà LHQ đưa ra thì Việt Nam đã làm rất tốt, trong rất nhiều mục tiêu như chống đói nghèo, bảo vệ sức khỏe cho trẻ mới sinh, cân bằng giới, với việc tạo nhiều cơ hội cho phụ nữ tham gia quá trình hoạch định chính sách, giáo dục, rất nhiều điểm tích cực mà chúng tôi đã đề cập đến trong nhiều diễn đàn khác nhau về sự phát triển của Việt Nam”.

Với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối, với 184 trong tổng số 192 thành viên LHQ bỏ phiếu bầu, giành số phiếu cao nhất trong số 14 quốc gia được bầu trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, ngay sau khi công bố kết quả, nhiều nước đã đánh giá cao chính sách và nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực bảo đảm quyền con người, cho đây là thắng lợi chung của các nước đang phát triển.

Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, nhân dân Việt Nam, thông qua bản Hiến pháp đang được sửa đổi, bổ sung, sau quá trình lấy ý kiến của người dân đã khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc coi trọng quyền con người, quyền công dân, quyền tự do tôn giáo và tự do không tôn giáo. Các học giả trong và ngoài nước đánh giá cao việc dự thảo Hiến pháp, đưa quyền con người, quyền công dân trở thành nội dung của chương 2, với nhiều nội hàm tiếp thu từ luật pháp quốc tế và được áp dụng trực tiếp, không cần chờ luật, nghị định, thông tư quy định chi tiết như trước đây.

Theo GS-TS Nguyễn Đăng Dung, Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Trước đây có nhiều điều quy định về quyền con người, quyền công dân, cứ có một cụm từ kèm theo là “theo quy định của pháp luật”, thì bây giờ đã bị loại bỏ hầu như gần hết, chỉ còn lại một hai điều. Vì vậy, việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân cũng là tiêu chí cuối cùng của mỗi bản hiến pháp, gửi ra một thông điệp cho thế giới là sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như bản thân nhân dân Việt Nam muốn thực hiện quyền con người được quy định trong các công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị văn hóa, kinh tế xã hội mà Việt Nam đã ký kết”.

Trong ba năm tới, với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tham gia tích cực và chủ động đóng góp vào công việc chung của Hội đồng, bám sát quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người và các định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đồng thời thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên LHQ.

Theo : Thái Thanh/vtv.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *