(kontumtv.vn) – Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 10/8 hối thúc 20 người có quyền lực trên thế giới đảo ngược tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu trước tháng 10 tới.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trên mạng xã hội, ông Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, cho rằng thế giới cần tỏ thái độ phản đối tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận vaccine, đồng thời khẳng định nếu người nghèo trên thế giới không được tiêm vaccine ngừa COVID-19, tình hình có thể trở nên xấu đi. Theo ông, hiện có khoảng 20 nhân vật trên thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết bài toán “cân bằng” vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu. Đây là những người đứng đầu các công ty lớn liên quan đến vaccine ngừa COVID-19, đứng đầu các nước ký hợp đồng mua hầu hết vaccine trên thế giới và đứng đầu các nước sản xuất vaccine. Ông Aylward khẳng định thế giới cần 20 nhân vật này lên tiếng cam kết sẽ giải quyết tình trạng này trước cuối tháng 9, và đảm bảo 10% dân số ở mỗi nước được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Cho đến nay, gần 4,5 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới. Tại các nước có thu nhập cao, theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB), 104 liều vaccine được tiêm cho 100 người. Tuy nhiên, tỷ lệ này tại 29 nước có thu nhập thấp nhất, chỉ có 2 liều được tiêm cho 100 người.

Trước đó, WHO đặt mục tiêu mỗi nước có ít nhất 10% dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước cuối tháng 9 tới, sau đó nâng tỷ lệ này lên lần lượt là 40% và 70% vào cuối năm nay và vào giữa năm 2022. Tuần trước, WHO kêu gọi tạm hoãn việc tiêm mũi bổ sung vaccine ngừa COVID-19 nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong việc phân phối vaccine, dù một số nước giàu đang bất chấp thúc đẩy việc này. Theo WHO, chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy cần thúc đẩy việc tiêm mũi thứ 3 vaccine ngừa COVID-19 bổ sung.

Cùng ngày, chính quyền tỉnh Quebec – tỉnh đông dân thứ 2 của Canada thông báo người dân muốn dùng bữa tại nhà hàng, đi tới quán bar hoặc tập thể dục, hoặc tham dự lễ hội ở tỉnh này sẽ phải xuất trình “hộ chiếu vaccine” từ ngày 1/9 tới. Đây là địa phương đầu tiên của Canada áp dụng quy định này.

Phát biểu với báo giới, người phụ trách lĩnh vực y tế của tỉnh Quebec, ông Christian Dube khẳng định mục tiêu của chính quyền khi áp dụng “hộ chiếu vaccine” là nhằm tránh việc áp đặt lại biện pháp phong tỏa, cũng như giảm quá tải ở các bệnh viện.

Giới chức y tế Canada cảnh báo dù hơn 60% người dân nước này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, song tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 tại nước này có thể tăng trở lại sau khi giảm vào tháng 6 và tháng 7 do sự xuất hiện của các biến thể. Chính quyền Quebec cho biết sẽ thông báo những địa điểm công cộng bắt buộc phải xuất trình “hộ chiếu vaccine” trong thời gian tới.

Trong 24 giờ qua, Quebec ghi nhận 234 ca mắc mới COVID-19. Khoảng 84% người dân tỉnh này đã được tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19 và 70% người dân đã được tiêm phòng đầy đủ. Đến nay, số ca nhiễm biến thể Delta tại Quebec chiếm hơn 33% và giới chuyên gia dự đoán con số này có thể tăng lên 50% trong những tuần tới.

Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Mexico, nước này thông báo Mỹ sẽ hỗ trợ thêm 8,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho nước này, trong đó có 3,5 triệu liều vaccine của Moderna và 5 triệu liều vaccine của AstraZeneca.

Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard cho biết đây là một trong những kết quả đạt được sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 9/8. Trong cuộc điện đàm, hai bên đã thảo luận việc mở cửa hoàn toàn biên giới đường bộ chung và hợp tác chống đại dịch COVID-19, sau 18 tháng hạn chế đi lại do dịch bệnh.

Ngọc Hà (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *