(kontumtv.vn) – Căng thẳng ở miền Đông Ukraine gần đây cho thấy, chặng đường tiến tới hòa bình ổn định ở Ukraine sẽ còn nhiều chông gai.

Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, một máy bay trực thăng quân sự của nước này ngày 5/5 đã bị bắn rơi gần thành phố miền Đông Slavyansk do lực lượng ly khai kiểm soát.

Chiếc Mi-24 đã rơi xuống một dòng sông sau khi hứng chịu hỏa lực dữ dội của súng máy. Sự việc diễn ra giữa lúc Chính quyền Kiev ngày 5/5 điều thêm lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tới khu vực thành phố cảng Odessa miền Tây Nam Ukraine.

Đám đông hỗn loại bên ngoài tòa nhà công đoàn ở Odessa hôm 2/5 (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Ukraine cho biết, lực lượng được điều tới Odessa sẽ thay thế lực lượng cảnh sát địa phương vốn thất bại trong việc ngăn cản những hành động của người biểu tình vào cuối tuần qua.

Việc điều lực lượng cảnh sát đặc nhiệm này là một tín hiệu cụ thể từ Kiev cho thấy trong khi đang nỗ lực trấn áp người biểu tình ủng hộ Nga, chính quyền Kiev vẫn cố gắng tránh khả năng xảy ra nội chiến tại đây.

Trong khi đó, tình hình ở khu vực miền đông Ukraine vẫn đang có những dấu hiệu nóng dần lên. Hãng tin AFP dẫn nguồn tin Bộ Nội vụ Ukraine cho biết, có 4 binh sỹ nước này đã thiệt mạng cùng 30 người khác bị thương trong trận giao tranh ác liệt ngày 5/5 gần Slavyansk – thành phố đang bị lực lượng ly khai chiếm đóng.

Diana, một thiếu nữ 15 tuổi sống trong một ngôi nhà nhỏ gần Slavyansk nơi ngã ba đường chiến lược giữa Kharkov và Rostov cho biết, cô đã nhìn thấy xe tăng Ukraine bắn vào xe của những người ly khai.

Diana nói: “Sau vụ nổ súng, cha tôi bị thương ở đầu do các mảnh vỡ bắn vào. Thật là đáng sợ. Chúng tôi không biết phải đi đâu để được an toàn. Tất cả mọi thứ đã bị hư hỏng, tivi và máy tính đã vỡ nát… Họ thậm chí đã bắn vào xe của chúng tôi”.

Một số nhân chứng khác cũng cho hay, tình hình tại Slavyansk hiện đang rất căng thẳng, tiếng còi báo động, tiếng chuông nhà thờ liên tục vang lên ở trung tâm thành phố và quảng trường chính.

Thị trưởng tự phong của Slavyansk, ông Vyacheslav Ponomarev trả lời phỏng vấn Reuters qua điện thoại: “Chính phủ lâm thời Kiev đang triển khai một lực lượng lớn hơn bao giờ hết, họ sử dụng cả lính dù… Đối với chúng tôi, họ không phải là những binh lính, họ là những kẻ phát xít”.

Trước những diễn biến mới nói trên, Bộ Ngoại giao Nga ngày 5/5 đã ra tuyên bố kêu gọi Kiev “chấm dứt đổ máu, rút quân và ngồi vào bàn đàm phán” để tìm ra lối thoát cho bế tắc hiện nay ở Ukraine. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng công bố một bản báo cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Ukraine, chủ yếu nhằm vào giới chức Kiev và Phương Tây.

Bản báo cáo dày 81 trang, được đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao Nga, bao gồm “nhiều sự thật” về tình trạng lạm dụng và vi phạm nhân quyền ở Ukraine từ cuối tháng 11/2013 tới cuối tháng 3/2014.

Bản báo cáo có đoạn viết: “Danh sách hiện nay về những vụ vi phạm trắng trợn nhất các quy tắc cơ bản của quốc tế về nhân quyền và luật pháp… cung cấp đủ căn cứ cho tuyên bố về tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan ở Ukraine”. Báo cáo cũng cáo buộc giới chức Kiev “thâu tóm quá nhiều quyền lực, đảo chính vi hiến, phá hủy các cơ cấu quyền lực hợp pháp, tống tiền trắng trợn, đàn áp, ngược đãi phe đối lập chính trị”.

Khi chỉ ra những vi phạm nhân quyền mà tới nay “vẫn chưa bị trừng phạt” này, Nga cũng bày tỏ hy vọng các tổ chức quốc tế hữu quan sẽ thừa nhận thực trạng nói trên. Bản báo cáo cho rằng, nếu không được thừa nhận thì tình trạng này sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho “hòa bình và an ninh khu vực, dẫn tới tình trạng leo thang mâu thuẫn và xung đột quốc tế và giữa các sắc tộc”.

Mối quan tâm cho Kiev

Kể từ khi căng thẳng ở miền Đông Ukraine nổ ra, Mỹ và phương Tây liên tục tố cáo Nga đang tìm cách phá hoại hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine thông qua việc “cài cắm” những sỹ quan của lực lượng đặc nhiệm để lãnh đạo cuộc nổi dậy như những gì đã xảy ra ở Crimea. Tuy nhiên, Nga đã gọi những cáo buộc này là “vô căn cứ”.

Quân đội Ukraine hội quân gần thành phố Slavyansk (Ảnh: AFP)

Liên quan đến những cáo buộc này, Phát biểu trên kênh truyền hình ZDF của Đức tối 5/5, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, vấn đề hiện nay không phải là đổ lỗi cho nhau mà cần tìm ra giải pháp để “tháo ngòi” căng thẳng ở khu vực này.

Theo Ngoại trưởng Steinmeier, có nhiều nhóm ở Đông Ukraine không nghe theo chính quyền Kiev mà cũng chẳng nghe theo Moscow. Ngoại trưởng Đức cũng nhấn mạnh rằng “nhất định phải chấm dứt tình trạng đổ máu hiện nay ở Ukraine”.

Trong khi đó, Tư lệnh quân sự cấp cao của NATO, Tướng Philip Breedlove cho rằng, ông không nghĩ lực lượng chính quy của Nga sẽ thường xuyên xuất hiện ở miền Đông Ukraine, đồng thời dự báo rằng Moscow có thể đạt được mục đích của mình bằng các biện pháp khác.

Phát biểu tại một hội nghị quốc phòng ở Ottawa, Canada, ông Breedlove nói: “Hiện nay tôi cho rằng, Tổng thống Putin có thể đạt được các mục tiêu của mình ở miền Đông Ukraine và không bao giờ đưa quân qua biên giới với nước này”.

Ông Breedlove nói thêm: “Nhiều khả năng là ông Putin tiếp tục thực hiện chiến thuật đang được sử dụng, đó là làm mất uy tín Chính phủ lâm thời Ukraine, tạo thuận lợi cho phong trào ly khai để tiếp tục duy trì ảnh hưởng của Nga ở miền Đông Ukraine”.

Bạo lực ở Odessa đánh dấu một bước ngoặt đối với Ukraine

Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk đã cáo buộc Moscow là thủ phạm đứng đằng sau “đạo diễn” gây ra các vụ đụng độ tại Odessa khiến hơn 40 người thiệt mạng và đang đẩy nước này tiến gần hơn tới bờ vực nội chiến.

Người dân Odessa đặt hoa tưởng niệm những người thiệt mạng tại tòa nhà công đoàn thành phố hôm 2/5 (Ảnh: RIA Novosti)

Phát biểu trước đại diện các tổ chức xã hội tại Odessa, ông Yatsenyuk nói: “Hàng chục thương vong đó là kết quả của hành động được tổ chức và chuẩn bị kỹ càng để chống lại nhân dân Ukraine và chống lại Odessa”.

Ông Yatsenyuk cũng chỉ trích lực lượng cảnh sát tại đây khi nói rằng: “lực lượng này quan tâm tới việc vơ vét hơn là duy trì trật tự. Nếu họ thực thi nhiệm vụ của mình, các tổ chức khủng bố tại đây đã bị phá vỡ”.

Trong khi đó, phía Nga cho biết, họ có bằng chứng cho thấy các phần tử cực hữu là những kẻ gây ra vụ hỏa hoạn tại tòa nhà công đoàn khiến hơn 40 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương ở Odessa hôm 2/5.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin nói: ” Hành động như vậy là gợi nhớ của những tội ác của Đức quốc xã”. Ông cũng cáo buộc cộng đồng quốc tế đang “cố tình làm ngơ” trước các việc làm sai trái của chính quyền Kiev, trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây lại mô tả những kẻ phát xít mới là “những chiến binh tự do”.

Vụ đụng độ hôm 2/5 là vụ việc gây tổn thất về người lớn nhất kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovych buộc phải chạy trốn sang Nga vào tháng 2/2014. Giới phân tích cho rằng, vụ việc nghiêm trọng ở Odessa có thể khiến cho tình hình Ukraine bước sang một ngã rẽ mới, báo hiệu một tương lai không mấy tốt đẹp cho tình hình Ukraine.

Tiếp tục các nỗ lực ngoại giao

Trong một nỗ lực nhằm tháo gỡ bế tắc liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, Ngoại trưởng Đức, Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi Ukraine, Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục gặp nhau tại Geneva và tận dụng cơ hội này để gửi đi một “thông điệp chính trị mạnh mẽ” rằng các thỏa thuận đã đạt được tại hội nghị Geneva lần thứ nhất sẽ được triển khai trên thực tế.

Lực lượng tự vệ địa phương đi tuần trên đường phố Donetsk (Ảnh: Los Angeles Times)

Ông Steinmeier cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống tại Ukraine, dự kiến vào ngày 25/5 tới, giúp cho phép giới lãnh đạo tại Kiev “có được tính hợp pháp mới”.

Ông Steinmeier cho rằng, tất cả các bên trong cuộc xung đột cần khẩn trương đàm phán về cải cách Hiến pháp với sự tham gia của mọi thành phần và nhằm đạt được sự đồng thuận trên toàn quốc. Ông cũng đưa ra đề xuất, theo đó, tất cả các nhóm biểu tình đòi ly khai phải giải giáp vũ khí và ngừng chiếm đóng các tòa nhà công quyền.

Ngoài ra, ông hy vọng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) có thể đóng một vai trò then chốt trong giải quyết khủng hoảng tại Ukraine bằng việc giúp tổ chức các diễn đàn đối thoại ở mọi cấp.

Trong khi đó, ông Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, Angela Merkel cho rằng: “Cuộc bầu cử Tổng thống sẽ không chỉ là một phương tiện để giúp ổn định tình hình mà còn là tín hiệu tích cực cho một tương lai tốt đẹp hơn của Ukraine”.

Theo ông Seibert, một cuộc trưng cầu dân ý theo yêu cầu của những người biểu tình thân Nga chủ trương ly khai ở Donetsk – nơi lực lượng nổi dậy tự tuyên bố thành lập “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” sẽ chỉ làm tình hình thêm căng thẳng.

Trong một diễn biến mới nhất, Reuters và Itar-Tass dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Áo ngày 6/5 cho biết ngoại trưởng Nga và Ukraine đã cuộc gặp chớp nhoáng bên lề một hội nghị của Hội đồng châu Âu (EC) tại thủ đô Vienna, Áo tối 5/5. Tuy nhiên, chi tiết của cuộc gặp này không được tiết lộ.

Bình luận về tình hình bất ổn ở Ukraine hiện nay, ông Vadim Karasev, Giám đốc Viện Chiến nghiên cứu lược toàn cầu ở Kiev cho rằng: “Đây không phải là một cuộc xung đột giữa Đông và Tây. Đây là mâu thuẫn giữa Ukraine và Nga. Mọi việc chỉ có thể được giải quyết nếu hai bên chịu ngồi vào bàn đàm phán nói chuyện thẳng thắn với nhau, bằng không, tình hình sẽ không được cải thiện”./.

Hùng Cường/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *