(kontumtv.vn) – Ngày 27/5, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về nguyên tắc việc khôi phục phái bộ dân sự của khối này tại thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza- EUBAM.

Chú thích ảnh
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell phát biểu với báo giới tại Brussels, Bỉ, ngày 27/5/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu sau cuộc họp định kỳ hằng tháng của các ngoại trưởng các nước thành viên EU, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, cho biết các bên tham gia cuộc họp đã “bật đèn xanh” cho việc tái khởi động EUBAM, cơ quan đã ngừng hoạt động từ năm 2007 khi lực lượng Hamas giành toàn quyền kiểm soát Gaza. Ông Borrell bày tỏ tin tưởng kế hoạch kích hoạt lại phái bộ ở Rafah có thể đóng vai trò hữu ích trong việc hỗ trợ người dân vào và ra khỏi Gaza. Tuy nhiên, nhà ngoại giao EU cũng lưu ý kế hoạch này phải được thực hiện với sự nhất trí của Chính quyền Palestine, Ai Cập và cả Israel.

Đáp lại, chính quyền Palestine cũng đưa ra thông báo sẵn sàng lập tức phối hợp để mở lại cửa khẩu biên giới Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập theo thỏa thuận ký kết năm 2005 về việc quản lý các cửa khẩu. Dù vậy, nhiều nhà ngoại giao đánh giá sứ mệnh này của EU khó có thể được thực hiện trước khi xung đột ở Rafah chấm dứt.

Chú thích ảnh
Cảnh tàn phá sau cuộc không kích của Israel xuống khu lều trại dành cho người tị nạn ở Rafah, Dải Gaza, ngày 27/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ việc Israel triển khai chiến dịch quân sự ở thành phố biên giới Dải Gaza và Ai Cập, nơi có cửa khẩu quan trọng kết nối dải đất này với thế giới bên ngoài. Đặc biệt, tối 26/5, Israel đã thực hiện cuộc không kích nhằm vào trại tị nạn ở Dải Gaza khiến ít nhất 45 dân thường thiệt mạng, dấy lên những phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Ngày 27/5, ông Borrell lên án vụ tấn công kinh hoàng của Israel nhằm vào trại tị nạn ở Rafah, cho thấy không có nơi nào an toàn ở Gaza. Trên mạng xã hội X, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng  kêu gọi Israel lập tức dừng chiến dịch tại Rafah, ngừng bắn và tôn trọng đầy đủ luật pháp quốc tế. Các nước thành viên EU cũng đã nhất trí triệu tập một cuộc họp để yêu cầu Israel giải thích về cuộc tấn công ở Rafah bất chấp phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) yêu cầu tạm dừng mọi hoạt động quân sự tại đây.

Chú thích ảnh
Cảnh tàn phá sau cuộc không kích của Israel xuống khu lều trại dành cho người tị nạn ở Rafah, Dải Gaza, ngày 27/5/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày 27/5, Chính phủ Mỹ kêu gọi Israel thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để bảo vệ dân thường sau khi xuất hiện “những hình ảnh tàn khốc” liên quan đến cuộc tấn công quân sự vào Rafah. Phía Mỹ khẳng định đang tích cực phối hợp với Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) và các đối tác trên thực địa để đánh giá tình hình.

Trong khi đó, Chính phủ Canada thông báo sẽ cấp thị thực nhập cư cho 5.000 người dân Dải Gaza, tăng 5 lần so với mức cam kết hiện nay. Bộ trưởng Nhập cư Canada Marc Miller nêu rõ dù hiện nay việc ra khỏi dải đất này là rất khó khăn nhưng tình hình có thể thay đổi bất kỳ lúc nào và Canada tin rằng quyết định nêu trên cho phép nước này chuẩn bị sẵn sàng giúp đỡ thêm nhiều người dân Gaza khi có thể. Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cũng đã lên án các vụ không kích khiến dân thường thiệt mạng ở Rafah đồng thời khẳng định nước này không ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel tại thành phố phía Nam Dải Gaza.

 Lê Ánh (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *