(kontumtv.vn) – Người dân ở Dải Gaza đang đối mặt với thảm họa nhân đạo ngày càng trầm trọng hơn trong khi các hoạt động viện trợ nhân đạo quốc tế đến khu vực này hiện gặp trở ngại.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên trong xung đột giữa quân đội Israel và phong trào Hamas tại thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza, ngày 10/10/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 10/10, ông Hussein Al-Sheikh, Tổng Thư ký‎ Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế và các tổ chức nhân đạo quốc tế tìm giải pháp để có thể đưa hàng viện trợ đến được với người dân ở Dải Gaza đang thiếu thốn nhu yếu phẩm.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Israel ngày 9/10 thông báo phong tỏa toàn bộ Dải Gaza, trong đó có lệnh cấm nhiên liệu và lương thực. Ông Guterres nói: “Trước khi xảy ra xung đột, tình hình nhân đạo ở Dải Gaza đã hết sức tồi tệ. Giờ đây, tình hình sẽ nhanh chóng trầm trọng hơn”. Các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở phạm vi quốc tế cũng đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về tình hình nhân đạo và y tế ở Dải Gaza.

Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới tiếp tục triển khai các biện pháp bảo hộ công dân của mình tại khu vực xung đột nói trên. Chính phủ Hà Lan ngày 10/10 cho biết sẽ điều một máy bay quân sự để sơ tán công dân khỏi Israel vào ngày 11/10. Trước đó, Hà Lan cũng đã cảnh báo người dân không nên đi du lịch tới các vùng ở Israel giáp Dải Gaza, Syria, Liban và Ai Cập. Tương tự, một nguồn tin thân cận với Bộ Ngoại giao Đức cho biết hãng hàng không Lufthansa của nước này sẽ điều động 4 chuyến bay trong ngày 12/10 và 13/10 để sơ tán công dân khỏi Israel. Argentina ngày 10/10 đã bắt đầu triển khai hoạt động sơ tán hơn 1.200 công dân khỏi Israel. Quốc gia láng giềng khác ở khu vực Mỹ Latinh là Uruguay cho biết cũng sẽ triển khai phương án tương tự. Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho biết nước này đang lập kế hoạch để triển khai các chuyến bay sơ tán công dân “trong những ngày tới”. Trong khi đó, Nigeria đã sơ tán được hơn 300 công dân trở về nước. Nhiều nước đã báo cáo công dân bị thiệt mạng, bắt cóc hoặc mất tích.

Các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi thiết lập những hành lang nhân đạo cho những người muốn rời khỏi vùng xung đột. Theo LHQ, cho đến nay, hơn 260.000 người đã phải rời khởi nơi ở để đến tạm trú ở những khu vực khác trong phạm vi Dải Gaza, chủ yếu là tạm trú tại các trường học do LHQ xây dựng tại đó. Cho đến nay, đây là con số cao nhất kể từ khi xảy ra cuộc xung đột kéo dài 50 ngày giữa Israel – Hamas vào năm 2014. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết con số này sẽ gia tăng trong những ngày tới.

Trong một diễn biến liên quan, Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei ngày 10/10 đã bác cáo buộc Tehran liên quan đến các cuộc tấn công ngày 7/10 mà phong trào Hamas tiến hành nhằm vào các thị trấn của Israel nằm kề bên Dải Gaza dẫn tới các cuộc tấn công đáp trả từ phía Israel. Phát biểu tại lễ tốt nghiệp cho các học viên trường sĩ quan của Lực lượng vũ trang Iran, nhà lãnh đạo này khẳng định những cáo buộc như vậy là “vô nghĩa”.

Nguyễn Hà (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *