(kontumtv.vn) – Nơi điều trị người nhiễm Covid-19 của Serbia nhìn giống như một tòa nhà đã bỏ hoang, dù trên thực tế không phải như vậy.

Những bức tường bong tróc, nhiều căn phòng chật chội, bệnh viện quân y chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm ở thủ đô Belgrade, Serbia từ lâu đã là biểu tượng cho hệ thống y tế nghèo nàn của quốc gia Nam Âu này. Và hiện đội ngũ y bác sĩ nơi đây đang phải đối phó với nguy cơ dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Dù Covid-19 vẫn chưa gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới những quốc gia thuộc vùng đông và trung Âu như tại các nước Italia, Pháp hay Tây Ban Nha, nhưng các quan chức y tế tại khu vực này đã cảnh báo về tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, giường bệnh cùng đội ngũ y tế để có thể đối phó với nguy cơ dịch corona bùng phát.

Y tế châu Âu ‘gồng mình’ chống Covid-19
Lực lượng an ninh túc trực tại Bệnh viện quân y Belgrade, nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Serbia. Ảnh: AP

Chính phủ các quốc gia Trung Âu cũng đã lệnh giới nghiêm, như chặn các tuyến đường giao thông cho tới đóng cửa nhiều trường học. Chẳng hạn Chính phủ Slovenia đã dừng các khóa đào tạo các bác sĩ và thực tập sinh, để lực lượng này có thể tham gia góp sức chống lại dịch bệnh.

Số liệu AP tính tới ngày 18/3 cho biết, Slovenia đang chịu thiệt hại nặng do Covid-19 gây ra, khi nước này có 273 ca nhiễm và một trường hợp tử vong.

Hệ thống y tế các nước Serbia, Bulgaria, Albania, Bosnia, Macedonia và Romania trong nhiều năm qua đã xuống cấp trầm trọng do thiếu đội ngũ bác sĩ và y tá. Đã có rất nhiều người làm trong lĩnh vực y tế ở những nước này chuyển sang sinh sống ở các quốc gia giàu hơn để có mức lương cao, đồng thời cũng để tránh việc họ phải làm việc quá sức nhiều giờ, mức trả lương khiêm tốn và sự thiếu hụt về trang thiết bị y tế cơ bản để cứu chữa các bệnh nhân.

Nhiều quốc gia Trung và Nam Âu đã phải đưa ra các biện pháp nhằm khuyến khích lực lượng y tế chống dịch. Tại Bulgaria, chính phủ đã công bố khoảng hỗ trợ tài chính cho bất kỳ y bác sĩ nào tham gia việc chữa trị cho bệnh nhân Covid-19. Cụ thể, sẽ có thêm 500 Euro tiền thưởng ngoài lương hàng tháng.

Trong khi đó ở Albania, Thủ tướng Edi Rama cho biết mức lương trả cho cán bộ y tế nước này sẽ tăng từ 450 Euro lên mức 1.000 Euro/ tháng.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic tuần trước tuyên bố, bất kỳ y bác sĩ tham gia việc chạy chữa cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 sẽ được tăng thêm 10% lương. Đồng thời hủy thỏa thuận cho Đức thuê đội ngũ y bác sĩ.

Ngoài ra, sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp tại Serbia cũng được đưa ra, trong đó có việc cấm người dân ra ngoài vào ban đêm hay buộc những người già trên 65 tuổi phải ở trong nhà.

Nhà dịch tễ học Predrag Kon thuộc đội phòng chống Covid-19 của chính phủ Serbia nhận định rằng, việc chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp là nhằm mục đích tránh tình trạng các phòng khám bị quá tải và tạo áp lực đè nặng lên hệ thống y tế nước này.

Trong khi đó người đứng đầu bệnh viện trung ương tại Sarajevo thuộc Bosnia, ông Zlatko Kravic lại lo ngại về khả năng đối phó với dịch bệnh Covid-19 của nước này, bởi đội ngũ y tế Bosnia luôn trong tình trạng thiếu nhân lực. “Chúng tôi sẽ cần thêm nhiều bác sĩ, đội ngũ y tế của chúng tôi cần được tăng ít nhất thêm 1/3”, ông Kravic nhận định.

Tuấn Trần/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *