(kontumtv.vn) – Tại tỉnh Kon Tum, sau 10 năm phát động, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của người dân, doanh nghiệp, địa phương. Để hiểu rõ hơn kết quả đạt được trong thực hiện cuộc vận động trên địa bàn tỉnh thời gian qua, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Duy Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh

PV: Thưa ông, tại tỉnh Kon Tum, việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội triển khai tích cực như thế nào trong 10 năm qua?

Ông Lưu Duy Khanh: Trong 10 năm qua, sau khi có Kết luận 264 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 67 của Tỉnh ủy thì tỉnh đã thành lập được Ban Chỉ đạo của cuộc vận động. Sau khi thành lập Ban Chỉ đạo thì thành viên của Ban Chỉ đạo là người đứng đầu của các sở, ban, ngành đã tích cực vào cuộc. Các cấp, các ngành liên quan đã xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai các mục tiêu của cuộc vận động. Tính đến thời điểm này, các thành viên BCĐ đã cơ bản xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện cuộc vận động. Đối với Tỉnh ủy đã ban hành công văn chỉ đạo. Đối với các huyện, thành phố thì đã có 9/10 huyện, thành phố thành lập được BCĐ cấp huyện và cũng đã có các văn bản hướng dẫn chỉ đạo đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan.

Ông Lưu Duy Khanh trả lời phỏng vấn của PV
Ông Lưu Duy Khanh trả lời phỏng vấn của PV

PV: 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp Việt phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm cũng như đưa hàng Việt Nam về với nông thôn ra sao thưa ông?

Ông Lưu Duy Khanh: Tỉnh đã rất quan tâm bên cạnh việc thực hiện chỉ thị, quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì UBND tỉnh trong 10 năm qua đã ban hành gần 30 văn bản, cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu hút kêu gọi đầu tư cũng như thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Trong 10 năm qua, UBND tỉnh đã trích ngân sách tỉnh 130 tỷ đồng để hỗ trợ một số doanh nghiệp tạm trữ hàng hóa để thực hiện chương trình bình ổn giá cả thị trường rồi việc hỗ trợ xây dựng thương hiệu và đối với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh thì hiện nay UBND tỉnh đã có chỉ đạo các sở, ngành có một số cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các sản phẩm đặc trưng ví dụ như sản phẩm phát triển về dược liệu.

PV: Để cuộc vận động thực sự đạt hiệu quả, đi vào chiều sâu, tỉnh Kon Tum đã tăng cường các giải pháp quản lý thị trường, bảo vệ người tiêu dùng như thế nào?

Ông Lưu Duy Khanh: Công tác quản lý thị trường thì trong những năm qua BCĐ cuộc vận động phối hợp với BCĐ 389 về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng nhái, hàng giả, phối hợp với ngành chức năng tổ chức rất nhiều hoạt động thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường góp phần ngăn chặn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.

PV: Một trong những mục tiêu quan trọng của cuộc vận động đó làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc tiêu dùng hàng nội địa. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, ông đánh giá như thế nào về nhận thức cũng như hành động của người tiêu dùng tỉnh Kon Tum đối với các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam?

Ông Lưu Duy Khanh: Qua hoạt động của BCĐ cuộc vận động các cấp, cấp huyện, cấp tỉnh và sự phối hợp triển khai của các ngành chức năng theo chức năng, nhiệm vụ của mình thì từng bước đã tác động và có sự lan tỏa. Nhận thức của người tiêu dùng cũng đã nhận thấy rõ hơn năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước cũng như tin tưởng hơn đối với các sản phẩm hàng hóa hàng của Việt Nam. Qua khảo sát và nắm các kênh thông tin, hiện nay có 70 – 80% người được hỏi tin tưởng và yên tâm dùng các hàng hóa do Việt Nam sản xuất.

PV: Phát huy các kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai giải pháp cụ thể nào để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả cuộc vận động trong cộng đồng?

Ông Lưu Duy Khanh: Thứ nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền cuộc vận động. Tuyên truyền là có 02 đối tượng tuyên truyền. Thứ nhất là các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức ý thức, mục tiêu của cuộc vận động. Thứ hai là tuyên truyền cho doanh nghiệp nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình để đầu tư, cải tiến kỹ thuật công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cũng như hạ giá thành sản phẩm của mình để cạnh tranh với thị trường. Thứ hai là tạo ra cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp cũng như tư nhân sản xuất kinh doanh để có điều kiện tăng cường phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tăng cường hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm của tỉnh Kon Tum với mục tiêu chuyển dần nhận thức từ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sang hàng Việt Nam chinh phục được người Việt Nam cũng như hàng Kon Tum phải chính phuc được người Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *