(kontumtv.vn) – “Nếu triển khai trong năm học này, tôi e rằng không khả thi. Còn nếu vẫn triển khai, tất cả sẽ ở dạng “chín ép”.

Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP HCM năm học 2014 – 2015” với tổng kinh phí thực hiện  thí điểm khoảng 4.000 tỷ đồng. Đề án này đang chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Theo đề án, nội dung trong SGK các môn học từ lớp 1-3 được số hóa theo công nghệ 3D, mỗi học sinh sử dụng một máy tính bảng riêng. Giáo viên sẽ sử dụng phần mềm để soạn giáo án, quản lý lớp học và có thể kiểm soát học sinh. Tuy nhiên, đề án đang nhận được phản ứng trái chiều từ dư luận.

ThS. Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV)

Để có nhiều góc nhìn, VOV.VN phỏng vấn ThS. Lê Thị Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV), nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em. Hiện chị đang là chủ nhiệm dự án Nghiên cứu và Phát triển nhân tài Việt; nghiên cứu các chương trình phát triển trí thông minh, sự tự tin và kỹ năng sống cho trẻ em; đào tạo chương trình kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng nuôi dạy trẻ thành tài cho các bậc phụ huynh…

Cần tiến hành một cuộc khảo sát trên diện rộng

PV: Theo chị, với lứa tuổi của các em từ lớp 1-3, thì việc học hoàn toàn bằng Sách giáo khoa điện tử (SGKĐT) liệu có phù hợp?

Chị Lê Thị Lan Anh: Theo đề án “Thí điểm mô hình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TPHCM năm học 2014 – 2015” thì một trong số nội dung rất đang được quan tâm hiện nay là “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng dành cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3”.

Tôi đã có hơn 10 năm làm công tác nghiên cứu xã hội học, đào tạo cho nhiều đối tượng: giảng dạy tại trường đại học, dạy kỹ năng sống cho học sinh, kỹ năng tư duy cho trẻ từ 4-14 tuổi; trực tiếp đào tạo về phương pháp giảng, kỹ năng giảng hiện đại cho giáo viên nhiều cấp học trong cả nước, theo tôi để nhận định Đề án SGKĐT có phù hợp với học trò hay không không đơn giản.

Xét về mặt ưu điểm: Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của công nghệ thông tin, vì thế, thật khó để phủ nhận sức mạnh của công nghệ trong đời sống. Tôi tin rằng, những người có ý tưởng và thai nghén Đề án này chắc chắn cũng mong muốn ứng dụng tốt nhất những đặc điểm ưu việt của công nghệ vào giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Bạn thử nghĩ xem, một “cuốn SGKĐT” có thể tích hợp toàn bộ giáo trình từ lớp 1 đến lớp 12 là quá tuyệt ấy chứ. Nếu SGKĐT thay thế hoàn toàn sách in thì Nhà nước sẽ không phải tốn tiền in sách giấy, không phải lãng phí nhiều tỷ đồng cho việc phát hành sách hàng năm, sau đó lại cải tiến, lại thay thay đổi và lại in.

Với SGKĐT, mỗi khi Bộ GD-ĐT thay đổi nội dung, phần mềm sẽ được tự động cập nhật. Những môn học mang tính đặc thù mà không phải giáo viên nào cũng có khả năng dạy tốt, giảng hay – giờ được tích hợp trong 1 chiếc máy tính bảng như: âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh. 12 trong 1 (12 bộ sách trong 1 máy tính bảng) nghe qua như thế nghe có vẻ hoàn hảo.

Xét ở lăng kính phần mềm:

Khi 3D hóa các bài học (các bài học được thể hiện bằng hình ảnh 3D), xét ở lăng kính người viết phần mềm đơn thuần-đó có thể được coi là bước tiến. Máy tính thì luôn có khả năng làm cho bài học, bài giảng trở nên sinh động, đa màu sắc và đỡ nhàm chán hơn khi trình bày trên giấy.

Tuy nhiên, đứng trên góc độ người nghiên cứu về giáo dục, góc độ phụ huynh, quyền lợi của học sinh, túi tiền của mỗi gia đình… thì việc ngay lập tức ứng dụng rộng rãi đề án này có hàng loạt những vấn đề cần phải chuẩn bị. Sách đối với trẻ tiểu học không chỉ đơn giản là phần mềm, hơn thế nữa, nó phải là một phần mềm giáo dục. Mà phần mềm giáo dục thì phải được nghiên cứu, thẩm định bởi những người có chuyên môn về giáo dục-chứ không phải bởi người viết phần mềm.

PV: Vậy với vai trò là Nhà nghiên cứu xã hội học, từng công tác trong lĩnh vực đào tạo phát triển trí tuệ trẻ em, chị nhận thấy đề án này cần phải chuẩn bị những gì trước khi áp dụng rộng rãi trong trường học?

Chị Lê Thị Lan Anh: Thứ nhất, ở góc độ nghiên cứu xã hội học, Đề án trước khi triển khai cần tiến hành một cuộc khảo sát trên diện rộng (theo hình thức online và/hoặc offline) để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người dân. Dạy trên máy tính bảng là bước ngoặt rất lớn, rất khác biệt với phương pháp hiện tại. Bởi vậy, nội dung trưng cầu ý kiến người dân cũng phải xây dựng rất chuyên biệt như:

Phương pháp giảng của giáo viên cần được thay đổi, bổ sung như thế nào? Có bao nhiêu phần trăm giáo viên có kỹ năng sử dụng máy tính bảng, kỹ năng soạn giáo án bằng máy tính? Tỷ lệ giáo viên ít tiếp cận máy tính, hiếm khi hoặc chưa bao giờ tiếp cận máy tính là bao nhiêu? Cần bao nhiêu thời gian để đào tạo 1 giáo viên mà họ hiếm khi hoặc chưa bao giờ dùng máy tính sử dụng thành thạo SGKĐT?.

Đặc biệt, với những giáo viên lớn tuổi, giáo viên ở vùng nông thôn, vùng xa, vùng sâu-công nghệ đối với họ là một thứ cực kỳ xa lạ. Giờ áp dụng rộng rãi ngay lập tức, đồng loạt dễ dẫn đến các tác động tiêu cực: giáo viên lúng túng, thiếu tự tin, chán nản, bỏ nghề.

Phương pháp, thói quen học, thói quen đọc; kỹ năng sử dung máy tính bảng, làm quen thiết bị, làm chủ công nghệ, cách khai thác thông tin trên máy của học sinh. Từ trước đến nay, học trò nhỏ tuổi vốn không hoặc rất ít được tiếp xúc với máy tính, thậm chí nhiều bé bố mẹ ít cho xem ti vi vì lo ngại con trẻ bị tật khúc xạ, lệ thuộc vào thiết bị điện tử làm giảm khả năng giao tiếp.

Khi phương pháp giảng, phương pháp học thay đổi, vậy quy trình đánh giá chất lượng học sinh có thay đổi không? Sử dụng máy tính bảng liên tục có khiến học sinh bị tật khúc xạ hàng loạt không? Thời lượng trẻ tiếp xúc với máy tính bảng bao nhiêu giờ trong một ngày?

Tâm lý của phụ huynh học sinh đã sẵn sàng tiếp nhận chưa, có đủ kinh phí để đầu tư không, đã sẵn sàng thay đổi thói quen, cách dạy kèm thêm cho trẻ ở nhà hay chưa? (từ trước đến nay vốn hướng dẫn con học trên sách, không phải ai cũng có kỹ năng làm chủ công nghệ để dạy trẻ).

Nhiều học sinh sẽ phải bỏ học giữa chừng?

PV: Với một đề án như thế này, gia đình cũng phải lo kinh phí rất nhiều để sắm trang thiết bị cho con em mình, liệu như thế đã phù hợp với đa số người Việt Nam, thưa chị?

Chị Lê Thị Lan Anh: Một bộ sách giáo khoa hiện tại khoảng vài triệu đồng  vốn chẳng đáng gì với trẻ em khá giả ở thành phố. Nhưng ở nông thôn và vùng khó khăn, cứ đến đầu năm học, nhiều gia đình vẫn lao đao với các khoản phí cho con có cơ hội được cắp sách tới trường. Không ít gia đình sử dụng sách giáo khoa theo hình thức “gia truyền”: anh để lại cho em, cô nhượng cho cháu, bạn lớn nhường cho bạn bé, học sinh miền núi học sách cũ được quyên góp từ học sinh thành phố…

Đề án đang nhận được sự phản ứng trái chiều từ dư luận (ảnh: GD-TĐ)

Vì thế, để bỏ ra từ 3 đến 5 triệu cho việc đầu tư 1 SGKĐT, tôi e rằng nhiều học sinh sẽ phải bỏ học giữa chừng. Hơn thế nữa, rất có khả năng sau 1 đến 2 năm “thí điểm”, cuốn SGKĐT sẽ không phù hợp, phải thay thế hoặc học sinh lại trở về học sách in thì sự lãng phí là vô cùng lớn.

Sách giáo khoa từ trước tới nay vốn được trợ giá, vậy SGKĐT tại sao không được trợ giá?

Gánh nặng tài chính sẽ còn đè nặng hơn nữa trên vai những gia đình khó khăn khi chẳng may con làm rơi máy, vỡ, hỏng. Việc thay thế linh kiện mới, mua mới có được ưu đãi gì không từ phía nhà cung cấp? Trường hợp xấu nhất: bố mẹ không đủ tiền ngay lập tức mua máy mới cho con, việc học của con có bị ảnh hưởng? Bài toán nào cho những trường hợp này?

PV: Nhiều người cũng rất lo ngại về khả năng quản lý học sinh của nhà trường và gia đình khi con em mình học theo phương pháp mới này. Chị cho biết ý kiến của mình?

Chị Lê Thị Lan Anh: Đây là bài toán nan giải về “an ninh mạng” khi trẻ tiếp xúc với công nghệ. Có một thực tế là rất ít bố mẹ ở Việt Nam có khả năng kiểm soát sát sao khi trẻ truy cập internet.

Các ông bố bà mẹ có trình độ, có chuyên môn, có tiền thì quá bận rộn, họ không thể 24/24 sát cánh bên con khi trẻ truy cập internet. Bên cạnh đó, nhiều bố mẹ khác có thời gian hơn nhưng lại không hiểu hết về công nghệ để biết trẻ đang học hay đang “tìm tài liệu”. Nguy cơ từ các trang web đen tràn ngập xã hội ảo. Nguy cơ từ các từ các game điện tử cũng cũng dễ dàng khiến trẻ “nghiện” học hơn chơi.

Vì thế, SGKĐT cần được tích hợp một số công cụ:

Công cụ “bức tường lửa” để ngăn chặn nguy cơ trẻ truy cập vào các trang web không phù hợp. Tôi được biết, hiện nay Bộ LĐ-TB-XH đã triển khai một phần mềm tương tự khá được đón nhận. Phần mềm này cần được thường xuyên cập nhật phiên bản mới miễn phí, tính ngăn chặn cao. Nhà trường hoặc nhà cung cấp phải có các buổi hướng dẫn phụ huynh các thao tác căn bản để cập nhật phần mềm, cách kiểm soát “lịch sử truy cập web” của con để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ và can thiệp kịp thời.

Tuyệt đối không có bất kỳ phần mềm bạo lực, không phù hợp nào trong máy. Tất cả những nội dung cài đặt vào máy phải được kiểm duyệt chặt chẽ, cho dù đó là game (trò chơi) giáo dục.

Phải dạy trẻ sử dụng máy tính trước khi dạy trẻ học viết, học đọc. Bởi phải làm chủ công nghệ trước rồi mới khai thác và sử dụng.

Máy cần có các tính năng đặc biệt cho học sinh nhỏ tuổi: khả năng chống chịu lực cao, màn hình lớn, có những tính năng đặc biệt để hạn chế bệnh về mắt (tận khúc xạ về mắt: cận, loạn thị…) khi trẻ thường xuyên đọc, xem, làm bài tập trên máy.

Thiết lập cao hơn nữa vấn đề an ninh trường học, hạn chế rủi ro việc mất máy trong trường.

PVChị đánh giá như thế nào về tính khả thi của đề án này trong tình hình ở Việt Nam?

Chị Lê Thị Lan Anh: Như phân tích ở trên, một khối lượng khổng lồ sẽ đặt ra cho cả  3 nhà: nhà quản lý, nhà trường và nhà của trẻ (gia đình). Nếu ngay lập tức triển khai trong năm học 2014-2015 này, tôi e rằng không khả thi. Hoặc nếu vẫn triển khai, tất cả sẽ ở dạng “chín ép”- một quả hồng chín tự nhiên sẽ ngon, ngọt hơn một quả hồng non xanh và nhiều nhựa.

PV: Theo chị, với khả năng phát triển của các em từ lớp 1-3, với điều kiện như ở Việt Nam, phương pháp dạy như thế nào là phù hợp?

Chị Lê Thị Lan Anh: Khi đề án SGKĐT được ứng dụng, nhiều quy trình giảng dạy, đào tạo buộc phải thay đổi cho phù hợp. Ví như: trước đây chúng ta dạy trẻ học viết trước khi học đọc; thì nay sẽ thêm 1 quy trình nữa là dạy trẻ để máy tính như thế nào, cách xa mắt bao nhiêu, dạy học làm chủ máy tính bảng trước khi học viết. Với trẻ lớp 1,2,3 ở thành phố, đã từng được tiếp cận các thiết bị điện tử tương tự như máy tính bảng, việc này không quá khó. Nhưng, với các đối tượng trẻ chưa bao giờ tiếp cận máy tính bảng, chưa từng tiếp cận các thiết bị điện tử tương tự – thì đề án thật khó khả thi trên diện rộng.

Ngay cả khi thí điểm, trước khi triển khai, đề án cũng cần có những bước đệm (các giai đoạn) chuẩn bị kỹ lưỡng. Tổ chức các khóa tập huấn chuyên sâu cho toàn bộ hệ thống giáo dục – nơi tiếp nhận đề án đó. Thí điểm trong diện hẹp, rút kinh nghiệm, hoàn thiện phần mềm SGKĐT trước khi tung ra trên diện rộng.

Tôi cũng xin nói thêm, không chỉ riêng ở Việt Nam, ngay cả tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và các nước có chất lượng giáo dục nổi tiếng thế giới – SGKĐT nói chung và việc đọc sách online, học trên máy tính chưa thể thay thế 100% sách in.

PV: Xin cảm ơn chị./.

Minh Hòa/VOV.VN (Thực hiện)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *