(kontumtv.vn) – Trích phát biểu của Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn tại Hội nghị “Truyền thông và phát triển”.

Hội nghị “Truyền thông và phát triển” là một sự kiện quan trọng của ngành Thông tin và truyền thông diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh ngày 31/1/2015. Hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; thu hút sự tham gia của trên 300 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Trung ương; lãnh đạo tỉnh, hàng chục cơ quan báo chí, truyền thông trong cả nước.

VOV.VN trích giới thiệu bài phát biểu khai mạc hội nghị của Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn.

… Hội nghị “Truyền thông và phát triển”  là một diễn đàn lớn, quy tụ nhiều nhà báo và những chuyên gia truyền thông có uy tín và các nhà quản lý. Đây là nơi chia sẻ những kết quả nghiên cứu, những kinh nghiệm thực tế, những chủ trương chính sách mới trong lĩnh vực truyền thông.


Ông Trương Minh Tuấn

Đây cũng là dịp những người làm báo, những người làm công tác truyền thông, các cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương và Hội nghề nghiệp cùng nhau thảo luận những ý tưởng mới, gợi mở, đề xuất những bước đi, biện pháp hữu ích cho tiến trình phát triển truyền thông của Việt Nam.

Hội nghị lần này được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang có những bước phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực truyền thông. Internet và các phương tiện viễn thông bùng nổ toàn cầu, công nghệ thông tin thống trị tất cả các lĩnh vực từ hệ thống quản lý hành chính đến văn hoá, xã hội, giáo dục, kinh tế, ngoại giao, an ninh, quốc phòng… Đây vừa là cơ hội lớn, nhưng đồng thời cũng là thách thức rất lớn.

Trong bối cảnh đó, Đề án “Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí Toàn quốc đến năm 2025” vừa được Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo tại Hội nghị lần thứ 10, Ban chấp hành TW Đảng khoá XI thể hiện tầm nhìn chiến lược, phát triển bền vững của báo chí và truyền thông Việt Nam phù hợp với xu hướng của thời đại.

Hội nghị “Truyền thông và phát triển” không chỉ bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của báo chí và truyền thông Việt Nam trong giai đoạn mới mà còn thể hiện tính nhạy bén, kịp thời trước những nhu cầu của xã hội.

Với sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh và Hội Nhà báo Việt Nam, Hội nghị lần này sẽ tạo những điều kiện tốt nhất để các đại biểu trình bày, trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm thực tiễn, những ý tưởng mới để đề xuất những hướng đi và chính sách phù hợp.

Tôi xin khái quát một số chủ đề sẽ được Hội nghị của chúng ta tập trung thảo luận. Đây chính là những vấn đề mà thực tiễn phát triển của Việt Nam đang đặt ra cho ngành thông tin và truyền thông hiện nay:

Thứ nhất, chủ đề Quy hoạch báo chí và tiến trình xã hội hoá báo chí.

Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị Trung ương 9 (Khóa XI); Thông báo kết luận số 41-TB/TW ngày 11/10/2006 của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí. Trong đó, yêu cầu Chính phủ thực hiện việc xây dựng Quy hoạch hệ thống báo chí.

Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí quy định việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp báo chí là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý nhà nước về báo chí.

Như chúng ta đã biết, hiện nay cả nước có 845 cơ quan báo chí với 1.118 ấn phẩm, 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh – truyền hình, số lượng các kênh chương trình PTTH quảng bá là 179 kênh, số lượng đơn vị cung cấp truyền hình cáp là 33 đơn vị, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập rất cao, ảnh hưởng ngày càng lớn về thông tin.

Số lượng cơ quan báo chí nhiều và đa dạng về loại hình, đáp ứng được nhu cầu thông tin, tuy nhiên còn nhiều hạn chế, bất cập và chưa khoa học dẫn đến lãng phí nguồn lực và tài chính. Hầu hết các cơ quan báo chí địa phương phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Quy hoạch báo chí xác định hoạt động liên kết là xu hướng chung. Ở nước ta, xu hướng này phát triển nhanh trong một vài năm trở lại đây, góp phần huy động các nguồn lực xã hội, tạo thêm nguồn thu, làm phong phú các ấn phẩm và chương trình PTTH mang tính giải trí.

Hoạt động liên kết thời gian gần đây cũng diễn biến sôi động trên nhiều loại hình báo chí, nhất là báo điện tử. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có cơ sở để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý tốt hoạt động này. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp vi phạm về nội dung nằm ở những chương trình, chuyên mục, cơ quan báo chí có hoạt động liên kết.

Mong Hội nghị phân tích kỹ cả tầm vĩ mô và vi mô, đánh giá lại thực trạng mô hình xã hội hoá báo chí nhằm đề xuất phương án tối ưu giúp cơ quan quản lý nhà nước có những chủ trương, chính sách tốt và tận dụng được nguồn lực xã hội.

Thứ hai, chủ đề Truyền thông trong việc xây dựng thương hiệu địa phương và thương hiệu quốc gia.

Xây dựng hình ảnh địa phương, hình ảnh quốc gia là góc nhìn và là vấn đề khá thú vị hiện nay của truyền thông. Nhờ vào truyền thông, mỗi địa phương, mỗi quốc gia đều có thể xây dựng hình ảnh của mình để hội nhập mà không không “hoà tan” trong quá trình toàn cầu hoá.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển. Chúng ta phải đương đầu với nhiều vấn đề như xoá đói giảm nghèo, nâng cao trình độ dân trí, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng… Báo chí truyền thông là công cụ hữu hiệu để đạt được những mục tiêu lớn liên quan đến phát triển kinh tế và ổn định chính trị – xã hội.

Ở chủ đề này, tôi mong các đại biểu thảo luận theo hướng: Tìm hiểu các lý thuyết về việc xác lập hình ảnh một địa phương, một quốc gia (nation-states); thảo luận các chiến lược truyền thông; phân tích thực trạng cơ sở hạ tầng của truyền thông, viễn thông và vai trò đối với chất lượng sống cũng như khả năng sản xuất của nền kinh tế; góp ý xây dựng chủ trương chính sách của Nhà nước đối với truyền thông.

Thứ ba, đạo đức và tính chuyên nghiệp của báo chí

Theo Đề án Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí Toàn quốc đến năm 2025, xác định báo điện tử và mạng xã hội sẽ đóng vai trò chủ đạo.

Không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác, báo mạng đã đặt ra vấn đề đạo đức và pháp lý. Những nhóm vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay là: Vi phạm bản quyền; xâm phạm đời tư; phỉ báng gây tổn hại danh dự cá nhân; quảng cáo trá hình; nguỵ tạo hình ảnh; đính chính và siêu liên kết với các mạng ngoài…

Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp hiện nay của Hội Nhà báo Việt Nam chưa theo kịp thực tế và đáp ứng nhu cầu của phát triển.

Nhân Hội nghị này, tôi đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề vĩ mô làm nền tảng cho việc tiến tới xây dựng một bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam ngay trong năm 2015 này.

Thứ tư, chủ đề xu hướng truyền thông mới và sự tồn tại của báo chí truyền thống.

Báo in sẽ như thế nào? Có người cho rằng “báo in sẽ chết trong thời gian tới”. Tôi xin khẳng định rằng: Báo in sẽ không “chết”, nhưng phạm vi đang thu hẹp dần lại trước xu hướng phần lớn độc giả trẻ tuổi chuyển sang đọc tin tức trực tuyến. Dự báo xu hướng trên nên Đề án Quy hoạch Phát triển và Quản lý báo chí Toàn quốc đến năm 2025 đã xác định báo điện tử và mạng xã hội là phương tiện truyền thông quan trọng.

Gần hai thập kỷ kể từ khi tạp chí điện tử Quê Hương của Uỷ Ban người Việt ở nước ngoài ra đời, đến nay báo điện tử Việt Nam đã phát triển rầm rộ nhưng vẫn trong tình trạng dò dẫm, thiếu tính chiến lược. Trong khi đó, tốc độ phát triển Internet của Việt Nam bùng nổ nhanh chóng, các loại thiết bị cầm tay (Personal Digital Assistant) ngày càng rẻ và tiện dụng.

Công nghệ kỹ thuật ngày càng phát triển đã thúc đẩy và làm đa dạng hóa nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng, làm thay đổi tư duy quản lý, cách thức và mô hình sản xuất, theo đó báo in có xu hướng ngày càng giảm, truyền hình và báo điện tử ngày càng phát triển. Hoạt động của các cơ quan báo chí có xu hướng chuyển dần sang mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện có nhiều loại hình báo chí, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến truyền thông, trên cơ sở kết hợp được ưu thế của cả báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử.

Sự hội tụ công nghệ và dịch vụ trong thời đại kỹ thuật số đang dẫn đến sự hội tụ hạ tầng truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình với hạ tầng mạng viễn thông, xu hướng các đài tập trung vào nhiệm vụ sản xuất nội dung chương trình trong khi đó phần truyền dẫn, phát sóng sử dụng chung với hạ tầng mạng viễn thông.

Việc phân bố trật tự thông tin mới trên thế giới tạo ra sự bất bình đẳng: Một số nước có tiềm lực chiếm ưu thế về phương tiện và hạ tầng kỹ thuật đã hình thành các tập đoàn truyền thông đa phương tiện chi phối hầu hết nguồn thông tin trên thế giới.

Sự phát triển của các loại hình truyền thông xã hội (trang thông tin điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông trên mạng) tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về thông tin cho hoạt động báo chí.

Ở chủ đề này, tôi mong các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề sau: Thực trạng báo điện tử của Việt Nam hiện nay; Mô hình truyền thông đa phương tiện (Multimedia) nào phù hợp nhất đối với Việt Nam và xác định hướng đi cho báo in truyền thống…/.

Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ TT-TT/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *