40 năm thống nhất đất nước: Việt kiều Mỹ trải lòng về hòa hợp dân tộc
24.04.2015(kontumtv.vn) – Dù mỗi người một hoàn cảnh, song ở họ có chung là đều nặng lòng với quê hương. Với họ, Tổ quốc, nguồn cội chính là cái gốc của hòa hợp dân tộc.
40 năm đã trôi qua, nhưng cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn để lại một vết thương chưa thể lành trong lòng người Việt. Hòa hợp dân tộc, bao giờ và như thế nào, cho đến nay vẫn là nỗi trăn trở của ngay chính những người Việt xa xứ, những người từng ở bên kia chiến tuyến vì với họ, quê hương chỉ có một.
Một buổi chiều cuối tháng 4 ngập nắng tại quận Cam, California, Hoa Kỳ, trong căn nhà nhỏ trên đường Glencoe, người đàn ông thấp đậm đang hào hứng giới thiệu những chiếc vỏ ốc đủ màu sắc, kỷ vật mà ông mang về trong chuyến đi thăm Trường Sa năm 2014. Những kỷ niệm về người lính đảo, về mỗi tấc đất quê hương cứ ùa về, khiến giọng người cựu Thiếu úy Thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Lập lúc đầy hưng phấn, lúc trở nên gay gắt.
“Người ta bảo cả chuyến đi về Việt Nam không thấy ông Nguyễn Ngọc Lập khóc. Trời ơi, tôi khóc mà anh thấy được sao. Bay tới Đài Loan tôi chưa khóc, nhưng từ Đài Loan về, tôi khóc đến mức hai người ngồi cạnh tôi tưởng tôi điên. Mà tôi không biết vì sao tôi khóc, tôi yêu đất nước đến thế nào thì sao tôi có thể nói với anh được”, ông Nguyễn Ngọc Lập nói.
Với những lời tâm sự từ gan ruột của Nguyễn Ngọc Lập, có lẽ không mấy ai nghĩ rằng trước đây ông đã từng là người “chống Cộng” kịch liệt, phần vì bất đồng chính kiến, phần vì cái mà ông gọi là “buôn bán sự hận thù”. Ít khi ông Lập vắng mặt trong các cuộc biểu tình hay tuần hành. Nhưng rồi sau hàng chục năm ôm mối hận trong lòng, ông bắt đầu nhận ra rằng sự thật luôn là sự thật và đã đến lúc phải thay đổi. Theo ông, muốn nói gì đi chăng nữa thì cũng phải dựa trên dân tộc. Cái khó nhất hiện nay là phải nhận ra được kẻ thù của mình là chính mình. Cần hòa giải với chính mình trước rồi mới thương xót, tha thứ cho người khác được.
Đã vào những ngày cuối tháng 4, khu vực Little Sài Gòn, trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người Việt tại quận Cam vẫn bình lặng. Ông Vũ Chung, một nhà báo đang làm việc tại đây cho rằng những sự hiểu lầm, bất đồng giữa nhiều người Việt tại Mỹ với trong nước đang dần nguôi ngoai.
So với 20 năm về trước thì hôm nay, người Việt Nam tại hải ngoại, nhất là những người đã về Việt Nam, hiểu biết về những sự thay đổi của Việt Nam hơn những người chưa bao giờ trở về. Ông nghĩ, cùng với thời gian, sự hiểu biết sẽ lớn dần lên qua sự gặp gỡ giữa người ngoài nước và trong nước dưới dạng đi du lịch, làm ăn, thăm thân nhân… Từ những sự tiếp xúc đó, dù lặng lẽ nhưng nó là một lực đẩy dẫn đến những điều tốt đẹp cho cái chung, tức là dân tộc Việt Nam.
Từng là Thiếu úy quân đội Việt Nam Cộng hòa, sau ngày thống nhất đất nước, ông Vũ Chung phải đi cải tạo 5 năm. Nhưng ông không vì thế mà ôm hận thù, trái lại còn cho rằng đây là quãng thời gian đã giúp ông trưởng thành lên rất nhiều.
Ông Vũ Chung tâm sự, việc xóa bỏ những hiểu lầm trong quá khứ cũng như hiện tại đòi hỏi phải có thời gian và sự thực tâm. Ông Chung cho rằng ở đâu cũng vậy, luôn có những người hiểu sai, hoặc vô tình hoặc hữu ý, và do vậy Chính phủ Việt Nam cần làm thế nào để người Việt ở nước ngoài hiểu rõ hơn nữa về thể chế, chính sách của Việt Nam. Cũng theo ông Chung, trước mắt thì sự giao lưu, tiếp xúc giữa thế hệ trẻ trong và ngoài nước sẽ là chất xúc tác cho hòa hợp dân tộc.
Nguồn cội là gốc của hòa hợp dân tộc
Chia sẻ ý kiến của ông Vũ Chung, cựu Thiếu úy Nguyễn Ngọc Lập cho rằng việc thiếu đối thoại đã gây trở ngại cho quá trình hòa hợp dân tộc. “Ông Lê Duẩn nói rất rõ là cuộc chiến tranh không phải là chiến thắng giữa miền Nam và miền Bắc mà chỉ có nhân dân Việt Nam thắng Mỹ. Như vậy việc hòa giải, hòa hợp dân tộc mà chúng ta đã có yếu tố là chung một ngôn ngữ thì tại sao không thể đối thoại với nhau. Sự thiếu đối thoại khiến chúng ta không thể đến với nhau được”.
Cũng định cư tại Mỹ hàng chục năm như ông Vũ Chung và Thiếu úy Lập, kỹ sư Lê Thành Du lại may mắn không phải ra chiến trận khi được sang Mỹ học từ năm 1972, ngay khi vừa tốt nghiệp trung học nhờ xuất thân từ một gia đình vai vế với thân nhân nắm giữ nhiều chức vụ cao cấp trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Ông Du cho rằng hai nước cựu thù Việt Nam và Mỹ còn bắt tay nhau được thì hòa hợp dân tộc giữa người Việt Nam là vấn đề tất yếu nếu tất cả đều cùng nhìn về cái chung.
Cách California 6 tiếng bay, tại tiểu bang Virgina, ông Nguyễn Văn Tuyên, hội viên Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mỹ đang bận rộn với một loạt các dự án cung cấp nước sạch cho vùng sâu vùng xa ở Việt Nam.
Ngoài công việc cho Chính phủ Mỹ, ông Tuyên còn làm cầu nối giữa doanh nghiệp Mỹ và các chương trình phát triển trong nước. Trải qua thời thơ ấu trong chiến tranh, sau đó rời Việt Nam sang định cư tại Mỹ vào năm 1984, với ông Tuyên, chiến tranh đã lùi xa, quá khứ nên khép lại. Và càng không nên nghĩ ai là người chiến thắng và ai là kẻ chiến bại, hãy để cho nó là một kỷ niệm để chúng ta ngồi lại với nhau xây dựng đất nước, đưa đất nước tiến vào một quỹ đạo mới.
Lớn lên trong bom đạn, chứng kiến biết bao người cha, người chồng không thể trở về, biết bao gia đình phải ly tán, khi bước chân sang Mỹ cũng chỉ hai bàn tay trắng, không nhà cửa, có lúc phải tìm mua một chiếc xe cũ để vừa đi lại vừa làm nơi trú ngụ, ông Tuyên đã nếm trải đủ mọi cay đắng của chiến tranh, của cuộc sống tha hương để hiểu giá trị của hòa hợp dân tộc. Trong nhiều năm qua, cùng với Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mỹ, ông Tuyên đã thầm lặng xây dựng và đưa nhiều dự án đầu tư và dịch vụ về Việt Nam với ước mơ xây dựng đất nước ngang với Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Ông Tuyên tâm sự, đất nước đã độc lập, tự do, mở cửa kinh tế thì cũng nên mở cửa chính trị để những người như ông Tuyên có tiếng nói, cùng bắt tay đưa dân tộc vào quỹ đạo mới.
Mỗi người một hoàn cảnh, người thuộc gia đình quyền thế như Lê Thành Du, người vượt biển ra đi như Nguyễn Văn Tuyên, người từng phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng hòa như ông Vũ Chung hay Thiếu úy Lập nhưng tất cả đều có một điểm chung: ai cũng nặng lòng với quê hương. Với họ, Tổ quốc, nguồn cội có lẽ chính là cái gốc của hòa hợp dân tộc./.