(kontumtv.vn) – Sử dụng các loại bao bì nilon và đồ dùng bằng nhựa từ lâu đã trở thành thói quen khó có thể thay đổi của người dân. Tuy nhiên, với những tác động tiêu cực về lâu dài mà chúng mang đến cho môi trường sống và tương lai của chúng ta, đã đến lúc mọi người phải hành động vì môi trường. Vậy ai sẽ là người hành động vì môi trường?

Trở lại câu chuyện sử dụng bao bì nilon và đồ dùng bằng nhựa tại các chợ và cửa hàng kinh doanh thực phẩm, hầu hết người tiêu dùng đều cho rằng việc sử dụng túi nilon là rất tiện lợi. Vậy nếu sử dụng một loại túi thân thiện với môi trường hoặc tiết kiệm bao bì nilon bằng cách tái sử dụng liệu có tính khả dụng hay không? Bà Nguyễn Thị Kim Quang (Tạp hóa Quang, đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Kon Tum) nói: “Đối với những mặt hàng như túi bóng thân thiện với môi trường thì giá thành của nó cao lắm, họ không tiêu thụ được, nên mình không có về. Bình thường những mặt hàng sử dụng bao bóng thì mình vứt đi chứ không có tái sử dụng lại”.

Bao bì nilon và đồ dùng bằng nhựa tiêu thụ mạnh trên thị trường
Bao bì nilon và đồ dùng bằng nhựa tiêu thụ mạnh trên thị trường

Những hộ kinh doanh nhỏ lẻ không đủ khả năng sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường, nhiều người tiêu dùng lại không thực sự quan tâm đến vấn đề này. Vậy nếu có một chiến dịch hạn chế sử dụng rác thải nhựa thì ai sẽ là người có thể lan truyền cảm hứng?

Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, chúng tôi đã tìm đến hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới của Hội Phụ nữ tỉnh Kon Tum. Tại đây, các hoạt động hướng đến hạn chế rác thải nhựa, sử dụng các loại đồ dùng thân thiện với môi trường được hội viên nhiệt tình ủng hộ. Bà Đoàn Thị Thường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum cho biết: “Để thực hiện tốt phong trào phòng chống rác thải nhựa, tất cả các sự kiện nổi bật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh cũng như các huyện, thành phố kết hợp sự kiện đó phát động phong trào chị em đi chợ sử dụng bằng những túi thân thiện môi trường, không dùng túi nilon để mua bán”.

Nhưng quay trở lại với thực tế tại các chợ, trung tâm thương mại, những cuộc vận động đó thực sự đã có tính tác động hay chưa? Ông Cao Quang Vinh, Trưởng Ban Quản lý chợ Trung tâm Thương mại thành phố Kon Tum nói: “So sánh với tình hình thực tế hiện nay thì đơn vị cũng chỉ biết tuyên truyền trên các loa thông tin đại chúng; chỉ đạo cho các tổ vệ sinh hoặc tổ sản xuất kinh doanh về vấn đề giao tiếp với tư thương cũng như vận động tuyên truyền. Còn những biện pháp đối với tư thương hiện nay so với tình hình thực tế rất khó khăn. Tại vì nó đã trở thành thói quen”.

Khó khăn trong việc thay đổi thói quen sử dụng bao bì nilon và đồ dùng bằng nhựa, những cuộc vận động chưa có tính lan tỏa cao. Nhưng để lấy lại niềm tin cho quý khán giả trong vấn đề này, trong số cuối cùng của loạt phóng sự, chúng tôi sẽ chuyển tải đến quý vị những người đang lan truyền nguồn cảm hứng bảo vệ môi trường bằng những hành động thực tế mỗi ngày. Và trả lời cho câu hỏi ai sẽ là người hành động vì môi trường thì chắc chắn rằng không riêng một ai mà toàn xã hội, mọi người hãy chung tay hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường sống.

Nguyễn Thu – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *