(kontumtv.vn) – Trao đổi với VietNamNet về dự thảo luật Báo chí, nhà báo Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) ủng hộ quy định nghiêm cấm thông tin trên báo chí việc quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa.

Vụ thảm sát ở Bình Phước đang gây bức xúc dư luận về việc tòa chưa xét xử, chưa tuyên án nhưng nhiều báo đã gọi nghi phạm là hung thủ. Ông có nhận xét gì khi dự thảo luật Báo chí quy định “nghiêm cấm thông tin trên báo chí việc quy kết tội danh khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa”?

Theo tôi, bổ sung quy định như vậy là cần thiết. Trong luật cũ không có điều này nhưng trong quy chế Đảng về xử lí các thông tin phức tạp của các cơ quan báo chí có đề cập đến vấn đề này.

Thực tế trong vụ thảm sát ở Bình Phước và nhiều vụ án khác, nhiều báo cứ làm thay tòa, nghi phạm vừa bắt đã gọi người ta là hung thủ, truy xét thân nhân, bố mẹ người ta ra.

Những bản án pháp luật có ngày người ta còn xóa án tích được nhưng bản án dư luận cứ đóng đinh mãi.

báo chí, luật báo chí, thảm sát, Bình Phước, tòa án, dư luận
Nhà báo Mai Phan Lợi. Ảnh: Thu Hằng

Tình trạng này không chỉ gây áp lực với cơ quan tố tụng mà gây ảnh hưởng gia đình, thân nhân của người bị bắt. Ở một số quốc gia thậm chí còn không cho báo đài chụp ảnh nghi phạm, bị can, bị cáo.

Trong vụ này, dường như làng báo đang có một cuộc chạy đua câu view (câu khách), kể cả một số báo có tiếng là đàng hoàng. Phải chăng báo chí đang vì áp lực câu view mà nhiều khi chấp nhận đánh đổi danh  tiếng của mình? Theo ông, vấn đề này có nên đưa vào luật Báo chí?

Việc câu view có liên quan đến lợi nhuận của các cơ quan báo chí. Nhiều báo bất chấp dư luận bức xúc vẫn cứ đưa lên những bài báo moi móc đời tư, giật gân, câu khách.

Tuy nhiên, Nhà nước không thể nào với tay đến tất cả tin bài báo chí đăng tải mà chỉ liệt kê những hành vi bị nghiêm cấm. Với góc nhìn nghiên cứu của chúng tôi, nên trao quyền cho các tổ chức xã hội giám sát như nhiều nước đã làm.

Như việc bầu giải Kền kền hàng tháng trên diễn đàn Nhà báo trẻ là một cách thức. Qua giải này, khá nhiều báo sợ, cảm thấy xấu hổ với đồng nghiệp và bị  cơ quan nhà nước xem xét.

Cản trở nhà báo tác nghiệp phải bị chế tài

Thời gian vừa qua xảy ra không ít vụ nhà báo bị hành hung trong khi tác nghiệp. Ông đánh giá thế nào về việc bảo hộ quyền tác nghiệp của nhà báo giữa dự thảo mới và luật hiện hành?

Luật Báo chí năm 1989 sửa đổi năm 1999 cam kết bảo hộ quyền tác nghiệp báo chí quy định ngay điều 2. Sang dự thảo mới, nội dung này đánh tụt xuống điều 12. Điều này khiến tôi có cảm giác mức độ quan trọng trong việc bảo hộ quyền tác nghiệp của nhà báo và bảo đảm quyền tự do báo chí của công dân giảm xuống.

Luật Báo chí không chỉ khẳng định không ai được cản trở quyền tự do báo chí mà phải nói luôn những hành vi, những người cản trở quyền tự do báo chí phải bị xử lý hình sự tương xứng với hậu quả. Theo các nghiên cứu của chúng tôi, 75% người trả lời cho rằng xã hội thiệt hại khi nhà báo bị cản trở chứ không phải riêng nhà báo. Chỉ có 17% bạn đọc cho rằng nhà báo, cơ quan báo chí bị thiệt hại.

Còn về xử lí hành chính, trong luật xử lý vi phạm hành chính cũng như  các nghị định từ trước nay đều nêu chế tài xử phạt đối với các hành vi cản trở, hành hung, lăng mạ, sỉ nhục, phá hoại tài sản. Tiếc rằng chỉ có năm 2012 xử lý 3 trường hợp do kết quả vận động một số dự án. Trong khi đó, những nhà báo, cơ quan báo chí vi phạm thì bị xử phạt rất nhiều, lên đến hàng tỷ đồng hàng năm.

Là người trực tiếp nghiên cứu việc tiếp nhận và trả lời của các cơ quan chức năng đối với báo chí, ông có nhận xét như thế nào về vấn đề này? Dự thảo luật Báo chí nên quy định như thế nào?

Theo các nghiên cứu của chúng tôi vào năm 2013, có đến 90% ý kiến cho rằng các kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân do báo chí chuyển đến các cơ quan chức năng không trả lời hoặc chậm trả lời.

Điều này đặt ra câu hỏi rất lớn, Nhà nước luôn luôn đòi hỏi báo chí phải tuân thủ quy định của pháp luật, các tổ chức, cơ quan nhà nước, đối tượng bị cơ quan báo chí phản ánh thì có cần tuân thủ không? Trong luật này cũng chưa thấy quy định rõ ràng cụ thể về điều này.

Theo tôi, dự luật cần quy định  các cơ quan nhà nước tiếp nhận và trả lời các kiến nghị, đơn thư của báo chí trong 10 ngày đối với sự việc phức tạp . Còn sự việc đơn giản, phải trả lời ngay trong ngày theo quy chế phát ngôn.

Nguyên Phương – Hồng Nhì/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *